12/01/2014 08:13 GMT+7

Tỉ phú... đói

TRÀ GIANG ghi
TRÀ GIANG ghi

TT - Ông đã trải qua những giai đoạn khốc liệt của chiến tranh, ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nhưng chưa bao giờ chùn bước.

Ấy vậy mà nhìn cảnh nhà nghèo đói, con bỏ học đi làm thuê, trong khi tiền tỉ của gia đình ông đang bị “giam” tại ngân hàng, nước mắt ông cứ chảy ngược vào trong.

KGMkJ8OZ.jpgPhóng to
Làm việc với huyện Đức Phổ, gương mặt ông Phạm Thanh Hải tỏ rõ nỗi buồn - Ảnh: Trà Giang

"Tiền đền bù ai cho tạm ứng? Tiền đền bù cho ông Hải hơn 1,2 tỉ đồng vẫn còn ở trong ngân hàng"

(phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi)

Trong căn nhà cũ kỹ, xập xệ, ẩm thấp, chẳng có vật dụng gì đáng giá, ông Phạm Thanh Hải (ở thôn La Vân, Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) kể:

13 tuổi, quần đùi, ở trần với mái tóc cháy nắng vàng hoe, khét lẹt, tôi theo cách mạng làm du kích, cùng đám bạn chăn trâu, cắt cỏ vừa chơi những trò chơi “vớ vẩn” vừa thám thính tình hình quân địch để về báo cho tổ chức, cấp trên.

Năm tháng thoi đưa, khi đã đủ lớn, tôi xin cấp trên cho tham gia trực tiếp đánh trận. Tôi đã được Nhà nước hai lần phong tặng dũng sĩ diệt Mỹ.

Chiến tranh qua đi, đất nước hòa bình, thống nhất, dù đã trải qua lớp đào tạo cán bộ nguồn của Ban Thống nhất miền Nam, nhưng tôi xin về để gắn bó với mảnh đất quê hương.

Tôi kết hôn, sáu đứa con ra đời, vợ chồng làm lụng đầu tắt mặt tối, chắt chiu từng đồng chi tiêu và nuôi con ăn học nhưng cuộc sống vẫn quá đỗi khó khăn. Nếu cứ bám cây lúa thì đói dài, phải liều để tìm hướng làm ăn khấm khá.

Thập niên 1990, địa phương khuyến khích người dân trồng cây gây rừng, tôi tham gia khai hoang, vỡ hóa tại hang Núi Cọp để trồng cây gây rừng, trồng khoai mì, đậu phộng, bắp, khoai lang, lúa và nuôi bò để tăng thêm thu nhập nuôi các con khôn lớn.

Năm 2008, tôi được huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích gần 9ha. Mừng quá, tôi cầm về mà không xem kỹ nên không biết “giấy đỏ” chỉ công nhận đất của tôi là “đất rừng sản xuất” mà không có các loại đất bằng trồng cây hằng năm, đất trồng lúa nước và đất trồng cây lâu năm như hiện trạng.

Năm 2011, huyện Đức Phổ thu hồi đất để xây dựng hồ chứa nước Cây Xoài và áp giá đền bù cho những hộ dân có diện tích đất nằm trong dự án. Các hộ dân không có giấy được đền bù theo hiện trạng đất thực tế đang sử dụng, chỉ mỗi gia đình tôi có “giấy đỏ” lại bị đền bù mức giá thấp theo đất rừng sản xuất.

Thấy việc đền bù không thỏa đáng, tôi gửi đơn khiếu nại. Ba năm ròng rã theo kiện, không đất sản xuất, không có tiền trang trải cuộc sống, ba trong sáu đứa con tôi phải bỏ học đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Đứa con út học lớp 5, bị bệnh tim bẩm sinh mà không có tiền chữa trị.

Vợ chồng tôi chạy đôn đáo khắp nơi vay mượn, trâu bò, heo gà cũng lần lượt “đội nón” ra đi mà vẫn không đủ tiền cho cháu chữa bệnh.

Để có tiền trang trải cuộc sống, tôi đã xin tạm ứng một ít tiền đền bù nhưng Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đức Phổ không chấp thuận. Mỗi lần nhắc tới chuyện này là tôi lại chảy nước mắt.

Không có tiền, con gái đầu của tôi xin bảo lưu kết quả học tập nhưng đã quá hai năm nên nhà trường không cho học nữa.

Hai đứa khác thì nghỉ học đi làm công nhân để kiếm tiền gửi về cha mẹ mua thuốc cho em. Bác sĩ bảo phải tốn cả trăm triệu đồng mới mổ tim được, số tiền lớn quá!

Nhiều lần làm việc, nhiều lần nghe ý kiến phản ảnh và nhiều lần nhận đơn cầu cứu của tôi, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có chỉ đạo huyện Đức Phổ giải quyết.

Gần đây nhất, tháng 9-2013, phòng tiếp công dân của UBND tỉnh Quảng Ngãi ra thông báo kết luận của ông Phạm Trường Thọ, phó chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu UBND huyện Đức Phổ giải quyết vụ việc, đồng thời giao UBND huyện Đức Phổ chỉ đạo, hướng dẫn tôi thực hiện thủ tục tạm ứng tiền để kịp thời giải quyết khó khăn trước mắt, thế nhưng vụ việc vẫn không được giải quyết.

Chỉ mới làm xong khâu hoàn tất hồ sơ

Từ ngày 31-10-2011, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn đề nghị UBND huyện Đức Phổ xem xét, giải quyết vụ việc và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-11-2011.

Ngày 19-3-2012, việc đo đạc và phân loại đất thực tế của ông bà Phạm Thanh Hải được tiến hành. Theo kết quả từ Trung tâm Trắc địa và quan trắc môi trường tỉnh Quảng Ngãi thì ông Hải có tất cả 37 thửa đất với tổng diện tích gần 9ha, gồm có bốn loại đất: đất rừng sản xuất, đất bằng trồng cây hằng năm, đất trồng lúa nước và đất trồng cây lâu năm. Trong đó, diện tích nằm trong quy hoạch dự án hồ chứa nước gần 4,7ha.

Ngày 21-5-2012, UBND huyện Đức Phổ ra thông báo kết luận của chủ tịch UBND huyện, thống nhất đề nghị UBND tỉnh đồng ý cơ chế bồi thường theo thực tế sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi của ông Hải.

Tháng 8-2012, Sở TN-MT đã có công văn thống nhất với ý kiến đề xuất, bồi thường, hỗ trợ theo hiện trạng sử dụng đất của UBND huyện Đức Phổ.

Ông Lê Văn Mùi - chủ tịch UBND huyện Đức Phổ - thừa nhận mặc dù ông đã tích cực chỉ đạo, nhưng vì vướng mắc ở khâu chờ điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng trên phạm vi toàn tỉnh nên dẫn đến sự việc kéo dài.

Dù ông Mùi cho biết sẽ giải quyết xong vụ việc của ông Hải trong tháng 12-2013 nhưng đã qua 10 ngày đầu tháng 1-2014, huyện vẫn chỉ mới làm xong khâu... hoàn tất hồ sơ đền bù!

TRÀ GIANG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên