16/09/2014 06:45 GMT+7

Cần tạo cho bé Ngân cảm giác an toàn

PHƯƠNG LAN (giảng viên tâm lý học)
PHƯƠNG LAN (giảng viên tâm lý học)

TT - Sau khi bình phục, cháu Ngân cần được tiếp tục điều trị, hỗ trợ thật tốt về mọi mặt, nhất là phục hồi chấn thương tâm lý và tạo cho cháu cảm giác thật an toàn.

Bé Ngân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương - Ảnh: Bá Sơn
Bé Ngân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương - Ảnh: Bá Sơn

Việc xâm hại nghiêm trọng đến thể chất lẫn tinh thần cháu Đỗ Thị Kim Ngân của “vợ chồng” Đỗ Trọng Minh và Nguyễn Thị Thùy Trang đã làm dư luận bức xúc, đồng thời cháu Ngân cũng nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng.

Trong thời gian này, cháu Ngân cần được điều trị tại bệnh viện. Ở đây cháu sẽ được hỗ trợ, phối hợp điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia tâm lý.

Điều quan trọng là phải tạo cho cháu cảm giác thật an toàn. Cháu cần phải được sống trong bầu không khí vui tươi để dễ dàng hòa nhập và có thể giảm bớt nỗi đau, quên đi những cảm xúc sợ hãi, lo âu mà cháu phải trải qua.

Sau khi bình phục, cháu Ngân cần được tiếp tục điều trị, hỗ trợ thật tốt về mọi mặt, nhất là phục hồi chấn thương tâm lý. Trước mắt, tình trạng của cháu cần chờ kết luận của cơ quan chức năng cũng như thái độ, trách nhiệm của gia đình - nhất là mẹ cháu - đối với việc nuôi dưỡng, chăm sóc cũng như bảo đảm được sự an toàn cho cháu.

Nếu như gia đình không có khả năng nuôi dưỡng hoặc thiếu trách nhiệm thì trung tâm bảo trợ và chăm sóc trẻ em phải có những biện pháp tốt nhất trong việc bảo vệ quyền của cháu. Điều quan trọng là phải làm ngay giấy khai sinh cũng như các giấy tờ liên quan để đảm bảo mọi quyền lợi cho cháu.

Luật chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em của nước ta năm 1991 đã mở đầu bằng câu “Trẻ em là hạnh phúc của gia đình” và khẳng định gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc, nuôi nấng trẻ em.

Thực tế thời gian qua, môi trường gia đình lại là nơi xảy ra nhiều vụ việc thương tâm khiến trẻ em bị hành hạ tàn nhẫn, thậm chí mất mạng. Điều này đặt ra cho các cơ quan chức năng, các tổ chức chăm sóc, bảo vệ trẻ em phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề bảo vệ trẻ em ngay chính trong gia đình.

Đây không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân nào mà là của toàn thể chính quyền, đoàn thể địa phương và xã hội cần đặc biệt để mắt tới những người đã từng có hành vi đánh đập, bạo hành, đối xử tệ bạc với trẻ em để có biện pháp bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả.

Hơn 700 ý kiến phẫn nộ

Chuyện bé Ngân bị bạo hành đã tạo nên làn sóng phản hồi với 736 ý kiến từ bạn đọc (tính đến 16g ngày 15-9) bày tỏ sự phẫn nộ với hai người xưng là cha mẹ mà lại đối xử quá tàn nhẫn với con mình khi bé chỉ mới 4 tuổi.

Rất nhiều ngôn từ giận dữ đã được bạn đọc dành cho hai người này, như “ác quá!”, “nhẫn tâm”, “không phải con người”, “sát thủ máu lạnh”...

Nhiều bạn đọc bày tỏ đã rơi nước mắt khi nhìn gương mặt bị đày đọa của bé Ngân. Bạn đọc Phạm Thị Huyền Vân viết: “Nhìn bé Ngân mà mình chảy nước mắt dù bé chẳng có chút quan hệ gì. Thế mà mẹ bé, người sinh ra bé, lại có thể thờ ơ với con mình như vậy.

Khi giận người cha người mẹ nào chẳng la mắng con, nặng hơn là sẽ đánh một, hai roi gì đó. Nhưng sau một hồi lại dỗ dành, âu yếm con. Trẻ con nghịch phá là chuyện bình thường mà”.

Từ câu chuyện bé Ngân, bạn đọc đề nghị luật pháp nên có những biện pháp tích cực và khả thi để ngăn chặn kịp thời những trường hợp bạo hành trẻ.

N.N. tổng hợp

PHƯƠNG LAN (giảng viên tâm lý học)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên