20/08/2014 07:39 GMT+7

Thương xá Tax di dời, tiểu thương "chết đứng"

HỒNG QUÝ - DŨNG TUẤN
HỒNG QUÝ - DŨNG TUẤN

TT - Việc thương xá Tax thông báo kết thúc hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh tại đây trước ngày 1-10 đã khiến các tiểu thương than “chết đứng”.

​Buôn bán ế ẩm vì rào chắn xây nhà ga metro
Xây nhà ga metro Bình Thái
Khu trung tâm TP.HCM có 3 nhà ga metro

Phóng to
Khu vực bán đồ lưu niệm thủ công mỹ nghệ trong thương xá Tax đìu hiu khách mua dù giảm giá (ảnh chụp chiều 19-8) - Ảnh: Quang Định

Trong khi đó, khu vực kinh doanh trên đường Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) bị ảnh hưởng bởi việc xây nhà ga metro cũng kêu trời khi việc kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trở tay không kịp

Di dời đúng mùa làm ăn

Các tiểu thương tại thương xá Tax cho rằng thường dịp gần Tết dương lịch là mùa cao điểm buôn bán trong năm, khi du khách nước ngoài nghỉ lễ Halloween, Giáng sinh và năm mới nên đây là dịp bán được nhiều hàng nhất. Song thời điểm họ phải di dời lại đúng dịp này làm họ “chết đứng”!

Ngồi giữa ba gian đồ thủ công mỹ nghệ trên lầu 3 thương xá Tax, ông Đoàn Văn Phùng, chủ của các gian hàng này, rầu rĩ.

“Theo hợp đồng đã ký, đến cuối năm 2014 mới hết hạn hợp đồng thuê mặt bằng. Việc đơn vị chủ quản của Tax là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên (SATRA) cách đây hai tuần bất ngờ thông báo phải dọn dẹp trả mặt bằng trước ngày 1-10 khiến tôi trở tay không kịp. Đáng ra phải báo trước ba tháng theo như thỏa thuận trong hợp đồng thì chúng tôi mới xoay trở kịp, để không nhập thêm hàng” - ông Phùng nói.

Ông cho biết lượng hàng cả cũ và mới của ông rất lớn, không sao xử lý kịp theo thời hạn Tax đưa ra. “Vừa rồi tôi đã nhập hàng chuẩn bị bán cho mùa cao điểm, đủ bán đến qua tết. Giờ không biết giải quyết sao với số hàng này nữa” - ông nói.

Như ông Phùng, ông Lê Chí Thanh cũng là hộ kinh doanh gắn bó hơn 30 năm tại trung tâm thương mại này. “Cả gia đình, ba mẹ tôi gắn bó với nơi này mấy chục năm nay rồi. Việc di dời chúng tôi ủng hộ, không có gì phàn nàn nhưng đường đột quá, làm sao chúng tôi xoay xở?” - ông Thanh nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - một hộ kinh doanh tại Tax - cho biết sau khi thông báo trả mặt bằng trước hạn, Tax có hỗ trợ hai tháng thuê mặt bằng. “Sự hỗ trợ đó không thấm tháp gì so với mất mát quá lớn của chúng tôi khi được thông báo quá gấp gáp” - bà nói.

Hầu hết tiểu thương tại Tax cho biết trước dự án công cộng to lớn như xây dựng metro, họ chấp nhận dời đi nơi khác, song chỉ muốn có thêm thời gian thu xếp.

“Nguyện vọng của chúng tôi giờ chỉ là được ở đây thực hiện cho hết hợp đồng năm 2014, bán được hết qua mùa giáp tết để phần nào giảm bớt thiệt hại, thu xếp cho những ngày làm ăn phía trước” - bà Đoàn Thị Dung, chủ một quầy hàng lưu niệm, nói.

Phóng to
Khu vực thương xá Tax đang được rào chắn để thi công công trình tháp thông gió ga nhà hát thành phố của tuyến metro số 1 (ảnh chụp sáng 19-8) - Ảnh: T.T.D.

Doanh số tuột dốc

Giữ gìn thương hiệu

Các tiểu thương tại lầu 3 thương xá Tax cho biết họ sẽ cố gắng giữ thương hiệu thương xá Tax bằng cách rủ nhau cùng kinh doanh tại một địa điểm mới khi có cơ hội.

“Chúng tôi sẽ dắt díu nhau đi tìm chỗ mới và sẽ bán cùng nhau để cùng giữ nét đặc trưng của các tiểu thương Tax như mặc áo dài, bán hàng có mặc cả đôi chút với du khách cho vui vẻ cũng như giữ chất lượng hàng hóa và thái độ lịch thiệp” - chị Đoàn Thị Dung, một chủ quầy hàng lưu niệm, nói.

Tương tự với thương xá Tax, buồn bã cũng là tâm lý chung của nhiều tiểu thương kinh doanh quanh khu vực đường Nguyễn Huệ bị ảnh hưởng bởi rào chắn để xây nhà ga metro.

“Đề xuất gì bây giờ? Nhà nước quyết định vậy rồi, chúng tôi đành chịu chứ chẳng biết làm sao cả” - chủ một tiệm mua bán máy ảnh nói.

Theo chủ tiệm này, doanh số đã tuột dốc không kiểm soát được, khách không ai vào. Tuy nhiên, hằng ngày cửa hàng của ông vẫn còn phải nuôi 3-5 thợ, khiến nỗi lo lỗ nặng càng trở nên chồng chất.

Chủ một cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ cho biết cũng như nhiều hộ khác, cửa hàng này xin hỗ trợ giảm trừ từ cơ quan thuế.

“Thấy chi cục thuế bảo phải chờ xin ý kiến của TP, đến bây giờ vẫn chưa có kết quả gì cụ thể” - chủ cửa hàng này nói.

Trong khi đó, cũng nằm trên trục đường Nguyễn Huệ, tiểu thương kinh doanh tại trung tâm thương mại Lucky Plaza cho biết cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi rào chắn bít lối đi, khiến người dân không vào mua sắm.

“Lúc trước, tầm trưa còn có khách hàng ra vào, mua ít nhiều gì cũng được vài món. Nay thì gần như chẳng còn ai có thể buôn bán được gì” - một tiểu thương kinh doanh quần áo tại lầu 2 cho biết.

Bà Thu Huyền, kinh doanh mặt hàng quần áo tại khu vực lầu 2, cho biết sạp của bà đã đóng cửa hơn năm ngày, đến hôm nay 19-8 mới mở. “Đã ế ẩm, khó bán nay còn khó khăn hơn nhiều” - bà Huyền cho hay.

Phóng to
Trong khi đó, khu vực sảnh chính thương xá Tax tập trung hàng ngàn người đến mua sắm hàng giảm giá (ảnh chụp trưa 19-8) - Ảnh: Hữu Khoa

Miễn phí 2 tháng mặt bằng, xin giảm thuế

Ông Trần Sỹ Quý, trưởng phòng kinh doanh thương xá Tax, cho hay theo yêu cầu của UBND TP.HCM, Tax sẽ phải bàn giao mặt bằng khoảng 500m2 phía mặt đường Lê Lợi cho Ban quản lý đường sắt đô thị thi công tháp thông gió của nhà ga metro vào đầu tháng 10.

“Theo tính toán, khi tháo dỡ tòa nhà 39 Lê Lợi thì Tax không thể kinh doanh được do tường rào thi công tuyến metro chỉ còn cách mặt tiền Tax 1,5m nên hầu như không đi được, không chuyển hàng hóa được. Do đó để đảm bảo an toàn, lãnh đạo SATRA đã họp và quyết định đóng cửa Tax từ ngày 1-10” - ông Quý nói.

Ông Quý nói thêm ngoài việc miễn phí tiền thuê mặt bằng hai tháng cuối tại Tax, thương xá còn hỗ trợ các tiểu thương có nhu cầu có thể dời về số C6 Phạm Hùng (quận 8) hoặc siêu thị Sài Gòn (quận 10) để tiếp tục kinh doanh.

Tuy nhiên, các tiểu thương ở đây cho rằng mặt hàng tạo nên thương hiệu Tax với du khách và người dân chủ yếu là hàng lưu niệm, mỹ nghệ. Những mặt hàng này chủ yếu bán được ở trung tâm quận 1, nơi du khách đến thăm nhiều.

“Nếu đưa về quận 8 hay quận 10, hàng của chúng tôi chẳng khác gì củi” - bà Điệp, một chủ quầy tại đây, nói.

Một đại diện khác của Tax (không muốn nêu tên) cho rằng những sự hỗ trợ của Tax là hết sức nhân văn và hoàn toàn tự nguyện. Vị này cho biết chi phí bỏ ra để hỗ trợ không phải là nhỏ.

“Một tháng tiền mặt bằng chúng tôi thu về khoảng 5 tỉ đồng. Giờ miễn phí hai tháng rồi, chúng tôi còn phải bỏ ra chi phí để truyền thông cho khách tới mua hàng giảm giá, tăng chi phí an ninh để bảo đảm an toàn khi khách đông như thế này” - vị này nói.

Đại diện SATRA cho hay đơn vị này đã làm công văn để các tiểu thương ở Tax xin giảm thuế khi làm việc với Cục Thuế quận 1.

HỒNG QUÝ - DŨNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục