27/09/2014 13:15 GMT+7

​Nứt nhà, dài cổ chờ bồi thường

MAI HOA
MAI HOA

TT - Nhiều công trình thi công ở TP.HCM gây nứt nhà dân xung quanh nhưng chủ đầu tư chậm bồi thường, khắc phục khiến các khổ chủ lo lắng đến mất ăn mất ngủ...

Cầu thang nhà anh Phạm Quốc Thành được đơn vị thi công chống cột thép. Tường nhà tắm phía trong cũng bị nứt - Ảnh: M.Hoa
Cầu thang nhà anh Phạm Quốc Thành được đơn vị thi công chống cột thép. Tường nhà tắm phía trong cũng bị nứt - Ảnh: M.Hoa

Tháng 2-2014, công trình xây dựng một trung tâm thương mại phía sau nhà 18 đường 3 Tháng 2 (P.12, Q.10) khởi công xây dựng. Thấy tường nhà bắt đầu nứt, anh Phạm Quốc Thành, chủ nhà, sang gặp đơn vị thi công thông báo...

Tháo chạy khỏi nhà mình

Đơn vị thi công cử người sang nhà anh Thành kiểm định hiện trạng, phát hiện chín vết nứt và hứa sẽ khắc phục. Hai tháng sau, những vết nứt xuất hiện nhiều hơn.

Trong đó, đáng ngại nhất là vết nứt quanh cầu thang dẫn từ tầng trệt lên lầu một. Lúc này, đơn vị thi công mang cột sang chống và ghi nhận có đến 43 vết nứt!

Anh Thành cho biết ngôi nhà này là nơi cư ngụ của ba thế hệ gia đình anh, với hơn 20 nhân khẩu. Phòng phía trong cùng bị nứt nhiều nhất là của mẹ anh, bà Bùi Thị Lụa (73 tuổi), nên anh phải tìm nhà trọ cho bà ở. Còn lại hơn 20 người, bao gồm cả trẻ em vẫn phải ở lại nhà số 18.

Trường hợp như nhà anh Thành không phải là hiếm. Hơn 20 hộ dân trong hẻm 146 Trương Đăng Quế (P.3, Q.Gò Vấp) cũng đã khổ sở suốt hơn nửa năm trời vì tòa nhà phía sau thi công (công trình này xây sâu khoảng 10m dưới lòng đất).

Cụ thể, từ tháng 2-2014, nhà ông Nguyễn Ngọc Thọ đã có nhiều vết nứt ngang dọc do công trình xây dựng tòa nhà này.

“Lúc nào tôi cũng nơm nớp sợ nhà mình sẽ đổ ụp xuống. Họ đào sát quá, chỉ cách tường nhà tôi chừng 40cm, đứng từ cửa sổ trên lầu nhìn xuống thấy thăm thẳm. So với công trình này, cái nhà tui chỉ nhỏ xíu nằm bên miệng hố” - ông Thọ nói.

Nhà chị Huyền ở cạnh nhà ông Thọ cũng chằng chịt vết nứt, phòng ngủ đầy những cột chống vì đà ngang đã nứt một vết khá lớn.

“Công trình đào hầm, máy chạy ầm ầm vào ban đêm ngay sát nhà mình nhưng chúng tôi không có ý kiến gì. Đến khi nhà nứt quá, chúng tôi mới làm đơn kêu cứu khắp nơi vì sợ nhà sập” - chị Huyền nói.

“Được vạ thì má đã sưng”

Khoảng tháng 2-2014, nhà thầu tiếp tục kiểm tra hiện trạng nhà và khuyên gia đình chị Huyền thuê nhà khác ở.

Thời điểm đó ngay trước Tết Nguyên đán, nên gia đình chị Huyền không dọn đi mà để đơn vị thi công mang cột thép vào nhà chống. Họ cũng hứa sẽ giải quyết đề nghị bồi thường của các hộ dân vào đầu tháng 4-2014, nhưng qua thời hạn đó vẫn không có động thái nào.

Lo sợ, bức xúc, hơn 20 hộ dân nhiều lần kéo sang công trình yêu cầu gặp người có thẩm quyền, yêu cầu ngừng thi công để đảm bảo an toàn cho người dân.

Tuy nhiên, họ chỉ gặp được nhân viên, chỉ huy công trường... là những người không đủ thẩm quyền giải quyết. Sự việc kéo dài cho đến khi UBND P.3, Q.Gò Vấp đứng ra làm trung gian hòa giải, phía chủ đầu tư mới chịu xuất hiện và thỏa thuận phương án đền bù.

Tuy nhiên, cũng phải mất hơn bốn tháng sau, phía chủ đầu tư mới đồng ý đưa tiền để các hộ dân tự sửa nhà. Đến đầu tháng 9, hầu hết các hộ dân mới nhận được tiền. Nhà ông Thọ được bồi thường 27 triệu đồng.

“Đúng là chờ được vạ thì má đã sưng, hơn nửa năm trời cả gia đình tôi mất ăn mất ngủ” - ông Thọ thở dài.

Nửa năm cũng là khoảng thời gian mà gia đình anh Phạm Quốc Thành chờ đợi để được chủ đầu tư khôi phục nguyên trạng căn nhà của mình. Sau nhiều lần thỏa thuận với chủ đầu tư không được, anh Thành mới nộp đơn lên UBND P.12 (Q.10) và Sở Xây dựng TP cầu cứu.

Ngay sau đó, UBND phường tổ chức gặp mặt giữa hai bên để thỏa thuận đền bù thiệt hại. Anh Thành cho biết cũng vì tin tưởng ở chủ đầu tư là đơn vị lớn, có uy tín trong ngành xây dựng, lại không muốn làm lớn chuyện nên cứ lần lữa.

Nhưng đến khi thời hạn mà chủ đầu tư hứa cứ trôi đi mà không nhận được bất cứ phản hồi nào, anh mới làm đơn khiếu nại.

Ông Nguyễn Tiến Long, cán bộ địa chính P.12, Q.10, lưu ý: “Khi công trình kế bên xây dựng làm nhà mình bị lún nứt, dột, thấm... người dân phải báo ngay lên phường. Phường sẽ giải quyết khiếu nại theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân”.

Ông Long cũng hướng dẫn khi công trình kế bên bắt đầu xây dựng thì chủ nhà phải đề nghị chủ đầu tư sang ghi nhận hiện trạng nhà, thỏa thuận trong quá trình thi công nếu hư hại nhỏ có thể tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì đưa ra phường giải quyết.

Ông Nguyễn Thanh Xuyên, phó phòng quản lý chất lượng công trình Sở Xây dựng TP, khuyến cáo khi có thiệt hại xảy ra, người dân cần làm đơn khiếu nại gửi ngay đến UBND phường, hoặc tới thanh tra xây dựng để được giải quyết.

Nên làm đơn khiếu nại

Ông Nguyễn Thanh Xuyên cho biết theo quy định tại thông tư 02/2014 của Bộ Xây dựng, nếu việc thi công sai quy định làm lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận, có nguy cơ làm sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận thì chủ đầu tư, đơn vị thi công liên quan sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời phải ngưng thi công để bồi thường thiệt hại theo quy định.

Thông tư nói trên cũng quy định rõ về thời gian bồi thường. Ông Xuyên lưu ý người dân khi có thiệt hại xảy ra nên làm đơn khiếu nại gửi ngay đến UBND phường hoặc thanh tra xây dựng để cơ quan chức năng có cơ sở kiểm tra, giải quyết.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên