13/06/2017 13:00 GMT+7

Tiếng nước tôi: Khi nào cần 'xin' và khi nào thì 'được'

TRƯỜNG LÂN
TRƯỜNG LÂN

TTO - Thói quen dùng từ xin và được trước các câu nói, phổ biến đặc biệt trên trên truyền hình đã khiến cho những người yêu tiếng Việt phải thắc mắc, rằng dùng 'kính ngữ' trong nhiều trường hợp, có cần thiết?

*** Error ***

1. Dự tiệc cưới ở nhà hàng, tôi ngồi cạnh một phụ nữ nước ngoài biết tiếng Việt. Chị thắc mắc tại sao người dẫn chương trình nói “Xin được cảm ơn đã chọn nhà hàng chúng tôi và hân hạnh được phục vụ quý khách” thay vì “Cảm ơn đã chọn nhà hàng chúng tôi và hân hạnh phục vụ quý khách”. 

Thắc mắc này có hợp lý không?

Từ xin dùng trong câu cầu khiến giúp biểu đạt một sắc thái nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn “xin giữ yên lặng” ít mệnh lệnh hơn so với “hãy giữ yên lặng”.

“Xin đời sống cho tôi mượn tiếng” (Bài Không tên số 1, Vũ Thành An, 1965) là cách diễn đạt thi vị của: đời sống ơi, hãy cho tôi mượn tiếng.

Trong khi ấy, cảm ơn là hành động lịch sự do chủ thể thực hiện hướng đến người đối thoại nên có thể không cần từ xin kèm theo.

Tuy nhiên, ta vẫn thường gặp cách nói “xin cảm ơn”. Bài thơ Còn chút gì để nhớ được Vũ Hữu Định (1942-1981) sáng tác năm 1970 có câu “xin cảm ơn thành phố có em / xin cảm ơn một mái tóc mềm”.

Hai câu này có thể hiểu là: cho phép tôi cảm ơn thành phố vì có em đang sống, cho phép tôi cảm ơn mái tóc của em. Người cảm ơn (vốn là “anh khách lạ”, chưa hề quen “em Pleiku má đỏ môi hồng”) đã xin phép vì muốn làm giảm sự đường đột.

Như vậy “xin cảm ơn” không còn nghĩa cầu khiến “hãy cảm ơn”, mà diễn đạt sự dè dặt, thận trọng, nhún nhường.

Tương tự, “xin giới thiệu”, “xin có ý kiến”... không có nghĩa là “hãy giới thiệu”, “hãy có ý kiến”... mà có nghĩa “cho phép tôi giới thiệu”, “cho phép tôi có ý kiến”.

2. Khi nhà hàng cảm ơn và phục vụ, thực khách là người được cảm ơn và được phục vụ. Trong trường hợp này, được diễn tả mối quan hệ bị động - chủ động giữa khách thể và chủ thể.

Chị người nước ngoài có lý khi đề nghị bỏ từ được trong câu nói của người dẫn chương trình.

Có ý kiến cho rằng “được đi học”, “được ăn ngon”... là nói tắt của “được cử đi học”, “được phục vụ món ăn ngon”...

Trong cách nói này, “được” nhấn mạnh khía cạnh vinh hạnh hoặc quyền lợi xét theo góc nhìn của chủ thể.

Do đó có thể hiểu “được phục vụ quý khách” là “được chọn để phục vụ quý khách”. Cách hiểu này còn gây tranh cãi vì có thể nhầm với quan hệ bị động - chủ động, nhất là khi đối tượng của hành động chưa được xác định.

3. Trong các trường hợp trên, từ xin trong xin cảm ơn đã thay đổi hàm nghĩa và có thể bỏ đi, từ được trong được cảm ơn có thể gây hiểu lầm. Tuy nhiên, việc dùng tùy tiện xin, được có xu hướng gia tăng trên các chương trình truyền hình.

Trong Gương mặt thân quen 2017 tập 3 phát trên sóng VTV3 ngày 27-5, người dẫn chương trình mở đầu bằng: “Xin được chào đón tất cả quý vị khán giả đang đến với chương trình Gương mặt thân quen 2017!”

Ta có thể bỏ cụm từ xin được trong câu này mà vẫn không làm ảnh hưởng đến nội dung cần diễn đạt.

Trong lễ tôn vinh Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam 2016 phát trên sóng VTC16 ngày 10-7-2016, một trong hai người dẫn chương trình nói:

“Thay mặt ban tổ chức, chúng tôi xin được công bố danh sách top 100 thương hiệu, sản phẩm đạt danh hiệu thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2016” và “Chúng tôi xin được trân trọng kính mời...”.

Ta có thể thay xin được bằng trân trọng trong câu đầu và bỏ hẳn xin được trong câu sau.

Cân nhắc việc dùng các từ xin được cũng là một cách trân trọng tiếng Việt vậy.

TRƯỜNG LÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên