28/12/2012 08:10 GMT+7

Đường sá ngổn ngang, dân buôn bán ế ẩm

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TT - Đến hẹn lại lên, dịp cuối năm là các con đường tại TP.HCM lại bị đào xới khiến sinh hoạt, đi lại của người dân gặp khó khăn. Nhiều hộ kinh doanh phải hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa vì mua bán ế ẩm.

JyJt4JUE.jpgPhóng to

“Lô cốt” trên đường Bà Hom (Q.6, TP.HCM) được tháo dỡ chưa bao lâu thì mặt đường lại bị đào xới để thi công - Ảnh: Q.khải

Nhiều người thắc mắc sao lại chọn thời điểm cuối năm để đào đường làm ảnh hưởng đến việc làm ăn, buôn bán của dân.

Sống chung với “lô cốt”

Người kinh doanh bị ảnh hưởng có thể đề nghị giảm thuế

Ông Nguyễn Đình Tấn, cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết đối với những hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng bởi việc thi công, “lô cốt” chắn ngang địa điểm kinh doanh, gây ảnh hưởng đến doanh thu trong thời gian dài có thể làm đơn đề nghị chi cục thuế địa phương xem xét giảm mức khoán thuế. Sau đó, các chi cục thuế sẽ kiểm tra, xác minh nếu thấy mức khoán thuế được ấn định từ đầu năm cao hơn mức doanh thu thực tế thì sẽ giảm mức khoán thuế cho hộ kinh doanh.

A.HỒNG

Ngày 19-12 công trình mở rộng đường Bà Hom (Q.6, đoạn từ vòng xoay Phú Lâm đến An Dương Vương) mặt đường đã được trải đá xanh và đang thi công rầm rộ. Dù xe bồn liên tục tưới nước để hạn chế bụi nhưng nước tưới nhanh chóng thấm xuống lớp đá nền và bốc hơi nên không bao lâu bụi lại bay mù mịt trên đường.

Làn đường bên trái (hướng từ Q.6 đi Q.Bình Tân) đang làm nền hạ, phần đường mở rộng bị đào sâu xuống, có đoạn gần cả mét, trở thành hào sâu ngăn cách nhà dân với tuyến đường hiện hữu. Mọi người muốn đi lại phải men theo lề đường một đoạn xa mới ra được đường Bà Hom, chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể lọt xuống hào.

Khoảng 11g ngày 19-12, ông Trần Quốc Bảo, chủ tiệm thuốc tây Thiện Tâm (A4 Bà Hom), đã đóng cửa vì: “Sáng giờ ngồi ngáp không thôi do rất ít khách chịu đi vòng qua hố sâu để vào tiệm mua thuốc”. Theo ông Bảo, từ khi công trình mở rộng đường Bà Hom thi công đến nay, doanh thu tiệm thuốc tây của ông đã giảm hơn phân nửa...

Ông Nguyễn Thanh Sơn, đại diện Công ty điện lạnh Danh Tiếng gần đó, cho biết đây là năm thứ hai bị “lô cốt”, công trình mở rộng đường “hành” vào dịp kinh doanh cuối năm buộc công ty phải chuyển tới nơi khác.

Ông Sơn kể khoảng tháng 9-2011, đường Bà Hom được rào chắn “lô cốt” để lắp đặt ống cấp nước cho đến khoảng tháng 3 năm nay mới xong. Trong thời gian này, công ty của ông dần dần ít khách hàng do việc đi lại khó khăn. “Nay tôi sửa sang lại nhà cửa, chuẩn bị trương bảng hiệu mới thì công trình mở rộng đường Bà Hom lại triển khai nên tôi chưa dám mở cửa lại” - ông Sơn nói.

Còn ông Nguyễn Hữu Lộc, chủ cửa hàng LT Mobi trên đường Phạm Văn Chí (Q.6), đang buồn vì doanh thu hằng tháng không đủ để trả tiền thuê nhà. Ông Lộc cho biết trước đây mỗi tháng trừ chi phí kiếm được 15-16 triệu đồng. Từ khi thi công mở rộng đường Phạm Văn Chí, khu vực trước cửa hàng của ông cũng như nhiều hộ kinh doanh khác thành công trường với “đồi cát”, hố sâu, bêtông, sắt thép, ống cống ngổn ngang...

“Đi lại khó khăn như thế thì khách hàng nào vào để mua. Tháng 11 và tháng 12 này thu nhập từ cửa hàng chưa tới 4 triệu đồng, trong khi tiền thuê nhà đến 5 triệu đồng” - ông Lộc bức xúc. Không riêng cửa hàng của ông Lộc, hàng loạt quán ăn trên đường Phạm Văn Chí, Bà Hom phải tạm nghỉ bán hoặc bán cầm chừng.

Người dân trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ vòng xoay Hàng Xanh đến ngã năm đài liệt sĩ, Q.Bình Thạnh) bức xúc vì đơn vị thi công mở rộng tuyến đường này làm mất nước sinh hoạt. Bà Lê Hồng Nhung, một người dân ở đây, kể: “Ngày 16-12 đơn vị thi công làm gãy đường ống nước khiến nhà tôi bị cúp nước. Ngày 17-12 sự cố này được khắc phục nhưng đến ngày 18-12 thì đường ống nước lại bị sự cố và lại cúp nước”.

Chưa được giảm thuế

Theo ông Tống Hữu Oanh - phó chủ tịch UBND Q.6, công trình trên đường Phạm Văn Chí, Bà Hom là những công trình chuyển tiếp từ các công trình trước nên việc thi công kéo dài gần hai năm qua chứ không phải công trình mới.

Theo ông Oanh, để khởi công được một công trình, đặc biệt là mở rộng đường, phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố như hồ sơ, thủ tục, nguồn vốn... chứ không phải chọn thời điểm nào cũng được. Còn về kiến nghị miễn giảm thuế cho các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng, ông Oanh cho biết UBND TP có chủ trương xem xét giảm thuế cho những hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi các công trình đào đường, lắp đặt “lô cốt”. Việc này đã được triển khai đến các cơ quan thuế.

Tuy nhiên, nhiều người dân trên đường Bà Hom, Phạm Văn Chí cho biết mặc dù việc mua bán của họ bị ảnh hưởng nhưng không được cơ quan chức năng xem xét giảm thuế. Khi người dân phản ảnh với nhân viên thu thuế thì họ nói không có thẩm quyền giải quyết.

Hầu hết công trình đều vi phạm

Ông Vũ Việt Hà - đội trưởng Đội thanh tra giao thông số 4, Thanh tra Sở GTVT TP - cho biết khi kiểm tra thì hầu hết công trình đều ít nhất một lần vi phạm các quy định. Từ tháng 10-2012 đến ngày 19-12-2012, Đội thanh tra giao thông số 4 đã xử phạt 58 công trình đào đường tại các quận huyện: 6, 8, 10, Bình Tân, Bình Chánh... Các lỗi phổ biến như thiếu rào chắn, biển báo, tập kết vật tư ngoài phạm vi công trường gây cản trở giao thông. Tổng số tiền xử phạt các đơn vị vi phạm hơn hai tháng qua là hơn 380 triệu đồng.

Theo ông Hà, công trình trên đường Phạm Văn Chí do liên doanh Công ty Công trình giao thông công chánh và Công ty TNHH xây dựng điện nước Thiên Việt thi công đã để vật liệu đất đá, xe cộ ngoài phạm vi công trường gây cản trở giao thông, bị phạt 7 triệu đồng. Công trình nâng cấp và mở rộng đường Bà Hom do Công ty TNHH xây dựng thương mại Tân Phúc Tiến thi công cũng có nhiều lỗi vi phạm như quá trình thi công để bụi bay, để xảy ra tai nạn giao thông...

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên