05/09/2015 11:49 GMT+7

​TP.HCM cần bản sắc, bình yên...

KTS LƯU TRỌNG HẢI
KTS LƯU TRỌNG HẢI

TT - TP.HCM là một thành phố lớn, còn rất trẻ và cả một sự phát triển đồ sộ đang còn ở phía trước, rất cần có những định hướng, tiêu chí để xây dựng và phát triển.

Các bạn trẻ sinh hoạt nhóm ở công viên 30-4, Q.1, TP.HCM ngoài trao đổi, tranh luận việc học tập, còn cùng nhau kết hoa văn bút chì làm kỷ vật lưu niệm để bán lấy kinh phí giúp đỡ các em học sinh nghèo ở ngoại thành - Ảnh: Tự Trung

Mỗi thành phố phải có triết lý của mình để tồn tại và phát triển một cách hài hòa nhất. Nói triết lý cho có tính khái quát và tổng hợp hơn, thật ra chỉ là những tiêu chí rất cụ thể, rõ ràng để xây dựng và phát triển thành phố.

Trước đây thành phố từng nêu tiêu chí: văn minh, hiện đại và bản sắc. Đến giai đoạn này, nhiều người có ý kiến nên thêm vào vài tiêu chí nữa là “nghĩa tình” và “đáng sống”, còn từ “bản sắc” thì không được nhắc tới nhiều.

Theo tôi, bản sắc của một thành phố không thể thiếu được. Thành phố càng hiện đại, càng văn minh càng rất dễ rơi vào những trạng thái giống nhau.

Nếu TP.HCM và Hà Nội cũng nhà cao tầng, cũng đường trên cao dưới thấp rộng thênh thang, xe cộ bóng loáng, nào siêu thị, nào showroom... thì có khác gì Singapore, Seoul, Thượng Hải...?

Thành phố mình vui hơn, nhộn nhịp hơn, sống động hơn rất nhiều. Nhiều người nói nó hơi tạp nham, không quy luật gì cho lắm... cũng có phần đúng, bởi vì nó có cái “quy luật riêng” của nó. Cái riêng đó do trời đất ban tặng, do con người và lịch sử nơi đây tạo nên.

Phố phường và chợ truyền thống là một cơ cấu đô thị rất riêng của Việt Nam. Vỉa hè hơi luôm nhuôm thật đấy, nhưng tại đây là cả một cuộc sống sôi động mà chỉ có ở mình mới có như thế.

Chỉ cần ta biết khắc phục bớt đi những cái luôm nhuôm và biết phát huy cái hay của nó thì chúng ta sẽ có nhiều cái rất riêng của mình.

Thế giới càng hiện đại, càng “phẳng” bao nhiêu thì càng phải có những cái riêng bấy nhiêu. Cái riêng tạo sự hấp dẫn cho nơi này. Phải có cái riêng đó thế giới này mới đầy màu sắc.

Du lịch ngày càng phát triển chính vì người ta chán ngấy các thứ giống nhau rồi, người ta muốn tìm đến những cái riêng biệt khác nhau. Đó chính là vấn đề bản sắc.

Nghĩa tình - khái niệm này rất hay và có lẽ chỉ ở Việt Nam ta mới có. Người Việt Nam sống rất chân tình cởi mở, rất vị tha, không có hận thù dai dẳng, không bị những gì xảy ra trong quá khứ ám ảnh để nhìn tới phía trước, nhìn về tương lai.

Người Việt Nam biết thương yêu nhau, tối lửa tắt đèn có nhau và khi đã hội nhập với thế giới thì cái nghĩa tình ấy không còn đóng khung trong riêng đất nước mình nữa. Rất nhiều người nước ngoài “cảm” Việt Nam bởi hai chữ nghĩa tình đó.

Đặc biệt ở TP.HCM, nghĩa tình được thể hiện rất sâu đậm, rất rõ ràng, đã thể hiện đầy đủ tính nhân văn cao cả của người Việt Nam.

Tôi muốn thêm từ “bình yên” vào cái triết lý sống của thành phố chúng ta. Thế giới ngày nay khủng bố rình rập, bom nổ khắp nơi, nhà cháy nổ, cướp bóc, dịch bệnh tràn lan... uy hiếp đến cuộc sống của con người.

Hơn lúc nào hết nhân loại cần sự bình yên, “...bình yên để đóa hoa ra chào, bình yên để trăng cao...” như câu hát của nhạc sĩ Trần Tiến đã viết.

Một nơi đã rất văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, đầy nghĩa tình và bình yên thì nơi ấy quả là đáng sống rồi.

Cái triết lý như đã trình bày ở trên có thể coi như triết lý sống của những thành phố Việt Nam nói chung dù lớn hay nhỏ, nhưng riêng đối với TP.HCM thì có đủ tiềm lực và điều kiện để thực hiện hơn cả.

Nên để chính người dân đánh giá

Theo báo cáo thường niên về xếp hạng các thành phố đáng sống toàn cầu năm 2015 do Economist Intelligence Unit (EIU), đơn vị nghiên cứu kinh tế thuộc tạp chí The Economist công bố, thành phố Melbourne của Úc đứng đầu.

Tiếp đó là thủ đô Vienna của Áo, thành phố Vancouver và Toronto của Canada lần lượt đứng thứ ba và thứ tư.

Theo CBC, đây là năm thứ năm thành phố Melbourne giữ ngôi đầu. Trước đó, thành phố Vancouver thống lĩnh vị trí đó trong suốt gần một thập kỷ.

Để có được danh sách xếp hạng này, EIU đã so sánh 140 thành phố dựa trên 30 tiêu chí được chia theo năm hạng mục: tính ổn định, cơ sở hạ tầng, giáo dục, hệ thống y tế và môi trường.

Những dữ liệu liên quan để làm căn cứ xem xét do các cơ quan tổ chức như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp.

Cũng có ý kiến của một số chuyên gia cho rằng cách đánh giá chủ yếu dựa trên thông tin do những tổ chức quốc tế cung cấp là chưa thỏa đáng.

Ví như ý kiến của chuyên gia Carolyn Ray, giám đốc điều hành một công ty tư vấn thương hiệu của Canada: “Tôi nghĩ công cụ để đánh giá tính đáng sống của một thành phố phải đến từ chính những người dân sống trong các thành phố ấy”.

D.KIM THOA

KTS LƯU TRỌNG HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên