19/08/2011 03:05 GMT+7

Sông Đồng Nai đủ sức chịu bao nhiêu thủy điện?

Đ.TUYÊN - H.MI - L.KIÊN ghi
Đ.TUYÊN - H.MI - L.KIÊN ghi

TT - Sau bản kiến nghị xem xét lại toàn diện thủy điện Đồng Nai 6 và 6A của các nhà khoa học môi trường, đã có nhiều nhà khoa học khác có ý kiến về dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A.

6oqCs6Dd.jpgPhóng to
Cán bộ đoàn khảo sát Viện Sinh học nhiệt đới trao đổi với ngư dân trên sông Đồng Nai (cách nơi dự kiến xây đập thủy điện 6A hơn 1km) - Ảnh: Đức Tuyên

Ông Trần Văn Thành (giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên):

Coi chừng thế giới rút các danh hiệu đã công nhận

Hệ thống sông Đồng Nai gánh trên mình hàng chục thủy điện nhưng ta vẫn chưa có nghiên cứu ảnh hưởng của nó đến vườn quốc gia và vùng hạ lưu ra sao. Ta phát triển thủy điện nhưng cũng không thể không làm công tác bảo tồn. Vườn được công nhận khu Bàu Sấu là hệ thống ngập nước Ramsar và là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hiện vườn đang xây dựng hồ sơ để được công nhận là khu di sản thiên nhiên thế giới.

Nếu dự án thủy điện mọc lên mà không tính toán kỹ, làm mất tính đa dạng sinh học ở vườn, không đảm bảo cảnh quan thì thế giới rút các danh hiệu đã công nhận cho vườn quốc gia Cát Tiên. Sau nhiều ý kiến phản hồi của các nhà khoa học, tôi nghĩ chủ đầu tư nên cân nhắc và suy nghĩ có nên dừng dự án lại không.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ (cố vấn mạng lưới sông ngòi VN - nguyên phó tổng thư ký Hiệp hội sông Mekong):

Hệ thống sông Đồng Nai đang bị thủy điện chặn hết

Tôi không phản đối làm thủy điện, nhưng những câu chuyện về dòng sông không còn “trinh nguyên” đã cho chúng ta thấy Nhà nước phải nhìn nhận việc bảo vệ dòng sông cho hôm nay và mai sau. Thông điệp làm thủy điện để phát triển thì phải coi đó là sự phát triển chung, coi tài nguyên là tài sản chung của mọi người thì mới phát triển bền vững.

Hiện thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai quá dày đặc. Dòng sông đã bị thủy điện chặn hết. Giống như sông Mekong, trên sông Đồng Nai hiện có nhiều dự án, nhiều chủ đầu tư thủy điện và mang những lợi ích khác nhau. Vì vậy Nhà nước nên cân đối vấn đề phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Cần có sự thống nhất quản lý trong quy trình vận hành liên hồ để quản lý được quá trình tích nước, xả nước ở các hồ, tránh việc gây tai họa cho vùng hạ lưu.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (chủ tịch Hội Động vật học VN):

Lợi ích nhóm đang chi phối lợi ích cộng đồng

Ngày xưa “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” thì ngày nay chúng ta càng phải giữ gìn rừng vì giữ rừng là giữ an ninh quốc phòng. Chúng ta có thể triển khai những hình thức tăng cường năng lượng khác chứ không thể ồ ạt phát triển thủy điện mà phá rừng, khiến đời sống người dân khốn khổ.

Tôi thấy hiện nay lợi ích nhóm đang chi phối lợi ích cộng đồng quá nhiều và chúng ta cần có cơ chế kiểm soát điều này. Đảng và Nhà nước không bao giờ có chủ trương, quyết định việc thay thế tài nguyên rừng nguyên sinh vì lợi ích của vài người thay vì lợi ích toàn dân. Dự án thủy điện cứ mọc lên nhưng người dân ở các vùng bị ảnh hưởng sẽ khổ, sẽ nghèo, sẽ đói thì điều đó càng không nên cho phép xây dựng.

Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A nên dừng triển khai để các cấp, ngành xem xét lại toàn bộ dự án.

Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai):

Phải xem xét trách nhiệm cơ quan lập và thẩm tra tác động môi trường

Qua diễn đàn Quốc hội, tỉnh Đồng Nai đã nêu quan điểm chính thức là phản đối dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Riêng tôi nhất trí với dư luận chung của người dân, các nhà khoa học là quan tâm đến đa dạng sinh học. Hơn nữa, khu vực này còn có vùng đất liên quan đến di tích lịch sử rất quan trọng là thánh địa Nam Cát Tiên, nơi phát hiện những kiến trúc và những bộ linga lớn nhất hiện nay.

Như vậy khu vực dự án nằm trong vùng không gian không những cần phải bảo tồn mà cần được đăng ký như một di sản quốc tế về cả sinh thái và di sản văn hóa, lịch sử.

Chúng ta cần năng lượng nhưng liệu có phải cần năng lượng bằng mọi giá không? Đây là câu hỏi cần được các nhà chức trách trả lời kỹ. Tôi thấy rất phản cảm khi các phương tiện truyền thông nêu rằng bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được làm rất ẩu tả. Thậm chí nếu đúng như vậy thì cần phải xem xét tư cách của cơ quan lập báo cáo và thẩm định báo cáo này.

Như vậy cần phải xem lại toàn bộ quy trình lập và thẩm định báo cáo xem đã đảm bảo khách quan, trung thực chưa hay chỉ nhằm đem lại lợi ích cục bộ cho một nhóm nào đó thôi. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nói rằng các dự án này có tiêu chí thuộc danh mục phải trình Quốc hội.

Đến nay các đại biểu Quốc hội chưa được tiếp nhận thông tin chính thức về các dự án này và tôi nghĩ khi được trình chính thức, các đại biểu Quốc hội sẽ không xem đó là chuyện đã rồi.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Không thể để mất những cánh rừng trăm nămOằn lưng gánh thủy điệnLật tẩy báo cáo tác động môi trường“Lật tẩy báo cáo tác động môi trường”: Sai sót khó tránh khỏiCó nên xây thủy điện Đồng Nai 6, 6A?Kiến nghị xem xét lại toàn diện thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Đ.TUYÊN - H.MI - L.KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên