03/05/2008 06:15 GMT+7

Nỗi cô đơn trong thơ nữ trẻ đương đại

TRẦN HOÀNG THIÊN KIM
TRẦN HOÀNG THIÊN KIM

AT - Nếu như các nhà thơ nữ thế hệ trước thường diễn tả nỗi cô đơn bằng một biểu tượng nào đó, hoặc nói một cách xa vời, ý tại ngôn ngoại... thì thơ nữ thế hệ trẻ ăm ắp nỗi cô đơn trong từng trang viết, nỗi cô đơn, buồn bã trực diện và dồn dập.

Dường như, đó là một yếu tố không thể thiếu song hành cùng đời sống vốn bận rộn và lắm lo toan của họ. Bên cạnh đời sống ồn ã, tấp nập ngoài kia, bao giờ cũng có chỗ cho nỗi cô đơn trống vắng trong góc khuất của tâm hồn. Thơ họ là để thể hiện, là giải tỏa nỗi buồn, cô đơn ăm ắp cả lý tính và xúc cảm, đôi khi buồn mà không thể cắt nghĩa nổi buồn ấy.

Một trong những cái tôi cô đơn trong thơ nữ trẻ đương đại là cái tôi thiếu hụt tình cảm, thiếu vắng sự sẻ chia, nỗi khao khát hoàn thiện bản thân, khao khát tìm được sự đồng điệu, cụ thể ở đây là "Anh":

Tiếng reo khi gặp anh là hy vọng linh ứngNiềm vui chưa kịp tan, đã ập vào lo lắng.

(Bài ca số phận - Vi Thùy Linh)

Thơ trẻ đương đại thường tìm cho mình một lối thoát sau nỗi cô đơn, nỗi buồn tràn ngập, một tiếng reo vui khi trái tim được giải thoát khỏi những đợi mong, những thổn thức... Nhưng, tiếng nói thơ nữ đương đại khác trước ở chỗ, họ luôn dự cảm mong manh trước niềm vui tạm thời đó. Trang thơ tự cắt nghĩa nỗi buồn mà không lý giải nổi:

Thật ra nỗi buồn đâu có màu sắc gìChỉ là màu vàng của ánh đèn vàng đêm đêm soi vào mắt cô gái trẻ để tìm cho ra nỗi buồn có màu sắc gì

Nhưng mắt quá trong Khoắng lên cũng vô ích.

(Lô lô - Ly Hoàng Ly)

Giữa đông người vẫn cảm thấy cô đơn, đó là khi tâm hồn con người không tìm được tiếng nói đồng điệu, không có một sợi tơ nào nối mạch cho cảm xúc mình những liên tưởng thân quen.Và, nỗi buồn, nỗi cô đơn khi hiện hữu bởi trái tim không được sẻ chia tiếng nói yêu thương:

Em đã cô đơn những ngày không bạn bèKhông phố xá và anh không đến nữaMùa đã mới mà nỗi buồn vẫn cũLòng tan hoang như ô cửa gió lùa.

(Một đóa hoa vàng - Bình Nguyên Trang)

Một cảm giác chơi vơi và trống vắng vô cùng khi nỗi lòng như ô cửa gió lùa, gió mùa thu hanh hao nỗi nhớ. Buồn đến nao lòng. Cái tôi cô đơn trước cuộc sống, trước những đổi thay, trước cả cảnh vật lẫn con người dường như xuyên suốt chặng thơ của các cây bút nữ. Tâm hồn họ mỏng manh và yếu đuối:

Sao nỗi buồn cứ thích bám vào tóc mỗi đêm hai mươi chín sợiĐể sáng ra ngầu trắng mắt.

(Lô lô - Ly Hoàng Ly)

Chúng ta có cảm giác rằng, nỗi buồn, nỗi cô đơn như một thứ gia vị của cuộc sống hiện đại "tôi còn buồn là tôi còn sống" (Inasara) nên cứ để kệ nó cuốn trôi, cuốn trôi cảm giác của mình đi. Tự gọi tên nỗi buồn của mình là "Lô lô”, theo Nguyễn Thụy Kha thì Ly Hoàng Ly muốn thông báo với cuộc đời một tín hiệu thẩm mỹ mới bằng thơ.

Em nhận ra niềm vui kiaMang theo gương mặt của nỗi buồnVà từ đó nỗi buồn cứ theo emMỗi lần bay lên và rơi xuống.

(Bông tuyết - Trần Lê Sơn Ý)

Thơ nữ trẻ đương đại thể hiện bản thể cô đơn đau đáu và trực diện, như là tự sự với chính bản thân mình, tự sự với trang giấy trắng ngổn ngang. Đôi lúc cái tôi cô đơn òa vỡ và nhận thấy sự phù du của kiếp người:

Nhiều khi đơn độc Muốn thức dậy ở cõi khác Hình dung một nụ cườiĐưa sợi tóc lên ngậm miệngCũng đỡ nhớ niềm vui...

(Buổi sáng - Phan Huyền Thư)

Họ giải tỏa nỗi cô đơn bằng những liên tưởng và hành động cụ thể mang tính nhục cảm, những khát khao dâng hiến:

Cái lạnh ngấm dần, em tự ôm emEm tự sát thương vết đau đang rỉ raNơi cắt rốn cô đơn bằng những giọt lòngVà lần cởi từng chiếc cúc...

(Tiếng đêm - Vi Thùy Linh)

Tuy nhiên, nỗi cô đơn như một con dao hai lưỡi, mình biết chế ngự nó thì mình vượt qua, nhưng mình bị nó chế ngự thì mình trở thành nô lệ. Cái tôi cô đơn, buồn bã mang tính tiêu cực sẽ biểu hiện một quan niệm lệch lạc:

Chẳng biết có đêm nào như đêm nay Bằng một nỗi cô đơn hoàn hảoTôi thấy mình chết trong khoảnh khắc khi nhìn vào gương soi.

(Lẩn thẩn - Khương Hà)

Nỗi cô đơn phải làm cho người ta giàu hơn lên trong tâm hồn, giàu hơn khát vọng sống, khát vọng yêu. Cũng không thể để nó triệt tiêu của chúng ta những đam mê và sức lực:

Nỗi buồn gặm nhấm con người từng ngàyNó ngốn của chúng ta sức lực.

(Một ngày chưa có trong sự thật - Vi Thùy Linh)

Mặc dầu có những hạn chế nhỏ khi bộc lộ cái tôi cá nhân cô đơn, buồn bã, nhưng thơ nữ trẻ đương đại đã có những khoảnh khắc thăng hoa của cái tôi cô đơn. Họ trả lại cho thi ca vẻ đẹp của cái tôi cô đơn tràn sức sống mà một thời không được phép đánh thức.

Như vậy, trong một khuôn khổ nào đó, thơ nữ trẻ đương đại đã có những thành tựu đáng ghi nhận ban đầu. Nhiều gương mặt mới đã được bạn đọc quan tâm, như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Trương Quế Chi, Lê Thị Mỹ Ý, Dạ Thảo Phương, Vũ Thị Huyền, Trần Lê Sơn Ý, Khương Hà, Nguyệt Phạm, Nguyễn Thúy Hằng, Bình Nguyên Trang, Phạm Vân Anh, Nguyễn Thanh Vân, Chu Thị Minh Huệ, Ngô Thị Hạnh, Lê Ngân Hằng, Trang Thanh... Nếu như họ không yên phận với cái tôi bản thể đang trỗi dậy đầy thách thức với cuộc đời, mà có những mối quan tâm đến cộng đồng rộng lớn, thì "nguồn sống mới" của họ sẽ mang một tầm vóc mới. Họ sẽ xứng đáng hơn với nội lực thơ trẻ đang có nhiều cách tân thử nghiệm để hòa vào làn sóng đương đại thế giới. u

EhAi4m4z.jpgPhóng to

Áo Trắng số 22 (ra ngày 15-04-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TRẦN HOÀNG THIÊN KIM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên