26/01/2005 00:36 GMT+7

Tiềm ẩn nguy cơ tái "tranh tre nứa lá"!

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TT - Trong các ngày từ 20 đến 23-1, đoàn kiểm tra liên bộ GD-ĐT, Tài chính và Kế hoạch - đầu tư đã đến hai tỉnh An Giang và Kiên Giang để kiểm tra việc thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học.

7pHe6yku.jpgPhóng to
Ở Kiên Giang vẫn còn nhiều phòng học tạm bợ và lộng gió như thế này! - Ảnh: M.G.
TT - Trong các ngày từ 20 đến 23-1, đoàn kiểm tra liên bộ GD-ĐT, Tài chính và Kế hoạch - đầu tư đã đến hai tỉnh An Giang và Kiên Giang để kiểm tra việc thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học.

Nhiều đề xuất, kiến nghị và cả các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đã được các địa phương cùng đoàn kiểm tra trao đổi, bàn bạc. Thế nhưng, theo ghi nhận từ thực tế, khi chương trình này chưa hoàn thành (theo kế hoạch là 2005) thì ở hầu hết các địa phương lại tiềm ẩn nguy cơ... tái “tranh tre nứa lá”!

Những phòng học... lộng gió!

Trường tiểu học Hòa Thuận 4 (Giồng Riềng, Kiên Giang) có sáu điểm trường với 13 phòng học, trong đó có bốn phòng tranh tre lá. Các thanh gỗ nhỏ buộc lại thành từng ô vuông để làm tường, thậm chí có phòng còn không có cả tường, trống huơ trống hoác. Mái nhà lợp bằng lá dừa nước, nền đất ẩm ướt, bên cạnh là một bãi sình lầy đầy rác rưởi.

Đã nhiều năm nay học sinh ở đây phải học với cảnh “mưa ướt, nắng nóng” như thế, nhất là vào mùa mưa nước dột khắp nơi, nhà trường phải lấy những tấm bạt căng dưới mái nhà để HS học tạm. “Năm nào cũng đề nghị xây mới nhưng năm nay mới được tiến hành” - ông Huỳnh Ngọc Thọ, hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

Cùng cảnh ngộ là Trường tiểu học Minh Hòa 1 (Châu Thành, Kiên Giang). Dù mái nhà được lợp tôn nhưng sự “tiêu điều” thì phải được xếp vào bậc nhất. Trường không có bảng hiệu, với bốn phòng thì cả bốn đều không có tường bao một mặt, ba mặt còn lại thì tạm bợ, tôn có, gỗ có và lá cũng có nốt, “nửa kín nửa hở”!

Thậm chí hai phòng sát mặt đường, từ trong phòng, HS có thể nhìn xuyên từ phòng này qua phòng kia và nhìn xuyên ra đường vì tất cả đều lộng gió! “Mưa lớn là HS phải nghỉ học, giáo viên bữa nào phải mặc áo dài đi dạy là một cực hình vì rất lầy lội”, ông Dương Quốc Dũng - giám đốc ban quản lý dự án huyện Châu Thành - tâm sự. Bây giờ thì sự lầy lội đã đỡ đôi chút (trường nằm trong khu qui hoạch cụm dân cư vượt lũ xã Minh Hòa nên được nâng mặt nền lên cao), sáu phòng học mới cũng sắp đưa vào sử dụng, nhưng trước mắt HS vẫn phải học trong những phòng học “độc nhất vô nhị” như thế.

Theo thống kê 8-2002, cả nước có 59.572 phòng học ca ba và tre lá cần được kiên cố. Đến nay đã hoàn thành 24.435 phòng. Hiện vẫn còn trên 40.000 phòng đang xuống cấp trầm trọng cần kiên cố và hằng ngày lại phát sinh không ít phòng tranh tre lá, ca ba.

Trong khi đó, mặc dù đã xóa phòng học ca ba và tre lá từ năm 2002 nhưng hầu hết phòng học trong diện kiên cố của An Giang đều trong tình trạng xiêu vẹo, xuống cấp trầm trọng mà tiêu biểu là Trường tiểu học B Văn Mỹ (huyện Chợ Mới). Theo ông Nguyễn Ngọc Tòng, hiệu trưởng nhà trường, hầu hết phòng học đều được xây dựng từ trước năm 1975 (tường gạch và gỗ, mái tôn).

Sáu phòng trong diện kiên cố đã bị “bỏ hoang” từ đầu năm học vì tường bị nứt, xiêu vẹo chỉ chực chờ sập. Thậm chí một cây cột ngoài mái hiên ở một dãy phòng khác đã gãy đổ khiến một người bị thương phải đưa đi bệnh viện. Nhà trường đã phải thay thế 4/8 cột xây gạch bằng cây gỗ tạm thời.

Vừa chạy vừa... thở!

Theo báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8-2002, toàn tỉnh Kiên Giang có 1.306 phòng, trong đó có 38 phòng học ba ca và 1.268 phòng học tạm, tranh tre nứa lá cần được kiên cố. Trong khi đó số phòng cần kiên cố ở An Giang là 968 phòng. Qua 2/3 thời gian thực hiện chương trình, Kiên Giang chỉ mới hoàn thành 628 phòng, tức chưa đến 50% số phòng cần kiên cố, An Giang là 150 phòng, chỉ đạt 15,5%! Nhiều huyện ở An Giang như Phú Tân, Châu Phú chưa có phòng nào hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tỉ lệ giải ngân vốn so với số vốn trung ương hỗ trợ của An Giang chỉ đạt 61,2%, thấp hơn mức trung bình chung của ĐBSCL là 74,8%.

Theo một cán bộ Sở Tài nguyên - môi trường Kiên Giang, sở dĩ tiến độ chậm là do việc bàn giao mặt bằng chậm, người dân không đồng ý với mức bồi thường của địa phương nên khiếu nại, khiếu kiện triền miên. Mặt bằng cũng là một vấn đề nan giải với An Giang. Là một trong ba tỉnh nằm trong vùng rốn lũ của ĐBSCL, việc san lấp mặt bằng phải tiêu tốn một khoản chi phí khá lớn khiến giá thành của các phòng học tăng cao.

Bên cạnh đó, “việc chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng cũng còn chậm, năng lực của các ban quản lý dự án còn yếu, mất thời gian điều chỉnh thiết kế mẫu, biến động giá vật tư cũng làm tiến độ thực hiện chậm lại” - ông Lê Minh Tùng, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trưởng ban chỉ đạo chương trình, nhìn nhận.

Chưa kể định suất đầu tư của trung ương quá thấp so với chi phí thực tế ở các địa phương và đó cũng được coi là nguyên nhân chính khiến các địa phương vừa chạy vừa thở. Theo thống kê của Ban quản lý tỉnh Kiên Giang, giá thành bình quân một phòng đúng theo thiết kế mẫu là 163 triệu đồng trong khi mức đầu tư của trung ương chỉ khoảng 65 triệu đồng/phòng, Kiên Giang là 48 triệu đồng/phòng trong khi chi phí thực tế là 130 triệu đồng/phòng.

Và trong khi chương trình kiên cố chưa hoàn thành thì theo báo cáo của Kiên Giang, số phòng phát sinh sau báo cáo 8-2002 là 105 phòng, trong đó có 28 phòng tranh tre lá và 77 phòng học nhờ. Đó là chưa kể hiện Kiên Giang còn 2.555 phòng học xuống cấp đang hằng ngày phát sinh ba ca và tranh tre lá nếu không đầu tư xây dựng, thay thế kịp thời.

Bà Văn Ngọc Trinh, phó giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, cũng cho biết số lượng phòng phát sinh sau thống kê 8-2002 là 340 phòng. Hiện các phòng này đã xuống cấp trầm trọng, tỉnh đã xin bổ sung vào danh sách kiên cố nhưng chưa được chấp thuận. Và như thế ngân sách cho việc kiên cố, xây dựng mới sẽ lại tốn kém hơn và nguy cơ vẫn hằng ngày treo lơ lửng trên đầu HS.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên