02/10/2012 06:14 GMT+7

Chạy đua với CDIO

 HÀ BÌNH
 HÀ BÌNH

AT - “Du nhập” vào Việt Nam từ năm 2008, mô hình đào tạo CDIO được nhiều trường ĐH hồ hởi đón nhận như là “cứu tinh” trong việc cải tiến chương trình đào tạo. Tuy nhiên, thực tế thí điểm đào tạo cho thấy việc “hội nhập” này gặp không ít trở ngại.

n42uPC2M.jpgPhóng to
Sinh viên lớp thí điểm mô hình CDIO ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong một buổi học. Học theo CDIO yêu cầu sinh viên phải chủ động và rèn luyện nhiều kỹ năng

Xây dựng mô hình một căn nhà có khả năng không thấm nước, chịu được trọng lượng một chai nước 330ml dựa trên các nguyên liệu từ báo và que tăm...” - đó là bài tập đồ án của lớp thí điểm CDIO ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), triển khai từ năm học 2011-2012.

Xây dựng lại chuẩn đầu ra

Đồ án yêu cầu sinh viên phải làm việc theo nhóm, lập bảng chấm công, bảng theo dõi tiến độ công việc, tính tiền lương, tính giá thành sản phẩm, viết báo cáo và trình bày giải pháp trước lớp. Ngoài đồ án này, sinh viên phải làm thêm nhiều đồ án khác để “trải nghiệm CDIO”. “Những buổi học CDIO luôn tích hợp giữa kiến thức - kỹ năng - thái độ. Do đó, điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa mô hình đào tạo CDIO và đào tạo truyền thống là lớp học nhỏ lại, chỉ còn 70-80 sinh viên thay vì gấp đôi như trước” - PGS.TS Lê Hoài Bắc, phó trưởng khoa công nghệ thông tin, nói.

NCDIO là gì?

Theo tài liệu “Cải cách và xây dựng chương trình đào tạo kỹ thuật theo phương pháp tiếp cận CDIO” (do TS Hồ Tấn Nhựt, thành viên Hiệp hội CDIO thế giới; PGS.TS Đoàn Thị Minh Trinh, ĐH Quốc gia TP.HCM biên dịch), CDIO là đề xướng quốc tế nhằm đào tạo sinh viên khối ngành kỹ thuật có năng lực hình thành ý tưởng (Conceive) - thiết kế (Design) - triển khai (Implement) và vận hành (Operate). Sự hình thành và triển khai phương pháp tiếp cận CDIO bắt đầu từ Học viện MIT (Mỹ) cùng ba trường ĐH, học viện công nghệ của Thụy Điển. CDIO xây dựng một hệ thống các mục tiêu giáo dục gồm 12 tiêu chuẩn đề cập đến triết lý chương trình, chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo tích hợp, không gian học, đánh giá học tập... Sinh viên trong chương trình đào tạo theo CDIO cần đạt được bốn năng lực chính khi tốt nghiệp, bao gồm: khối kiến thức và lập luận ngành; các kỹ năng và phẩm chất cá nhân về nghề nghiệp; các kỹ năng và phẩm chất xã hội; năng lực áp dụng kiến thức vào thực tiễn đặt trong bối cảnh xã hội và doanh nghiệp.

Theo TS Bắc, sau khi được chọn thí điểm đào tạo theo CDIO, khoa đã rà soát lại toàn bộ chương trình, xây dựng lại chuẩn đầu ra cho ngành và chuẩn đầu ra cho từng môn học. Từ chuẩn đầu ra này, khoa đã thiết kế lại chương trình đào tạo. “Kiến thức không thay đổi nhiều lắm nhưng sinh viên sẽ học thêm nhiều về kỹ năng, thái độ. Chẳng hạn môn tin học cơ sở trước đây được đổi thành nhập môn công nghệ thông tin 1 và nhập môn công nghệ thông tin 2. Hai môn học này tích hợp vào đó kỹ năng cho sinh viên như soạn thảo văn bản hành chính, tìm kiếm thông tin trên Internet, trình bày trước đám đông, đọc hiểu và giải quyết vấn đề. Sinh viên cũng được nói về sự trung thực, tuân thủ quy định, cam kết khi nhận công việc...” - TS Bắc nói thêm.

Đến nay, khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên đã hoàn thành 20 đề cương môn học và tài liệu giảng dạy mới theo CDIO. Tương tự, ngành kỹ thuật chế tạo khoa cơ khí Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) cũng được chọn thí điểm thực hiện mô hình CDIO. Sau hai năm triển khai, ngành này đã hoàn tất “chuẩn đầu ra CDIO” cho các môn học của ngành, xây dựng chương trình đào tạo theo CDIO và bước đầu đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập theo phương pháp tích cực, trải nghiệm.

Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - trưởng Ban đào tạo ĐHQG Hà Nội - hiện có 332 chương trình đào tạo ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ... của các trường, khoa, trung tâm, viện trực thuộc đơn vị này được rà soát và thẩm định theo mô hình CDIO. Một số trường ĐH khác như Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Thái Nguyên, Duy Tân, An Giang, Bình Dương, Lạc Hồng, Nha Trang, CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Nha Trang... cũng bước đầu tìm hiểu hoặc đã, đang bắt tay vào xây dựng chương trình đào tạo mới theo mô hình CDIO.

Chỉ 40% sinh viên theo kịp tiến độ

Sau năm học đầu tiên “vận hành” mô hình CDIO, nhóm thực hiện đề án khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã tiến hành khảo sát trên 317 sinh viên học theo mô hình, phương pháp mới. Kết quả, trên 70% sinh viên tham gia khảo sát đánh giá giảng viên dạy theo chương trình CDIO nhiệt tình trong công tác giảng dạy, kỹ năng sư phạm tốt, sinh viên được hướng dẫn và tổ chức làm việc nhóm tốt, thắc mắc của sinh viên được giảng viên giải đáp rõ ràng, các môn học CDIO giúp sinh viên tăng sự chủ động trong việc học tập.

Tuy nhiên khảo sát cũng cho thấy chỉ có 40,38% sinh viên “đồng ý” khi được hỏi về “hoàn toàn theo kịp tiến độ học tập”. Và khi được hỏi “khối lượng học tập phù hợp với năng lực sinh viên” chỉ có 41,32% sinh viên tham gia khảo sát “đồng ý”. Nhiều sinh viên cho rằng chương trình học, bài tập về nhà khá nặng nên ít có thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa, một số môn học có quá nhiều đồ án trong một học kỳ. Điều này khiến sinh viên “bối rối và cảm thấy quá tải với lượng kiến thức được giảng dạy và các bài tập cần phải thực hiện khá dày đặc”.

Tại Hội nghị CDIO toàn quốc diễn ra cuối tháng 8 tại TP.HCM, những khó khăn, trở ngại trong quá trình thí điểm thực hiện CDIO cũng được nhiều trường nhìn nhận. Cụ thể như giảng viên chịu áp lực rất lớn về thời gian để chuẩn bị và giảng dạy theo phương pháp mới. Ngoài ra, đội ngũ giảng viên, nhân viên trường còn mỏng, chưa đủ mạnh so với yêu cầu đào tạo của chương trình. Đáng chú ý là có ý kiến cho rằng lớp học có đông sinh viên nên phương pháp dạy tích cực, các hoạt động trong lớp, thực hiện đồ án gặp nhiều khó khăn. Mặt khác nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất khi áp dụng CDIO khá cao, trong khi môi trường và không gian học chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của CDIO.

Trong tham luận gửi đến hội nghị, TS Đinh Văn Nhượng (Trường ĐH Sao Đỏ, Hải Dương) và thạc sĩ Trần Mai Ước (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cùng nêu quan điểm: “Việc vận dụng mô hình mới ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần có thời gian, nhất là cải thiện mô hình học tập nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo ĐH hiện nay. Vì vậy, không thể đốt cháy giai đoạn hoặc rút ngắn giai đoạn mà phải có những bước đi từ từ. Đặc biệt chương trình này được xây dựng ở trường ĐH nước ngoài mà đưa vào áp dụng tại Việt Nam thì bối cảnh hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, cần thí điểm ở một số trường ĐH rồi đưa vào áp dụng dần chứ không thể đưa nguyên chương trình vào giáo dục nước nhà”.

“Mở lối thoát cho chương trình đào tạo”

Năm 2010, trường đã chuyển đổi các chương trình đào tạo qua hệ thống đào tạo theo tín chỉ, và cũng đã xây dựng chuẩn đầu ra các ngành đào tạo theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên nội dung của các chương trình đào tạo hiện chưa có được định nghĩa bởi các chuẩn đầu ra vừa được xây dựng. Trước bối cảnh đó, chúng tôi được tham dự hội thảo “Xây dựng chuẩn đầu ra và triển khai chương trình đào tạo theo mô hình CDIO” do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức cuối năm 2010. Và đó chính là cứu cánh để chúng tôi mở lối thoát cho việc cải tiến chương trình đào tạo. Chúng tôi quyết tâm thiết kế, triển khai để được trải nghiệm các ý tưởng của mô hình tân tiến CDIO, tuy biết rằng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, thậm chí rủi ro...

Xv7byiE5.jpgPhóng to

Áo Trắng số 18 ra ngày 01/10/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên