12/04/2005 20:39 GMT+7

Thương lắm bữa cơm nhà

Theo Hoa Học Trò
Theo Hoa Học Trò

Dân teen ăn như thế nào? Ăn ngon, món ăn lạ, quán ăn sang, ăn sành điệu? Nhiều dân teen đang quên rằng chuyện ăn không chỉ đơn giản là như vậy!

ZBycS0pJ.jpgPhóng to
Dân teen ăn như thế nào? Ăn ngon, món ăn lạ, quán ăn sang, ăn sành điệu? Nhiều dân teen đang quên rằng chuyện ăn không chỉ đơn giản là như vậy!

Ăn thì chọn những miếng ngon!

“Không, con chẳng ăn món này đâu!” “Con thích ăn món kia cơ!”... Trong thời buổi mà không gì quan trọng bằng sức khỏe của con, con thích ăn gì cứ nói một tiếng, mẹ chiều tất, miễn sao có sức mà đi học, thì đi khắp trăm nhà trong trăm bữa cơm, nghe tiếng nhõng nhẽo ỉ ôi vậy là quá bình thường.

K.Hương (lớp 10, M.C) theo dân gian mình là “rất dễ nuôi, sổ sữa” lắm! Cái khổ ghê gớm và duy nhất là nàng chỉ “nuôi” được bằng đùi gà chiên, mà là đùi gà KFC mới chịu cơ. Tất tật mọi thành tích, việc làm tốt nào ba mẹ muốn thưởng, Hương đều quy đổi ra... đùi gà! Lên hạng: 5 đùi; 10 điểm kiểm tra toán: 2 đùi;... Nghe bảo sắp tới Hương thi TOEFL, ra điều kiện với mẹ nếu trên 500 điểm là nàng có nguyên thùng đùi gà Lotteria!

Tính mỗi cái đùi gà thấp nhất là 15.000đ, mỗi ngày mất gần 100.000đ tiền chợ cho mỗi phần ăn của Hương. Chỉ tội cho mẹ của Hương, mỗi lần nghe ba rầy vì quá chiều con, mẹ Hương cứ thở dài: “Thôi thì lỡ chiều nó hồi đầu, bây giờ chẳng lẽ lại cấm!”.

Không bữa cơm nào ở nhà mà B.Ngọc (lớp 9, V.T.T.) không chê ỏng chê eo, vặn vẹo sao không có món này món kia. Những lúc vậy, mẹ Ngọc lại phải chạy lăng xăng qua hàng ăn kế nhà mua cho Ngọc thứ khác, cuống quýt đi nấu lại, nấu thêm món khác tuỳ theo nhu cầu “phát sinh” bất chợt của cô nàng. Bởi vậy, mỗi bữa ăn nhà Ngọc lần nào cũng kéo dài đến 2 tiếng đồng hồ, cả trong cái lắc đầu ngán ngẩm của ba, và cái thở dài nén lại của bà.

Cũng cái tật "tiểu thư" vậy mà làm khổ N.Tiên (năm 1, N.V.). Đi học quân sự ở Thủ Đức, ăn tập thể, Tiên cứ lắc hết món này, lè lưỡi món kia, ngồi chết dí ở nhà ăn ngậm từng miếng trong khi các bạn ai nấy ăn rào rào, về ngủ hết luôn. Cả tháng trời, Tiên thành "tiểu thư... chôm chôm", đói quá đành phải ăn chôm chôm trừ cơm.

Từ những bữa cơm "ỉ ôi" leo thang thành thói quen, không, phải gọi là thói ích kỷ mới đúng! Cứ vin vào lý do: "Con bận lắm, con ăn nhanh để còn đi học (đi chơi)", để vào bữa cơm, ai cũng nhằm ngay miếng ngon nhất, ăn lấy ăn để rồi phóng biến đi. Chẳng thèm để ý tới cha mẹ, ông bà đã kịp gắp miếng gì chưa. Nếu không vừa miệng thì lại quá dễ: phóng thẳng ra hàng quán, mua ngay thứ gì đấy cho mỗi mình ăn. Hoặc tới giờ hẹn đi chơi là đi, bạn bè rủ ăn là ăn, không cần biết đến giờ cơm gia đình hay chưa.

Nhìn cái cách T.Thanh (lớp 10, N.C.T) hồn nhiên nhai đĩa mì xào giòn rau ráu, trong khi cả nhà đang ăn lại thức cũ hôm trước, thật tình người lớn thì chỉ biết thở dài, còn bạn bè cùng lứa thì lại coi là... bình thường. Vẫn thờ ơ nhìn cả khi bà, mẹ cầm đồ ăn thừa đổ đi mà miệng cứ rầu rầu tiếc rẻ: "Phí của giời quá! Nhà đồ ăn đầy ra đó mà nó vẫn đòi ăn quà!" - thờ ơ như không phải nhận ra rằng mình mới là người cầm tiền bạc ba mẹ đổ thùng rác!

Teen ơi, hãy quí trọng những thức ăn đang nuôi sống mình!

Cứ xem cái cách teen mình đối xử với miếng ăn và cái bao tử thì biết! Sư phụ của "vô tội vạ"!

Người nước ngoài tới VN, tới hàng quán đều lắc đầu ngán ngẩm. Không chỉ là la liệt rác rưởi dưới chân trên bàn, mà cả khả năng "bỏ mứa" thức ăn của chúng ta. Nhiều teen VN ăn gẩy gót từng tẹo một, ăn nửa bỏ nửa để chứng tỏ ta đây "quýstộc". L.Mai (11, L.H.P) nói: "Mấy người ăn vét đĩa sau này khổ lắm, nên ăn gì tui cũng chừa lại hết!".

Nhật là nước có nền kinh tế mạnh thứ hai trên thế giới, thế nhưng người Nhật ăn uống cực kỳ tiết kiệm. Ăn tại quán không hết, dù thừa một chút thức ăn với ít nước sốt, họ cũng không ngần ngại gói về. Nhiều khách du lịch mang về dù chỉ một góc bánh pizza còn thừa, và ngạc nhiên về cách nhiều teen Việt phung phí thức ăn trên bàn. Liệu những người ngoại quốc có cảm thấy tiền đóng thuế của họ được chính phủ dành ra để viện trợ hay cho chúng ta vay là xứng đáng khi thấy chúng ta là những người phung phí ngay cả trong những chuyện nhỏ nhất như ăn uống?

Ăn ngon, nhưng kiến thức khoa học về ăn uống lại hiếm hoi như "vi cá yến sào"

Tạm chia dân teen làm hai phe:

Phe quan niệm "ăn để mà sống - sống để mà ăn tiếp cho... sướng!". Tức cứ thèm là ăn, dù đã no cái bụng, nhưng con mắt đói vẫn cứ ăn. Không thèm coi cái bao tử ra kilogram gì, xem cơ thể cần những chất gì, đã nạp đủ chưa, cần bổ sung thêm gì?

Như T.Trang (12, N.C.T) người bụ bẫm như quả bóng, do suốt ngày Trang chỉ thích ních nước ngọt, kem, đêm ăn mì gói, bánh tráng muối tôm chặt bụng. Thế nhưng cô nàng này vẫn không sao vượt qua nổi con 5 Thể dục, học hành một tí đã thấy oải người hoa cả mắt!

Bệnh béo phì ở tuổi teen từ đó cứ tăng vèo vèo trong khi chỉ số về chiều cao, thể chất ở thanh thiếu niên VN trong 5 năm qua tăng không đáng kể! Đã đến lúc các trường tiểu học và cấp 2 ở Hà Nội và TP.HCM học tập theo mô hình của Singapore - đánh giá chất lượng trường theo tỉ lệ học sinh bị béo phì. Tỉ lệ này càng cao thì chất lượng trường càng thấp, và ngược lại.

Phe còn lại thì quá rõ rồi - những bạn coi thức ăn không là thứ đinh rỉ gì do "mắc ăn kiêng, giảm eo". Hai là do không biết cách sắp xếp thời gian, để mặc chuyện học - chơi, nên bòn rút thời gian ăn, không đủ thời gian ăn mà hầu hết teen đưa ra là vô lý và nguỵ biện cho sự "lười ăn" và "kém biết" của mình. Để rồi thỉnh thoảng sáng Thứ Hai chào cờ, cả trường lại xôn xao khi dăm ba bạn gái xỉu. Nguy cơ hội chứng Hysteria lan truyền do nhịn ăn sáng là rất cao.

Đâu có khó để dành ra 15 phút để ăn sáng mỗi ngày, để chăm sóc sức khoẻ bản thân thêm tí nữa, sao teen mình cứ phải vác lấy những cánh tay gầy guộc, gương mặt xanh xao, bơ phờ để rồi bố mẹ thầy cô lại thắt ruột lại vì lo lắng ?!

Mong lắm những bữa cơm gia đình

Bạn có biết một trong những quảng cáo được đánh giá "nhân văn" nhất là quảng cáo bột ngọt Ajinomoto, nhờ những hình ảnh đề cao bữa cơm gia đình sum vầy được lặp đi lặp lại tăng dần qua từng thế hệ.

Thức ăn hàng quán dù ngon, dù sang trọng đến mấy, vẫn không chia sẻ được với bạn cảm giác ấm cúng khi cùng ngồi ăn với cả nhà cùng bố mẹ, ông bà. Trong khi đó, với cơ cấu thành phần dinh dưỡng của một bữa ăn truyền thống VN gồm canh, nhiều rau (luộc, xào), đồ mặn, kho cùng với cơm, cách chế biến không nhiều dầu, mỡ bơ - được đánh gia là cân đối dinh dưỡng nhất và dễ gia giảm theo nhu cầu dinh dưỡng bản thân.

Cảm giác đầm ấm mong chờ về với những bữa cơm gia đình cũng là điều mà bất kỳ người dân Việt nào cũng mơ tới, dù ở đâu. Không cần như những teen đi du học, nghỉ hè về đến nhà là ăn lấy ăn để những món ăn mà ngày xưa có khi từng hờn lên dỗi xuống không thèm ăn. Như T.Minh (18t, trường N.T.M.K), trùm hàng quán Sài Gòn vẫn phải thốt lên: "Đi ăn tiệm riết, tự nhiên một hôm ế show, quay về nhà ăn cơm, được thấy nồi cơm nóng, được mẹ gắp cho một miếng, lại được bà "Ăn thêm đi con"..., vậy thôi mà thấy món ăn ngon lạ lùng. Và có cảm giác gì tiêng tiếc... Lâu nay sao lại vô tâm bỏ quên nó?!".

Theo Hoa Học Trò
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên