22/01/2022 08:14 GMT+7

Tin sáng 22-1: Nhiều biến chứng lạ 'hậu COVID-19'; 20,9% ca mắc và 82% ca tử vong là người trên 50

L.ANH - X.MAI - TTXVN
L.ANH - X.MAI - TTXVN

TTO - Có tới gần 82% số ca tử vong từ đầu vụ dịch là ở nhóm trên 50 tuổi, một tỉ lệ lớn trong số này chưa tiêm vắc xin.

Tin sáng 22-1: Nhiều biến chứng lạ hậu COVID-19; 20,9% ca mắc và 82% ca tử vong là người trên 50 - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin COVID-19 tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, người cao tuổi là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do sức khỏe thể chất suy giảm và phần lớn người cao tuổi mắc nhiều bệnh nền.

Theo báo cáo tình hình dịch COVID-19 và kết quả triển khai các biện pháp phòng, chống dịch năm 2021 của Bộ Y tế, trong đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27-4-2021), tỉ lệ người trên 50 tuổi mắc COVID-19 là 20,9% và 81,76% trường hợp tử vong là ở độ tuổi này.

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Tính đến nay, cả nước đã tiêm hơn 173 triệu liều vắc xin, trong đó mũi 1 là hơn 78 triệu liều, mũi 2 là hơn 73 triệu liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là hơn 21 triệu liều.

Tin sáng 22-1: Nhiều biến chứng lạ hậu COVID-19; 20,9% ca mắc và 82% ca tử vong là người trên 50 - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đảm bảo khám chữa bệnh, cấp cứu và chống dịch COVID-19 dịp Tết

Để bảo đảm tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong dịp Tết, ngày 21-1, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị các đơn vị chỉ đạo, thực hiện tốt việc bảo đảm thường trực 4 cấp gồm: trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ.

Cục này yêu cầu các đơn vị có kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh và sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết.

Bên cạnh chủ động đối phó với dịch bệnh, đặc biệt dịch COVID-19, tai nạn, ngộ độc, cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra, các đơn vị tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và ngành y tế về phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời xây dựng phương án thường trực dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, oxy, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng, chống dịch.

Đặc biệt, các đơn vị tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh như dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm.

Tất cả người bệnh phải được cấp cứu, khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa, cơ sở y tế cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.

Tin sáng 22-1: Nhiều biến chứng lạ hậu COVID-19; 20,9% ca mắc và 82% ca tử vong là người trên 50 - Ảnh 3.

Y, bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM) hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu hậu COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhiều biến chứng lạ "hậu COVID"

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, thành viên nhóm bác sĩ quân y chăm sóc F0 từ xa, cho biết khoảng 2 tuần trước, mỗi ngày bác sĩ tiếp nhận thông tin và tư vấn cho từ 100-150 F0. Tuy nhiên những ngày gần đây, số lượng F0 gọi đến đã giảm, mỗi ngày còn dưới 50 ca và rất nhiều F0 báo tin đã âm tính.

Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng cũng cảnh báo có nhiều di chứng "hậu COVID" khá mới, trong đó có triệu chứng "sương mù não" đang còn là một bí ẩn với giới y khoa và triệu chứng rất đa dạng.

"Tình trạng sương mù não hậu COVID dường như hay gặp trên bệnh nhân trung niên có bệnh nền là tiểu đường, tăng huyết áp" - bác sĩ Hoàng cho biết.

Ngoài các biểu hiện hay gặp như giảm tập trung, giảm độ minh mẫn khi làm việc, suy giảm trí nhớ, nặng đầu, váng đầu, chóng mặt, mất ngủ, rối loạn tâm lý, rối loạn cảm giác, rối loạn vận động, thì người gặp biến chứng này còn thấy nhiều triệu chứng toàn thân khác như tim đập nhanh, hồi hộp, phổi đôi lúc thấy khó thở, chân tay run...

Ngoài ra, các triệu chứng hậu COVID cũng có thể gặp ở người mắc COVID-19 thể nhẹ, tức khi là F0 thì tình trạng rất nhẹ nhàng, nhưng sau khi âm tính rồi thì sức khỏe kém đi nhiều.

Tin sáng 22-1: Nhiều biến chứng lạ hậu COVID-19; 20,9% ca mắc và 82% ca tử vong là người trên 50 - Ảnh 4.

F0 điều trị tại Bệnh viện dã chiến Phú Nhuận số 01, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khu vực Tây Nam Bộ: Số mắc giảm nhiều nhưng số tử vong chưa giảm

Số mắc COVID-19 tại khu vực Tây Nam Bộ đã giảm nhiều trong tháng 1-2022 và chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với tháng 11-2021.

Tuy nhiên số ca tử vong tại khu vực này không giảm, ngày 21-1 có tỉnh trong khu vực ghi nhận 263 ca mắc nhưng có tới 13 ca tử vong.

Tính chung khu vực Tây Nam Bộ hiện số mắc đang xếp ở tốp cuối nhưng số tử vong lại xếp tốp đầu cả nước.

Tin sáng 22-1: Nhiều biến chứng lạ hậu COVID-19; 20,9% ca mắc và 82% ca tử vong là người trên 50 - Ảnh 5.

Nhiều địa điểm tại Hà Nội bị phong tỏa khi phát hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

- Hà Nội ngày 21-1 ghi nhận 2.805 ca COVID-19 mới, trong đó có 622 ca cộng đồng. Toàn thành phố có hơn 65.000 F0 đang điều trị. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm (122); Hoàng Mai (112); Đống Đa (106); Thanh Trì (98); Bắc Từ Liêm (95); Nam Từ Liêm (93).

Từ ngày 29-4 đến nay Hà Nội ghi nhận 105.861 ca với 425 ca tử vong. 3 ngày gần đây, số ca tử vong do COVID-19 ở Hà Nội ghi nhận 16-23 ca/ngày. Hiện toàn thành phố có 65.185 F0 đang được điều trị và cách ly.

- Sơn La vừa ghi nhận thêm 99 ca COVID-19. Từ ngày 5-10-2021 đến ngày 21-1-2022, Sơn La đã phát hiện 2.796 ca COVID-19. Hiện toàn tỉnh có 14.873 người đang theo dõi, cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tập trung, cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe cộng đồng.

- Thời gian qua, Hải Dương ghi nhận hàng trăm ca COVID-19 mỗi ngày và chưa có dấu hiệu giảm. Ngày 21-1, Hải Dương tiếp tục có 341 ca COVID-19. Trong ngày có thêm 1 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong.

- Tối 21-1, Hà Nam công bố thêm 129 ca COVID-19, trong đó có 93 F0 được phát hiện thông qua sàng lọc y tế. Từ đầu tháng 1-2022 đến nay, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, mỗi ngày ghi nhận từ 50 đến 100 ca mắc mới. Lũy kế trong đợt dịch mới từ ngày 19-9 đến nay, tỉnh Hà Nam ghi nhận 4.297 ca COVID-19.

- Từ 18h30 ngày 21-1, Hải Phòng đã hạ cấp độ dịch xuống nhóm 2 - vùng vàng và chỉ còn 4 xã, phường vẫn trong vùng đỏ. Tính đến 18h ngày 21-1-2022, Hải Phòng ghi nhận thêm 749 F0 mới, trong đó 50 trường hợp F1, 661 người tự đi làm xét nghiệm, 30 người sàng lọc tại công ty thuộc các khu công nghiệp của An Dương và Thủy Nguyên, còn lại là test nhanh dương tính.

Tin COVID-19 chiều 21-1: Đã có 133 ca mắc chủng Omicron, TP.HCM số ca tử vong dưới 10 Tin COVID-19 chiều 21-1: Đã có 133 ca mắc chủng Omicron, TP.HCM số ca tử vong dưới 10

TTO - Bản tin chiều 21-1 của Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận 15.935 ca mắc mới. Đáng chú ý, số tử vong của TP.HCM giảm dưới 10 ca, là con số thấp nhất tính từ tháng 8-2021 đến nay.

L.ANH - X.MAI - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên