30/08/2014 04:00 GMT+7

Nhờ báo lên tiếng để thay đổi

NGỌC TÀI - ĐỖ QUYÊN
NGỌC TÀI - ĐỖ QUYÊN

TT - Ba bạn đọc cung cấp thông tin hoặc viết bài cho Tuổi Trẻ về chuyện: “Tái giá, không được làm bà mẹ Việt Nam anh hùng?”, “Giáo viên sốt vó lo... luyện thi tiếng Anh” và “Xe cộ Hà Nội trong mắt em gái Sài Gòn" đã đặt niềm tin nỗi bức xúc của họ sẽ được giải tỏa.

Tái giá, không được làm Bà mẹ Việt Nam anh hùng?
Giáo viên sốt vó lo... luyện thi tiếng Anh
Xe cộ Hà Nội trong mắt một em gái Sài Gòn

Những câu chuyện này đã góp phần làm nóng thêm trang báo Tuổi Trẻ trong tháng 7-2014. Đã có nhiều tranh luận về chuyện văn hóa giao thông ở Hà Nội, và cũng đã có kết thúc có hậu cho những bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng như hàng trăm giáo viên tỉnh Bến Tre với nỗi lo luyện thi tiếng Anh.

Tuổi Trẻ đã trân trọng trao giải thưởng Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 7-2014 đến những bạn đọc này.

Nửa tháng làm “tay trong”

Những ngày cuối tháng 8 này, hàng trăm giáo viên tỉnh Bến Tre bắt đầu bước vào khóa học nâng chuẩn tiếng Anh theo hình thức học tập trung với tâm trạng khấp khởi. Đây là những giáo viên được phản ánh trong bài “Giáo viên sốt vó lo... luyện thi tiếng Anh” (Tuổi Trẻ ngày 17-7).

Một giáo viên khoe ngay: “Nếu chất lượng dạy như thế này thì giáo viên “lên tay” lâu rồi chứ đâu có rớt lộp độp như vậy”.

Có được niềm vui này chắc hẳn nhiều thầy cô trong khóa học khó đoán được rằng đã có một giáo viên (xin tạm gọi là cô T.) thầm lặng làm “tay trong” để cung cấp thông tin khá cụ thể giúp Tuổi Trẻ kịp thời phản ánh nỗi lo của giáo viên, dẫn đến sự thay đổi trong việc mở lớp nâng chuẩn cho các thầy cô.

Đầu tháng 7-2014, Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre bất ngờ ban hành văn bản với nội dung yêu cầu cắt thi đua giáo viên thi tiếng Anh không đạt chuẩn.

Cô T. thấy bất công cho nhiều giáo viên vì họ đã dốc sức học nhưng chuẩn đầu ra quá cao trong khi phần lớn giáo viên lại rất yếu kỹ năng nghe nói ngay từ khi được đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng.

Mặt khác, đối tác do sở chọn để nâng chuẩn giáo viên lúc ấy bộc lộ nhiều yếu kém trong quá trình giảng dạy khiến giáo viên bức xúc thì sở lại không xem xét mà vẫn cương quyết đổ lỗi cho giáo viên. Sau khi cung cấp thông tin ban đầu cho Tuổi Trẻ, cô T. đã trao đổi, thuyết phục thêm nhiều giáo viên trình bày câu chuyện với phóng viên.

Song song đó, cô thăm dò động tĩnh từ phía Sở GD-ĐT và báo tin cho Tuổi Trẻ ngay khi sở chuẩn bị ban hành văn bản thứ hai yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải thực hiện nghiêm công văn cắt thi đua giáo viên...

Chia sẻ tâm trạng trong những ngày đó, cô T. thừa nhận cũng có nhiều áp lực nhưng sau tất cả mọi chuyện cô không hề hối hận: “Giờ không chỉ tôi mà rất nhiều giáo viên tiếng Anh của tỉnh đều thở phào nhẹ nhõm vì vừa thoát được chuyện cắt thi đua, vừa có thể chuyên tâm học tốt chứ không nặng nề chuyện thi cử nữa”.

Ngày UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo Sở GD-ĐT Bến Tre không được cắt thi đua thầy cô thi không đạt chuẩn trở thành ngày vui của nhiều thầy cô và cũng là ngày cô T. hoàn thành nhiệm vụ “tay trong” - nhiệm vụ mà chính cô cũng bất ngờ.

“Tánh tôi thấy chuyện bực mình không nói không chịu được nên tôi điện thoại ngay cho đường dây nóng báo Tuổi Trẻ. Mới đầu chỉ mong báo phản ánh để mọi chuyện được sáng tỏ, không ngờ tôi lại trở thành “tay trong” cung cấp thông tin” - cô T. bày tỏ.

Mong cải thiện giao thông Hà Nội

Làm việc ở một cơ quan nhà nước tại Q.1, TP.HCM, bạn đọc H.Hương đi công tác Hà Nội không ít lần và lần nào chị cũng bức xúc trước cách hành xử của tài xế taxi cũng như ý thức tham gia giao thông của người dân nơi này.

Thế nhưng đỉnh điểm bức xúc là hôm cơ quan chị đi thi ở Hà Nội bị tài xế cho đi đường vòng khiến những người trong đoàn bị trễ đến 45 phút so với giờ tập trung và tất nhiên số tiền cước cũng cao hơn đoạn đường thật phải trả.

Mang nỗi niềm ấy đến với Tuổi Trẻ, nhận được sự động viên khuyến khích của tòa soạn, chị Hương đã mạnh dạn viết bài “Xe cộ Hà Nội trong mắt em gái Sài Gòn” (Tuổi Trẻ Online ngày 8-7-2014).

Bài viết thật sự “gây bão” trên các diễn đàn và mạng xã hội, gây tranh cãi rất nhiều về văn hóa giao thông ở Hà Nội. Riêng Tuổi Trẻ đã thu hút hơn 730 ý kiến phản hồi và kéo dài ba tuần lễ với loạt tám bài sau đó, và chỉ thật sự kết thúc vào ngày 29-7 bằng thừa nhận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: “Giao thông Hà Nội lộn xộn”.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chị H.Hương cho hay chị viết bài này ngoài việc giải tỏa nỗi niềm của mình còn có mong muốn những người dân đang sống và làm việc ở thủ đô sẽ luôn ý thức khi tham gia giao thông cũng như kêu gọi cảnh sát giao thông làm việc có trách nhiệm hơn.

Chị hi vọng lần trở lại Hà Nội sắp tới sẽ không còn vướng những muộn phiền do ý thức giao thông mang lại.

Hãy hàn gắn những nỗi đau

Khi biết được thông tin các cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào một câu hỏi đáp trong cuốn tài liệu tập huấn của Cục Người có công thuộc Bộ Lao động - thương binh và xã hội để từ chối hầu hết hồ sơ của những bà mẹ đã tái giá, tôi rất bức xúc vì nghĩ rằng không lẽ nào một chính sách đầy nhân văn của Đảng và Nhà nước lại bị những người triển khai thực hiện ngồi tính toán chi li đến như vậy.

Và tôi đã nghĩ ngay đến báo Tuổi Trẻ, vì đây là tờ báo mà tôi tin tưởng sẽ truyền tải được tiếng nói của người dân và hướng đến những điều nhân văn, tốt đẹp.

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, có rất nhiều người đã hi sinh cho cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc đang gánh chịu những nỗi đau mà không gì có thể đo đếm, so sánh được. Vì vậy, mong những người làm chính sách hướng đến những điều gì thuận lợi và tốt đẹp để hàn gắn những nỗi đau này.

D.T.T. (bạn đọc cung cấp thông tin cho bài “Tái giá, không được làm bà mẹ VN anh hùng?” - TT ngày 19-7)

NGỌC TÀI - ĐỖ QUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên