29/11/2013 09:00 GMT+7

Hàng loạt sinh viên bị đình chỉ học tập

MINH GIẢNG - HẢI LÂM
MINH GIẢNG - HẢI LÂM

AT - Thống kê từ các trường đại học (ĐH) cho thấy mỗi năm có đến hàng ngàn sinh viên bị cảnh báo học vụ, đình chỉ học tập do kết quả học tập quá kém. Nhiều thí sinh có điểm thi ĐH rất cao nhưng chỉ sau vài năm làm sinh viên, họ phải ngậm ngùi rời bỏ giảng đường...

ihn7vVZO.jpgPhóng to
Thí sinh làm thủ tục nhập học năm 2013. Nếu không nỗ lực học tập, sinh viên sẽ khó hoàn thành chương trình đào tạo - Ảnh: Như Hùng

Ngày 27-9-2013, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) công bố danh sách sinh viên bị cảnh cáo học vụ lần 1 và lần 2, học kỳ I năm học 2013-2014. Tổng cộng có 517 sinh viên bị cảnh cáo vì học lực kém, trong đó lần 1: 256 sinh viên, lần 2: 261 sinh viên. Cũng trong học kỳ này, toàn trường có 108 sinh viên chính thức bị đuổi học vì điểm tích lũy dưới quy định, 225 sinh viên buộc thôi học với điểm trung bình học kỳ bằng 0. Trong khi đó, số sinh viên hết thời gian học quy định cho một khóa học tại ĐH Bách khoa là 728 người. Ngoài ra còn có 22 sinh viên tạm dừng học tập vì nợ Anh văn đầu vào.

Đếm không xuể

Theo quy định về đào tạo theo tín chỉ, thời gian học tập tối đa cho một khóa ĐH là 8 năm (đào tạo theo niên chế là 6 năm). Sinh viên có thể đăng ký nhiều tín chỉ trong một học kỳ để rút ngắn thời gian học tập tùy vào điều kiện của mình. Điểm tích lũy sẽ tính theo từng học kỳ, từng năm. Nếu điểm tích lũy thấp hơn quy định, sinh viên sẽ bị cảnh báo học vụ lần 1, lần 2, sau đó bị đình chỉ học tập nếu điểm tích lũy không được cải thiện.

Vượt qua kỳ thi tuyển sinh ĐH cam go, có chỗ trong giảng đường ĐH đã khó nhưng không ít sinh viên đã tự đánh mất cơ hội của chính mình. Nguyễn Thương H. - sinh viên khoa quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - cho biết: “Năm thứ nhất do ham chơi nên theo các bạn không kịp, kết quả thi không tốt dẫn đến điểm tích lũy quá thấp. Vì vậy mình quyết định bỏ học để năm sau thi lại vào trường khác”. Ở nhiều trường ĐH khác, số lượng sinh viên bị cảnh báo học vụ, đình chỉ học tập khá lớn. Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, có 505 sinh viên bị cảnh báo học vụ và đình chỉ học tập. Hầu hết các trường hợp bị buộc thôi học tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là do học lực kém. Ở Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có 821 sinh viên bị cảnh cáo học vụ học kỳ I năm học 2012-2013.

Việc bị cảnh báo học vụ hay đình chỉ học tập có nhiều nguyên nhân. Trong đó, đa số sinh viên có điểm tích lũy quá thấp so với quy định. Một số trường hợp sau khi trúng tuyển, học một thời gian mới nhận ra ngành học không phù hợp, không có hứng thú học tập nên kết quả thấp, bỏ học và dự thi vào ngành khác. Huỳnh Tấn L. - sinh viên năm 1, khoa điện - điện tử, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết: “Do nợ khá nhiều môn mà không có khả năng trả nên đã bỏ học để ôn thi lại vào năm sau”. Trần Hữu H. - sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đã bị đình chỉ học tập - cho biết sau khi trúng tuyển, H. và mấy người bạn cùng quê thuê phòng trọ ở chung. Đến năm thứ hai, một bạn trong phòng có máy tính xách tay và cả phòng bắt đầu chơi game online. Những lúc không có máy, H., lại ra tiệm Internet để chơi. “Tôi nghiện lúc nào không hay, chơi cả ngày lẫn đêm, không đi học. Vì phòng trọ đóng cửa sớm nên có mấy ngày tôi không về phòng. Bạn bè điện thoại cho ba mẹ và họ phải khăn gói vào thành phố để đi tìm. Năm đó tôi bị đình chỉ học tập” - H. kể thêm.

Ông Mỵ Giang Sơn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn - cho biết số sinh viên bị cảnh báo học vụ, đình chỉ học tập hằng năm chiếm khoảng 2% tổng số sinh viên. Theo ông Sơn, phần lớn sinh viên chọn ngành không đúng nên khi vào học không hứng thú, bỏ bê việc học. Trong khi đó cũng có nhiều sinh viên chỉ lo chơi mà không học nên kết quả thấp và bị đình chỉ học tập. Tương tự, TS Trần Đình Lý - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - nói mỗi học kỳ có vài trăm sinh viên bị cảnh báo học vụ và khoảng 100 sinh viên bị đình chỉ học tập.

Trong khi đó, TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho rằng: mỗi học kỳ, số lượng sinh viên bị cảnh báo học vụ của trường nhiều không đếm xuể, trong khi số sinh viên bị đình chỉ học tập chiếm từ 5-7% tổng số sinh viên. “Năm nào cũng có phụ huynh đến trường năn nỉ cho con học tiếp sau khi biết tin con bị đình chỉ. Nhiều phụ huynh lam lũ, chân mang dép nhựa tổ ong đến trường trình bày con họ điểm đầu vào rất cao, sao lại bị đình chỉ học tập được. Sinh viên bị đình chỉ sẽ được chuyển xuống bậc học thấp hơn. Thậm chí có em từ ĐH bị chuyển xuống CĐ nhưng vẫn chưa yên tâm, tự làm đơn chuyển xuống học trung cấp” - ông Dũng nói thêm.

Nỗ lực từ nhiều phía

Theo TS Trần Đình Lý, việc đào tạo theo tín chỉ có cái hay là sinh viên có thể học vượt, rút ngắn thời gian học tập cũng như chủ động trong việc học của mình. Tuy nhiên, việc đào tạo theo tín chỉ đòi hỏi sự nỗ lực cả từ nhà trường và sinh viên. Việc sinh viên bị cảnh báo học vụ, đình chỉ học tập có cả nguyên nhân từ nhà trường và sinh viên. “Việc thay đổi phương pháp học tập từ bậc phổ thông sang ĐH khiến nhiều sinh viên bỡ ngỡ và chưa thích ứng được, dẫn đến kết quả học tập không tốt. Hơn nữa, tín chỉ là phương pháp đào tạo tiến bộ nhưng hiện nay nhiều trường vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện để đào tạo theo hình thức này như cơ sở vật chất, giảng viên nhưng vẫn đào tạo tín chỉ, dẫn đến kết quả đào tạo chưa như mong muốn và người học cũng chưa cảm thấy hứng thú. Đội ngũ cố vấn học tập của trường sẽ hỗ trợ đắc lực cho sinh viên khi học theo tín chỉ, vì thế phải xây dựng đội ngũ này thật tốt. Sinh viên phải nỗ lực học tập và nhà trường cũng phải chuẩn bị thật tốt từ cơ sở vật chất, đội ngũ, nội dung đào tạo đến phương pháp giảng dạy để thu hút người học” - ông Lý nói.

Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: sau một kỳ thi ĐH căng thẳng, thí sinh khi đã trúng tuyển thường có tâm lý “dạo chơi”, từ đó dẫn đến kết quả thấp. “90% sinh viên của trường xuất thân từ khu vực nông thôn. Ở một địa bàn còn ít điều kiện giải trí, gò bó, giờ đến Sài Gòn, được tự do nên không ít sinh viên buông thả, vui chơi mà quên học. Hơn nữa, nhiều sinh viên chọn ngành chưa chính xác nên không có động lực học tập, chán nản. Nhà trường, giảng viên cũng chưa có giải pháp để tạo động lực thu hút người học” - ông Dũng giải thích thêm về khía cạnh tâm lý. Từ cương vị một người nhiều năm làm công tác đào tạo, ông Dũng thừa nhận việc sinh viên bị cảnh báo học vụ, đình chỉ học tập cũng có nguyên nhân khách quan từ phía nhà trường. Theo ông, việc tổ chức đào tạo, nội dung đào tạo chưa hấp dẫn, sinh viên học đi học lại kiến thức đã học ở bậc thấp hơn, phương pháp giảng dạy chưa đổi mới, trường thiếu người, cơ sở vật chất chưa đầy đủ dẫn đến lớp học quá đông nên chưa kiểm soát được sinh viên, chưa lôi kéo được người học. Để có kết quả đào tạo tốt, không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi sinh viên mà nhà trường cũng phải thay đổi nhiều thứ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học.

FgtH5bqI.jpgPhóng to

Áo Trắng số 21 ra ngày 15/11/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

MINH GIẢNG - HẢI LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên