13/04/2013 07:15 GMT+7

Hàng trăm người tìm dược liệu bán sang Trung Quốc

HÀ ĐỒNG
HÀ ĐỒNG

TT - Chuyện này đang xảy ra tại các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa như Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân. Mỗi ngày có hàng trăm người (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em) vào các khu rừng tự nhiên để khai thác dược liệu bán sang Trung Quốc.

879ro3H1.jpgPhóng to
Một điểm thu mua dược liệu tại bản Vặn, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) - Ảnh: Hà Đồng

Nhiều người dân ở bản Vặn, xã Yên Thắng (huyện Lang Chánh) chuyên đi khai thác dược liệu (gồm cây máu chó, củ cu li, củ thiên niên kiện, củ quành, quả sa nhân, cây tổ quạ...) cho biết những năm trước bà con chủ yếu khai thác dược liệu trên diện tích đất rừng được Nhà nước giao cho các hộ dân quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, do khai thác quá mức, tận thu, tận diệt, nguồn dược liệu trên diện tích rừng của hộ dân ngày càng cạn kiệt nên từ năm ngoái đến nay bà con đi sâu vào rừng tự nhiên để khai thác dược liệu. Với giá thu mua dược liệu của tư thương tại xã là: cây máu chó 2.500 đồng/kg tươi, củ cu li 2.000 đồng/kg, củ quành 3.000 đồng/kg... thì mỗi lao động đi khai thác dược liệu có thu nhập từ 100.000-150.000 đồng/ngày.

Một tư thương thu mua dược liệu ở xã Yên Thắng cho biết nguồn dược liệu được các tư thương thu mua của người dân ở các xã Yên Thắng, Yên Khương, Trí Nang... nhập cho một đại lý thu gom ở thị trấn Lang Chánh rồi xuất sang Trung Quốc. Phần lớn nguồn dược liệu khi bán sang Trung Quốc đều ở dạng thô nên giá trị không cao.

Ông Nguyễn Duy Vĩnh - hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Lang Chánh - cho biết trước kia việc quản lý, cấp phép cho người dân khai thác các loại lâm sản phụ (trong đó có dược liệu) thuộc thẩm quyền của UBND huyện nên số lượng người đi khai thác dược liệu không nhiều. Nhưng từ khi thông tư số 35 (ngày 20-5-2011) của Bộ NN&PTNT có hiệu lực, việc cấp phép khai thác dược liệu thuộc về UBND xã với cơ chế thông thoáng hơn. Người dân chỉ cần lập bản dự kiến sản phẩm khai thác, bản đăng ký khai thác lâm sản phụ rồi nộp về UBND xã.

Sau đó, UBND xã rà soát các loại lâm sản phụ bà con đăng ký khai thác. Nếu các loại lâm sản phụ này không thuộc danh mục cấm khai thác, UBND xã phải cấp phép cho người dân vào rừng khai thác lâm sản phụ như đã đăng ký. Đặc biệt, hiện nay ngành chức năng chưa có chế tài xử phạt và cách quản lý hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng bà con khai thác dược liệu quá mức, tận thu, tận diệt, ảnh hưởng đến an ninh rừng tự nhiên.

Những năm trước trên địa bàn huyện Lang Chánh chỉ khai thác từ 10-15 tấn dược liệu/năm, do UBND huyện làm chặt chẽ việc quản lý, cấp phép khai thác dược liệu. Nhưng từ năm 2012 đến nay, khi việc cấp phép khai thác dược liệu được chuyển xuống UBND xã thì số lượng dược liệu bị khai thác tăng đột biến. Theo thống kê của Hạt kiểm lâm huyện Lang Chánh, năm 2012 trên địa bàn huyện khai thác 98,1 tấn dược liệu, quý 1 năm nay huyện này khai thác 24 tấn dược liệu. Bên cạnh đó, tại các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Thường Xuân, mỗi tháng người dân địa phương cũng khai thác hàng chục tấn dược liệu bán sang Trung Quốc. Với tình trạng khai thác dược liệu ồ ạt như hiện nay ở các huyện miền núi Thanh Hóa, nguồn dược liệu quý của đất nước sẽ bị cạn kiệt, đổ ra nước ngoài hết.

HÀ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên