20/06/2012 07:59 GMT+7

Quốc lộ chênh vênh

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Đó là quốc lộ 91 thuộc địa bàn TP Cần Thơ và An Giang. Đây là tuyến giao thông huyết mạch ở ĐBSCL nhưng thường xuyên bị sạt lở do có khá nhiều đoạn nằm chênh vênh sát bờ sông, bờ kênh.

oAgWVdhM.jpgPhóng to
Đoạn quốc lộ 91 (km21 đến km22) thuộc P.Thới Hòa, Ô Môn (TP Cần Thơ) thường xuyên bị sạt lở - Ảnh: Đ.VỊNH

Hiện nay, trên quốc lộ 91 các đơn vị thi công đang tất bật với công việc ngăn chặn sạt lở. Công việc này phải thực hiện hằng năm, khá tốn kém.

Đường liên tục sạt lở

Tại Cần Thơ, từ cầu Ô Môn đến Thốt Nốt, quốc lộ 91 chạy dài song song và nằm sát tuyến kênh Ô Môn nên lề đường bị xói lở, mặt đường lún sụp, nhiều chỗ hư hỏng nặng. Vừa qua, tại vị trí từ km21 đến km22 xảy ra sạt lở liên tiếp làm đứt ba đoạn đường có tổng chiều dài 100m.

Ông Nguyễn Quốc Ân, hạt trưởng Hạt Quản lý đường bộ 731, cho biết mấy năm nay tại cung đường này bị sạt lở hơn chục lần. Mỗi lần như thế việc lưu thông qua đây bị ách tắc nên đơn vị thi công vừa lo sửa đường, ngăn chặn sạt lở lan rộng, vừa phải mở rộng thêm mặt đường vào phía trong cho xe cộ đi lại. “Việc xử lý này mất rất nhiều thời gian và tốn kém” - ông Ân nói.

Từ cầu Thơm Rơm đến cầu Cần Thơ Bé, mặt đường nằm sát bờ kênh nên cũng bị đe dọa sạt lở. Nhiều biển cảnh báo “lề lộ lở” được gắn bên lề phải để cảnh báo người đi đường, nhưng người dân ở P.Thuận Hưng, Q.Thốt Nốt cho biết thỉnh thoảng một số xe máy, ôtô vẫn lao xuống kênh...

Trên địa bàn An Giang, từ cầu Kinh Quýt đến cầu Cây Dương thuộc huyện Châu Phú, quốc lộ 91 nằm sát sông Hậu nên chuyện sạt lở là không tránh khỏi. Vào tháng 3-2010, bờ sông ở ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ sạt lở làm đứt ngang hơn 70m đường, khiến việc lưu thông qua đây bị tê liệt hoàn toàn cho đến khi mở thêm được tuyến đường tạm vòng qua khu vực dân cư. Hiện nay đoạn bờ sông và đoạn đường bị đứt tuy đã được gia cố, nhưng vẫn chưa thể khôi phục mặt đường do chưa có vốn đầu tư. “Nếu tính cả kinh phí di dời dân để làm đường tạm, thi công làm đường tạm, xử lý chống sạt lở và khôi phục đoạn đường bị đứt thì tốn kém cả trăm tỉ đồng” - ông Nguyễn Thành Tâm, giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh An Giang, cho hay.

Tiếp đó, bờ sông ở ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú lở sâu vào quốc lộ 91 khiến việc xử lý bảo vệ đường mất hàng tháng trời. Vào tháng 3 năm nay, sạt lở bờ sông Hậu ở khóm Bình Đức 3, P.Bình Đức, TP Long Xuyên ăn sâu vào đất liền, các vết nứt chỉ còn cách quốc lộ chừng 5m nên phải mở rộng đoạn đường qua khu vực này vào bên trong cho xe cộ lưu thông.

Ông Cao Thanh Tuyền, hạt phó Hạt Quản lý đường bộ 733, cho biết chỉ riêng phạm vi quốc lộ 91 do đơn vị này quản lý (dài 45km) đã có tới 15km chạy dọc bờ sông Hậu. Những đoạn đường này phải sửa chữa, gia cố mái taluy chống sạt lở thường xuyên. Mới đây vừa xảy ra sạt lở tại chín vị trí với tổng chiều dài khoảng 500m. Hiện nay những vị trí này đang được đóng cọc thép, kè rọ đá để giữ ổn định nền đường với kinh phí thực hiện gần 8,5 tỉ đồng. Ngoài ra đoạn từ núi Sam đến cầu Trà Sư cũng thường bị xói lở nặng vào mùa lũ.

Chỉnh trị dòng chảy, mở thêm đường tránh

Theo Khu Quản lý đường bộ 7, cấu tạo địa chất đất bờ sông ở ĐBSCL vốn yếu. Nhiều đoạn quốc lộ 91 nằm sát sông, gần kênh nên lề dễ bị sạt lở. Bên cạnh tác động của dòng chảy thì nhiều đoạn bờ sông dọc theo đường vẫn được sử dụng làm bến bãi cho ghe tàu thường xuyên tập kết lên xuống hàng hóa, đây cũng là nguyên nhân gây sạt lở đường. Theo ông Nguyễn Quốc Ân, quốc lộ 91 tại km21 đến km22, dưới nền đường còn có túi bùn với mật độ xe cộ lưu thông qua đây cao như hiện nay đường dễ bị trượt, dẫn tới đứt lở.

Ông Trần Anh Thư, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường An Giang, cho biết do biến đổi dòng chảy nên dưới đáy sông hình thành những hố xoáy sâu dẫn tới sạt lở đất bờ sông. Từ đó, những đoạn quốc lộ 91 nằm cạnh sông Hậu bị đe dọa nghiêm trọng: “Cần gấp rút nghiên cứu tổng thể về địa hình đáy sông, về nguy cơ sạt lở để có giải pháp chỉnh trị dòng chảy và thực hiện các biện pháp bảo vệ đường cũng như các khu vực dân cư” - ông Thư kiến nghị.

Ông Kỷ Quang Vinh - Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ - cho rằng các tuyến đường trước đây khi xây dựng đã khảo sát và có thiết kế đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, trong tình hình biến đổi khí hậu, lưu tốc dòng chảy tăng, cộng thêm mật độ tàu thuyền cao đã làm bờ sông, bờ kênh gia tăng xói lở và ngày càng tiến sát vào đường. “Tại những đoạn có nguy cơ sạt lở cao cần phải giảm bớt lưu lượng xe cộ lưu thông. Nếu có điều kiện nên đầu tư mở thêm tuyến đường mới qua những khu vực sạt lở” - ông Vinh nói.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên