11/08/2011 16:07 GMT+7

Cần siết chặt lao động phổ thông nước ngoài

Nguyễn Minh Tâm
Nguyễn Minh Tâm

TTO - Sau bài “Lao động Trung Quốc tại Nhân Cơ: Phần lớn không có bằng cấp”, rất nhiều ý kiến gửi về tòa soạn. Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao không dùng lao động trong nước, tại sao quản lý lỏng lẻo như vậy?...

Cần siết chặt lao động phổ thông nước ngoài

TTO xin trích đăng.

Hơn 1.000 lao động Trung Quốc làm việc không phép

kaOW16lM.jpgPhóng to
Một công trình do Tập đoàn điện khí Đông Phương (Trung Quốc) xây dựng tại Hải Phòng - Ảnh: C.V.K.

Sao không dùng lao động trong nước?

Trong khi rất đông lao động trong nước đang thiếu công ăn việc làm thì các cơ quan chức năng lại ngang nhiên nhập khẩu ồ ạt lao động phổ thông vào làm việc. Thực tế là hàng nghìn lao động có tay nghề khá chạy loạn từ Libya về còn đang thiếu công ăn việc làm, đang phải oằn lưng trả nợ.

Không thấy cơ quan chức năng nào đứng ra chịu trách nhiệm và giải quyết, chỉ thấy báo chí kêu và... kêu. Không thể nói là các cấp lãnh đạo ngành và địa phương không biết việc này. Chính phủ cần có biện pháp siết chặt quy định về nhập khẩu lao động. Không thể để nước ngoài xuất khẩu sang ta những lao động chất lượng quá thấp.

Nhiều nước trọng dụng lao động Việt Nam, còn mình thì…

Nếu theo giải thích của các cơ quan quản lý lao động của nhà thầu Trung Quốc, đánh giá lao động Việt Nam không có năng lực bằng lao động Trung Quốc tại Nhân Cơ thì thật vô lý. Trong khi hằng năm chúng ta chật vật giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, xuất khẩu lao động, thậm chí xuất khẩu sang các nước tiên tiến, họ rất trọng dụng lao động Việt Nam và không ít cơ quan, đơn vị này đã hết lời khen ngợi lao động Việt Nam khéo léo, sáng tạo,... nếu yếu kém thì làm sao đủ điều kiện xuất khẩu được.

Điều đó nói lên việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam quá yếu kém. Chính sách rõ ràng đủ điều kiện mới tham gia lao động tại Việt Nam, nhưng sao ta không làm triệt để. Để mất quyền khai thác, sử dụng, nay mất luôn công ăn việc làm, phải xa xứ kiếm công ăn việc làm. Những ai đã đi làm thuê ở nước ngoài hoặc có người thân xuất khẩu lao động mới hiểu được hết nỗi khổ của người Việt làm thuê ở nước ngoài. Chưa kể những người xấu số phải nhận đủ sự lừa đảo của các cơ quan xuất khẩu lao động trong nước và những công ty nước ngoài có người Việt làm thuê. Rất mong các ban ngành chức năng làm hết trách nhiệm của mình để người lao động Việt Nam không còn khổ nữa.

Lao động Trung Quốc về vùng quê quậy phá?

Mới đây tôi đọc một tờ báo viết rằng ở Ninh Bình lao động phổ thông là người Trung Quốc đến gần 1.500 người. Họ đến đây rồi khuấy động cảnh làng quê nơi đây. Các nhà hàng, quán cóc, tiệm gội đầu, matxa, nhà nghỉ, đua nhau mọc lên như nấm để phục vụ những lao động Trung Quốc.

Bài báo mô tả: “Tối tối, nhiều thanh niên Trung Quốc cởi trần trùng trục uống rượu, cãi nhau, khạc nhổ, rồi trêu chọc gái qua đường”. “Cứ rượu xong là họ lại kéo từng toán vài chục người, nghênh ngang, xiêu vẹo trên đường, rồi dòm ngó vào nhà dân…”. Liệu có tình trạng này không? Nếu có cần phải xem xét thật kỹ vì sẽ ảnh hưởng tới vùng quê vốn đang yên ả thanh bình.

Theo tôi được biết, luật không cho phép doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động phổ thông là người nước ngoài nhưng tại sao tình trạng này lại tồn tại? Trình độ của đội ngũ công nhân có tay nghề, có bằng cấp trong nước không thiếu nhưng lại sử dụng những lao động như vậy làm gì? Tại sao mình không dùng người của mình để xây dựng, làm việc phục vụ cho đất nước mình?

Cần điều tra làm rõ

Tại sao lại có quá nhiều lao động Trung Quốc như thế, có sự ưu đãi nào không? Nếu đó là những lao động bậc cao thì không nói gì, đằng này đa số là lao động phổ thông - thành phần mà lao động trong nước không hề thiếu, nếu không muốn nói là dôi dư. Nhà máy đạm Cà Mau và Nhà máy Nhân Cơ là những công trình lớn, mang tầm quốc gia, thu hút nhiều lao động... Lẽ ra đây là cơ hội, đất sống cho nhiều lao động phổ thông VN.

Ngoài việc tạo việc làm còn có ý nghĩa khác là người dân được tham gia những công trình trọng điểm quốc gia. Luật pháp hiện hành của nước ta có quy định về việc sử dụng lao động, dù nhà đầu tư trong nước hay ngoài nước cũng phải ưu tiên, thậm chí buộc phải sử dụng lao động phổ thông là người trong nước.

Những lao động Trung Quốc này không bằng cấp, chuyên môn, không chứng minh được kinh nghiệm nghề nghiệp, không giấy phép mà vẫn tồn tại là sao? Việc làm sai trái này thiết nghĩ đâu chỉ do phía các nhà thầu Trung Quốc mà cả những cơ quan có trách nhiệm của VN. Việc bây giờ là phải thẩm tra rõ ràng, lao động Trung Quốc nào không đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì dứt khoát phải chấm dứt công việc ngay. Dứt khoát không thể có chuyện ưu ái.

Nguyễn Minh Tâm
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên