14/09/2010 08:07 GMT+7

Chuyện họp lớp

TRUNG HÀ (Đắk Lắk)
TRUNG HÀ (Đắk Lắk)

AT - Tôi nhận được giấy mời họp lớp qua đường bưu điện. Cuối giấy mời có dòng ghi chú: "Khi đi không cần mang theo tiền (vì đã có nhà tài trợ), song có thể mang theo quà. Cảm ơn nhiều. Ký tên: Lớp 12A". Sau tám năm ra trường, mọi người lại rủ nhau họp lớp, thú thực tôi không mấy hào hứng. Có thể tám năm là khoảng thời gian quá dài.

90QSRhYC.jpgPhóng to

Minh họa: Mặc Tuân

Buổi liên hoan cuối cấp năm đó, lớp trưởng Mai Chi đã đề xuất: "Mỗi năm lớp mình sẽ họp lớp một lần, chúng ta thống nhất ngày hai tám tết nhé”. Mọi người nhất trí tán thành. Thế nhưng năm đầu tiên họp lớp chỉ có hai lăm đứa trên tổng số bốn lăm. Trong hai lăm đứa ấy chỉ có đúng năm đứa con gái, những đứa khác không đi được vì phải giúp mẹ đi chợ mua sắm tết hoặc còn phải dọn dẹp nhà cửa. Thế mới biết đề nghị của lớp trưởng Mai Chi thật không hợp lý. Ai lại đi họp lớp vào ngày cuối năm giữa lúc bộn bề công việc như thế này.

Hai mươi lăm đứa vẫn họp lớp như bình thường. Mỗi đứa đóng ba mươi ngàn làm lệ phí liên hoan. Việc đầu tiên là kéo nhau lên thăm thầy chủ nhiệm, sau đó lại rủ nhau trèo tường vào trường cũ để liên hoan tiệc ngọt. Bữa tiệc chưa kịp bắt đầu thì đã bị bác bảo vệ tống ra khỏi cổng trường. Cả bọn lếch thếch kéo vào rừng cao su ở gần đó. Coi như xong buổi họp lớp. Tự dưng tôi thấy chán.

Năm sau vào ngày hai tám tết tôi không đi họp lớp nữa. Tối, tôi gọi điện cho Tuấn hỏi chuyện họp lớp. Giọng Tuấn buồn buồn: "Chỉ có tám mống con trai, mỗi thằng nộp năm mươi ngàn, rồi đi nhậu, rồi về. Chắc sang năm không họp lớp nữa. Mấy đứa bảo khi nào kỷ niệm mười năm ngày ra trường sẽ tổ chức buổi họp lớp thật ra trò. Họp thế quái nào được. Bây giờ còn không họp được huống gì mười năm sau".

Tự dưng hôm nay tôi lại nhận được giấy mời họp lớp vào ngày mùng hai tháng chín. Ngày nghỉ lễ Quốc khánh, cơ quan tôi có tổ chức đi Đà Lạt chơi, tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho chuyến đi đầy mong đợi này. Giờ lại phát sinh chuyện họp lớp. Kẹp tờ giấy mời vào cuốn sách cũ, tôi quyết định dứt khoát: đi Đà Lạt chơi.

Chuyến đi sắp khởi hành thì Tuấn gọi điện: "Bà mà không đi họp lớp thì chết với tui đó”. "Tui đi Đà Lạt rồi". "Tui không biết". Tuấn cúp máy. Tự nhiên tôi thấy áy náy. Dự cảm chuyến đi này sẽ không mấy vui vẻ đối với tôi nữa. Tôi xin lỗi mọi người rồi bước xuống xe.

Tuấn đến đón tôi rồi chạy thẳng đến điểm hẹn. Không biết bằng cách nào mà bác bảo vệ lại rất hăng hái mở cổng cho chúng tôi vào trường. Lớp học cũ đã được trang hoàng bằng những chùm bóng bay đủ màu sắc. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, vài tên con trai hưng phấn đấm vào ngực nhau thùm thụp rồi cười ha hả. Xa lâu lắm rồi nay lại thấy rất gần, gần như thể ngày hôm qua vẫn còn ngồi trong lớp học với nhau.

Có những đứa đang công tác ở Sài Gòn, Lâm Đồng, Nha Trang...cũng quyết tâm gác lại công việc để về đây họp lớp. Tuấn nắm tay kéo tôi lại chỗ ngồi của tôi năm xưa, bất chợt trong tôi vỡ òa những cảm xúc cũ. Lớp học đây, bạn bè cũng ở đây nhưng lại vắng một người, một người đã từng rất quan trọng với tôi. Một lúc sau thì người đó xuất hiện, tôi lặng lẽ quan sát người đó, tim tôi không còn rộn ràng, nhức nhối như xưa nữa. Ai bảo: "Ôi mối tình đầu như đi trên cát. Bước nhẹ mà đau"?

"Tùng!", có ai đó đã đánh trống. Mọi người đang ngơ ngác thì Mai Chi từ đâu chạy đến rối rít nhắc: "Đừng buôn chuyện nữa, trống vào lớp rồi đấy, chỗ của người nào thì người đó ngồi, cấm lộn xộn". Rồi một tà áo dài xuất hiện trước cửa lớp, vẫn duyên dáng như xưa. Cả lớp ồ lên: "Cô Ngân!", "Đúng rồi cô Ngân!", "Trời ơi cô Ngân!". Có ai đó đã sắp xếp một món quà đầy ý nghĩa?

Cô Ngân mỉm cười hiền lành: "Chào các em! Cô rất vui khi gặp lại các em. Có lẽ các em đang thắc mắc là tại sao cô lại có mặt ở đây? Một bạn lớp mình đã đề nghị cô lên lớp, bạn ấy muốn được nghe cô giảng và bạn ấy còn muốn tất cả các em được sống lại cảm xúc của ngày xưa. Cô hi vọng các em không phản đối". Mọi người vỗ tay tán dương: "Không đâu, cô ơi!".

Cô Ngân bước lên bục giảng, cô giảng bài Sóng của Xuân Quỳnh cho chúng tôi nghe. Giọng của cô vẫn như xưa, ấm áp, truyền cảm đến lạ lùng. Ngày xưa chính vì mê những bài giảng của cô mà tôi đã quyết định thi sư phạm ngữ văn, nhưng điều đáng tiếc là tôi không có cơ hội được đứng trên bục giảng như cô. Chúng tôi ngồi đó lặng im, thả hồn theo từng lời giảng của cô.

Cách đây tám năm, khi chúng tôi mười bảy, mười tám tuổi, chúng tôi không định hình rõ tình yêu là gì, chỉ có những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến nên chúng tôi rất hào hứng khi tiếp cận với lời tự tình của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Tám năm sau, khi đã trải nghiệm cuộc đời hơn, hiểu thế nào là tình yêu, lời tự tình của Sóng vẫn làm chúng tôi hào hứng mê say. Bài giảng của cô Ngân kết thúc trong tiếng vỗ tay của mọi người. Ai đó đã rất chu đáo chuẩn bị cho cô một món quà làm kỷ niệm. Cô chia tay lớp bịn rịn hệt như buổi học cuối cùng của năm xưa.

Mọi người kéo nhau xuống sân trường. Một bữa tiệc ngoài trời đang được các nhân viên nhà hàng dọn ra. Nhân vật tài trợ chính cho buổi họp lớp vẫn là một bí ẩn. Tôi tách ra khỏi mọi người, muốn một mình nhìn ngắm trường xưa. Đã rất nhiều lần tôi đi qua đây nhưng chưa một lần tôi dừng lại để nhìn vào.

Có lẽ tôi không thuộc týp người hoài cổ, tôi học văn nhưng không quá nhạy cảm và đa sầu, đa cảm như người ta. Từ xa Tuấn đã thấy tôi, nhiều khi Tuấn làm tôi khó chịu. Tôi cần một khoảng riêng tư dẫu chưa biết là để làm gì, nhưng một điều tôi biết chắc chắn là sự có mặt của Tuấn lúc này sẽ làm tôi bực mình. Nguyên đến bên tôi từ lúc nào, Tuấn thôi không đeo bám tôi nữa. Tôi và Nguyên đi bên nhau.

- Nghe bảo ông làm việc ở Sài Gòn. Về đây khi nào vậy?

- Về được mấy hôm rồi. Vân vẫn khỏe chứ?

- Nhìn Vân là biết rồi còn hỏi.

- Nghe bảo Vân đang làm ở phòng văn hóa huyện. Oai quá nhỉ!

- Oai gì chứ! Lương ba cọc ba đồng, chán lắm!

- Vân lấy chồng chưa?

- Chưa.

- Vậy thì lấy tui đi.

- Tui chưa thấy ai cầu hôn vô duyên như ông.

- Vân là đứa con gái thứ chín mươi chín nói câu này với tui đó.

- Nghe bảo ông làm ở công ty nước ngoài, lương tháng hai mươi triệu hả?

- Cũng gần như thế.

- Lương của ông một tháng bằng tôi làm một năm.

- Người ta vắt kiệt sức mình chứ đâu cho không.

- Tui mong có người vắt kiệt sức mình để được trả lương như ông mà không có được.

- Sao Vân học sư phạm ra mà không đi dạy?

- Bây giờ ở đâu cũng bảo thừa giáo viên. Có được chỉ tiêu biên chế nào thì lại ưu tiên người đồng bào dân tộc tại chỗ, rồi đến con thương binh, bệnh binh. Còn lâu mới đến phần tui.

- Bó tay luôn!

Nguyên giơ tay lên trời hét lớn. Tôi phì cười. Nguyên cận ngày xưa giờ đã khác. Trong mắt bạn bè, Nguyên chỉ là thằng khờ suốt ngày chúi đầu vào sách vở, nếu ai hỏi chuyện thì ngơ ngơ ngao ngáo "trông chẳng giống con giáp nào trong mười hai con giáp" (theo lời lớp trưởng Mai Chi).

- Nguyên có vẻ thay đổi rất nhiều, nói nhiều hơn và... rất có nghĩa khí anh hùng rơm.

- Vân sỉ nhục tui đó hả? Tui không hiểu tại sao ngày đó phân nửa con trai lớp mình lại "tình thương mến thương" Vân nhỉ?

Phân nửa con trai lớp "tình thương mến thương" tôi nhưng có một người tôi "thương" lại không thèm "thương" tôi. Với tôi, đó là một bi kịch và tôi đã mất ba năm để quên được điều đó. Nguyên cúi xuống bứt một cọng cỏ để làm nhẫn. Tôi chợt nhớ đến những chiếc nhẫn cỏ ngày xưa các bạn trai đã tặng tôi. Bao năm rồi, sân trường vẫn vậy, vẫn những vạt cỏ mềm nâng đỡ bao bước chân. Cỏ là thông điệp lãng mạn để bao chàng trai tuổi mới lớn đan nhẫn tặng bạn gái trong những giờ ra chơi.

- Vân ơi! Tui...!

- Gì mà ấp úng vậy?

- Tui muốn tặng chiếc nhẫn này cho Vân.

- Lương tháng hai mươi triệu mà tặng tui nhẫn cỏ, keo 502 quá!

- Nhận không? - Nguyên giả vờ cáu.

- Nhận - Tôi cũng giả vờ sợ hãi chìa tay ra để Nguyên đeo nhẫn.

- Sao lại chẳng thấy lãng mạn nhỉ? - Mặt Nguyên ngô nghê hệt như xưa.

- Già rồi mà bày đặt lãng mạn.

- Hồi đó tôi đã làm vô số chiếc nhẫn cỏ nhưng lại không dám tặng cho Vân. Nhìn mấy thằng con trai lớp mình ngang nhiên tặng nhẫn cho Vân, tui thấy ghét nhưng cũng thầm thán phục sự anh dũng của tụi nó.

- Tui cứ tưởng ngày đó ông chỉ biết học chứ đâu nghĩ ông cũng "dại gái" như người ta.

- Lại sỉ nhục tui nữa rồi!

- Nếu ngày đó ông mạnh dạn hơn, biết đâu tui đã yêu ông.

- Thế Vũ để cho ai?

- Ông không sợ tui buồn à?

- Thấy Vân nhìn Vũ là tui biết Vân hết buồn rồi.

- Hãy sống thật hạnh phúc Vân nhé! Nếu có kiếp sau, vẫn chung trường chung lớp...

- Làm gì mà cải lương vậy?

- Tui muốn được...

Nguyên nắm tay tôi, một cái nắm tay rất chặt. Tôi đã có rất nhiều cái nắm tay nhưng chưa có cái nắm tay nào bình yên và giản dị như cái nắm tay của Nguyên. Tim tôi khẽ rộn ràng, tôi thốt lên:

- Nếu Nguyên cứ như thế này, tui sẽ yêu Nguyên mất. Nguyên không biết là tui rất đa tình à?

- Nếu có kiếp sau...

Tôi cướp lời:

-Lại khùng nữa rồi!

Nguyên nhìn tôi cười. Chúng tôi ngồi xuống vạt cỏ dưới gốc cây hoàng lan. Tôi không nghĩ có lúc tôi lại ngồi bên Nguyên như thế này.

- Với ai Vân cũng dễ dãi thế này à ?

- Gì? - Tôi hất tay Nguyên ra. Nguyên cười khà khà: Đùa tí thôi mà ! Hình như Tuấn đang rất giận hai đứa mình.

- Kệ Tuấn.

- Gần mười năm rồi mà sao Vân không chịu yêu Tuấn?

- Chắc tại hai trái tim không cùng nhịp đập.

- Cảm ơn Vân nhé.

- Vì cái gì ?

- Vì buổi trò chuyện hôm nay và vì cái nắm tay rất chân thành nữa.

- Vân cũng cảm ơn Nguyên vì trong khi mọi người đua nhau tặng nhẫn vàng, nhẫn kim cương thì Nguyên vẫn tặng Vân chiếc nhẫn cỏ đơn sơ, giản dị này.

- Có ý sỉ nhục tui không đó?

Về trường cũ họp lớp được gặp lại bạn bè, được nghe lại lời giảng của cô, và đặc biệt còn được Nguyên tặng nhẫn cỏ, còn gì thú vị hơn nữa. Vân thấy mình như trẻ lại. Vân chợt nhận ra dù thời gian có trôi, dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng những hồi ức của một thời đi học vẫn sẽ đẹp mãi trong tim mỗi chúng ta.

- Vân à, nếu có kiếp sau...

- Lại nữa rồi.

- Để tui nói hết câu được không? Vậy thì nói đi. Nếu có kiếp sau... hãy là bạn gái của tui nhé.

Tôi lặng im. Tại sao phải chờ đến kiếp sau hả Nguyên? Có lẽ đã muộn rồi! Tất cả chúng ta đã lớn, những gì đã qua chẳng thể nào lấy lại được. Ừ, nếu có kiếp sau, có duyên sẽ gặp lại.

Tuấn thôi không còn đeo bám tôi nữa. Tuấn thú nhận: Có lẽ tui đã yêu Vy. Buổi họp lớp hôm đó, Tuấn gặp lại Vy. Vy mới chia tay với người yêu, còn Tuấn thì đã mệt mỏi với tôi. Họ đến với nhau bằng sự đồng cảm, sẻ chia rất chân thành. Tôi không còn cảm giác day dứt về Tuấn nữa. Khi tôi cần Tuấn vẫn đến bên tôi. Chúng tôi vẫn là bạn thân, rất thân.

Tôi nhận được email của Vũ. Vũ muốn gặp tôi, muốn được trò chuyện với tôi. Sau đó, chúng tôi có gặp nhau vài ba lần. Vũ muốn giữa chúng tôi có mối quan hệ tình cảm trên mức bạn bè. Nhưng giờ tôi chỉ xem Vũ là bạn học cùng lớp thời cấp ba. Giá như tôi đừng đồng ý gặp lại Vũ thì trong tôi hình ảnh anh chàng Vũ của ngày nào vẫn sẽ đẹp mãi.

Nguyên chính là tác giả của buổi họp lớp đáng nhớ ấy. Không hiểu sao tôi muốn gặp lại Nguyên. Nhưng tôi không có cơ hội gặp lại nữa. Tôi rất buồn khi biết chuyện của Nguyên. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao hôm ấy Nguyên lại nhắc rất nhiều đến từ kiếp sau. Tôi nhớ lời Nguyên nói khi chúng tôi chia tay nhau: Có một điều khiến Nguyên hối tiếc đó là đã trót làm lòng Vân xao động. Hãy xem đây như là kỷ niệm, một kỷ niệm đẹp, Vân nhé!. Tôi đã vội vã quay mặt đi vì sợ Nguyên đọc được điều gì đó trong mắt tôi.

Qua người bạn cũ, tôi biết chuyện: Một chàng trai hai mươi sáu tuổi mang trong mình rất nhiều hoài bão và ước mơ bỗng dưng một ngày người ta bảo cậu bị ung thư não. Có lẽ cậu đã rất đau khổ, cuộc sống đang đẹp thế cơ mà, tương lai của cậu còn rộng mở lắm. Điều đáng ngạc nhiên là sau vài ngày nhốt mình trong phòng kín, chàng trai ấy đã tự mình đứng dậy, cậu trở về bên gia đình, cậu cần tình yêu thương của người thân. Chàng trai ấy âm thầm tổ chức một buổi họp lớp. Trước khi ra đi, cậu muốn được về lại trường cũ, muốn gặp lại những gương mặt thân quen, muốn nghe lại lời giảng của thầy cô. Và trong buổi gặp mặt đó, cậu đã gặp lại người con gái một thời cậu yêu đơn phương. Cậu đã khiến cô gái ấy rung động. Nhưng chàng trai ấy lại thấy đau lòng vì cậu không còn cơ hội ở bên cô ấy nữa. Cậu sợ cô ấy buồn.

Thú thực hôm ấy tôi đã rất buồn khi chia tay Nguyên. Nhưng bây giờ thì tôi không buồn nữa, tôi không muốn ở một nơi rất xa Nguyên phải áy náy về tôi. Một thoáng rung động của ngày hôm đó sẽ mãi là kỷ niệm đẹp trong tôi. Cảm ơn Nguyên về buổi họp lớp. Cảm ơn Nguyên vì đã cho tôi biết trong cuộc đời con người có những khoảnh khắc thật đáng nhớ, thật đáng trân trọng.

Ejqkeibb.jpgPhóng to

Áo Trắng số 16 (ra ngày 1-9-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TRUNG HÀ (Đắk Lắk)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên