21/02/2016 11:57 GMT+7

Thực hiện 7 giải pháp này sẽ giảm tội phạm, ăn xin?

D.NGỌC HÀ - VŨ THỦY - TIẾN LONG - GIA MINH ghi
D.NGỌC HÀ - VŨ THỦY - TIẾN LONG - GIA MINH ghi

TT - Làm việc với Công an TP.HCM về tình hình an ninh trật tự ngày 17-2, lãnh đạo TP.HCM đã đặt chỉ tiêu phải giảm tình hình tội phạm rõ rệt trong ba tháng tới, quản lý người ăn xin ở khu vực trung tâm, xử lý nạn nghiện hút...

Hai đứa trẻ ăn xin tại góc đường Lý Thường Kiệt - 3 tháng 2 (Q.10, TP.HCM) được một phụ nữ chăn dắt (ảnh chụp chiều 18-2) - Ảnh: Duyên Phan
Hai đứa trẻ ăn xin tại góc đường Lý Thường Kiệt - 3 tháng 2 (Q.10, TP.HCM) được một phụ nữ chăn dắt (ảnh chụp chiều 18-2) - Ảnh: Duyên Phan

Những vấn đề này rất được người dân quan tâm trong những ngày qua. Giải pháp nào để thực hiện hiệu quả những công việc trên?

Ông Nguyễn Thành Tài (nguyên phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM):

Ông Nguyễn Thành Tài
Ông Nguyễn Thành Tài

Phải tấn công tội phạm quyết liệt

Các lực lượng, trong đó chủ công là công an, phải tấn công tội phạm quyết liệt, xây dựng lực lượng trong sạch, ngăn chặn hiện tượng bảo kê, làm ngơ để cho người dân thấy và tin, cung cấp thông tin, tố giác mạnh mẽ hơn.

Đồng thời cũng phải tính đến nguyên nhân của tình hình tội phạm gia tăng tại TP.HCM: do thất nghiệp, đói nghèo, di dân và cả yếu tố giáo dục nhân cách, hành vi. Chúng ta nói mãi mà vẫn làm chưa tốt đó là kết hợp giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội.

Nhiều loại ma túy mới xuất hiện cũng đang làm tình hình tội phạm ngày càng phức tạp hơn nhưng các quy định hiện tại lại chưa phù hợp, chưa chặt chẽ. Với quy trình hiện nay, việc thông qua tòa án xét xử để đưa người nghiện không có nơi cư trú vào các cơ sở cai nghiện tập trung, chúng ta đang tốn rất nhiều thời gian.

“Tự mình mất công” vào các công đoạn xác minh nơi ở ổn định bởi vì thực tế phần lớn người nghiện sau một thời gian dài nghiện ngập là dạt ra ngoài sống lang thang.

* Ông Trần Ngọc Du (chi cục trưởng chi cục phòng chống tệ nạn xã hội Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM):

Ông Trần Ngọc Du
Ông Trần Ngọc Du

 

Thử nghiệm các mô hình điều trị cai nghiện mới

Từ cuối năm 2014 đến nay, TP.HCM đã đẩy mạnh thực hiện công tác đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tuy nhiên công tác cai nghiện ma túy vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi các văn bản hướng dẫn chậm ban hành và có nhiều nội dung quy định bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Đồng thời gia đình người nghiện và bản thân họ chưa tự giác khai báo để được hỗ trợ cai nghiện. Số người nghiện mới ngày càng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy.

Đặc biệt, ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng nhưng chưa có phác đồ điều trị hiệu quả.

Thời gian tới, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức của người dân về ma túy, đào tạo đội ngũ về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu mới về công tác cai nghiện. Đặc biệt tập trung vào nâng cao chất lượng điều trị nghiện, thử nghiệm các mô hình điều trị cai nghiện mới.

* Ông Phạm Đức Trung (phó trưởng Phòng lao động - thương binh và xã hội Q.Thủ Đức, TP.HCM):

Đừng luẩn quẩn “bắt cóc bỏ dĩa”

Để giải quyết tình trạng người ăn xin tràn lan, nhiều năm qua TP.HCM đã lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về người ăn xin, vận động người dân không cho tiền người ăn xin nhưng vẫn chưa giải quyết căn cơ. Khó tập trung người ăn xin lang thang vì họ thường giả bán tăm bông, vé số khi có mặt lực lượng chức năng. Tôi nghĩ việc lắp camera quản lý sẽ có hiệu quả tốt hơn vì ngoài ghi nhận, theo dõi người ăn xin có thể theo dõi tình hình an ninh trật tự, ma túy, mại dâm.

Khi được đưa về địa phương, mặc dù cố gắng vận động, hỗ trợ dạy nghề cho họ nhưng nhiều người vẫn tiếp tục đi ăn xin. Thành ra việc tập trung người ăn xin năm nào cũng làm đều đặn nhưng vẫn cứ luẩn quẩn “bắt cóc bỏ dĩa”.

Mặt khác, rất nhiều người ăn xin ở TP.HCM là người ở các tỉnh thành khác. Khi người thân bảo lãnh họ đưa về địa phương thì sau đó chúng ta cũng không tiếp tục theo dõi được.

Bà Nguyễn Thị Thu Thảo (chủ tịch UBND P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM):

Gắn camera ngăn ngừa tội phạm

UBND phường đang khảo sát, xây dựng kế hoạch gắn camera trên một số tuyến đường trọng điểm về an ninh trật tự cùng với máy bộ đàm đã trang bị cho lực lượng công an và bảo vệ dân phố để tăng cường giám sát, góp phần giảm tội phạm.

Theo kinh nghiệm của phường, trước mắt nên vận động người dân lắp camera giám sát ở những tuyến đường trọng điểm, những khu vực phức tạp về an ninh trật tự.

Hiệu quả phòng chống tội phạm, an ninh trật tự của các khu vực lắp camera sẽ được tuyên truyền và nhân rộng dần để người dân tự giác đóng góp, lắp đặt cho khu vực quanh nhà mình.

Cảnh sát khu vực phải nắm sát tình hình dân cư, tăng cường nắm người, nắm hộ, nhất là những khu nhà trọ.

Đồng thời, ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phường sẽ tiếp tục chỉ đạo phát huy hiệu quả của phong trào tổ dân phố nghĩa tình, các nhà trong cùng hẻm, cùng tổ “coi nhà” cho nhau, cùng nhau cảnh giác tội phạm.

Thượng tá Nguyễn Nhật Thành (phó trưởng Công an Q.1, TP.HCM):

Ông Nguyễn Nhật Thành
Ông Nguyễn Nhật Thành

 

Vai trò của cảnh sát khu vực, người dân

Tất cả đối tượng trộm cắp, cướp giật đều có nơi cư trú, dù là thường trú hay tạm trú và có quy luật hoạt động chứ không đối tượng nào lang thang ngoài đường để gây án.

Do đó, cảnh sát khu vực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nắm bắt thông tin, nhận dạng đối tượng và phương tiện đối tượng sử dụng để gây án. Chỉ cần cảnh sát khu vực nắm bắt thông tin, nhận dạng các đối tượng khả nghi thì khi có trộm cướp xảy ra, từ các thông tin người dân cung cấp có thể kết nối dữ liệu và việc truy tìm đối tượng sẽ dễ dàng hơn.

Vai trò của người dân là yếu tố quyết định để đảm bảo an ninh trật tự. Nếu đối tượng cướp giật chỉ hoạt động ở các tuyến đường có nhiều hướng di chuyển nhằm dễ tẩu thoát thì vai trò của những người chạy xe ôm, người thường xuyên di chuyển trên đường rất quan trọng.

Họ có thể tham gia trực tiếp vào việc bắt giữ tội phạm hoặc ghi nhận hình ảnh nhận dạng, phương tiện di chuyển để cung cấp cho lực lượng công an truy tìm.

Tại Q.1, người dân nào có thành tích tham gia phòng chống tội phạm được đích thân lãnh đạo công an quận gửi thư cảm ơn cùng những phần quà có giá trị khiến phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát huy rất tốt.

Một phó chủ tịch UBND Q.1, TP.HCM:

Không làm theo đợt, theo phong trào

Mấy năm gần đây, UBND Q.1 và UBND các phường kiểm tra thường xuyên và liên tục, xử lý nhanh tin báo của người dân về người ăn xin, lang thang trên địa bàn quận. Quận cũng lập điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về người lang thang, ăn xin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, ghi âm lại các cuộc điện thoại để làm cơ sở xử lý.

Bên cạnh đó, các đoàn thể vận động người dân không cho tiền người ăn xin mà chủ động báo cho UBND phường hoặc phòng lao động - thương binh và xã hội để đưa vào cơ sở bảo trợ. Những biện pháp này UBND quận đã làm liên tục, không theo đợt, không theo phong trào.

Hiện nay, ở khu vực bốn phường trung tâm (Bến Thành, Bến Nghé, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thái Bình) hầu như không còn người ăn xin.

Về việc thu gom người ăn xin, lang thang, UBND Q.1 kiến nghị có quy định chặt chẽ hơn về việc bảo lãnh họ ra khỏi trung tâm bảo trợ. Thời gian qua, nhiều người ăn xin, lang thang vào trung tâm bảo trợ xã hội một thời gian thì được bảo lãnh ra ngoài rồi tiếp tục quay lại con đường cũ.

Thạc sĩ xã hội học Lê Minh Tiến (giảng viên Trường đại học Mở TP.HCM):

Ông Lê Minh Tiến
Ông Lê Minh Tiến

 

Tập trung người ăn xin không phải là căn cơ

Theo số liệu báo cáo, tình hình tội phạm thời gian qua tăng, không giảm. Vấn đề tội phạm tăng gắn với các nguyên nhân kinh tế, xã hội chứ không phải chúng ta thiếu các biện pháp kỹ thuật để giám sát. Việc Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng yêu cầu gắn camera đồng bộ, quản lý người ăn xin là một biện pháp kỹ thuật để nhận diện và dễ bắt tội phạm. Nó chỉ góp phần nhỏ vào việc giảm tỉ lệ tội phạm nhưng chưa phải là giải pháp căn cơ. Nếu tỉ lệ thất nghiệp, bất bình đẳng xã hội vẫn còn cao thì rất khó để giảm tỉ lệ tội phạm một cách thấy rõ.

Điều cần nói, công an không phải là thiết chế có thể giảm được tội phạm về mặt xã hội học. Thực tế khi công an ra quân truy bắt, tội phạm có thể lắng xuống nhưng nếu những nguyên nhân nội tại về kinh tế, xã hội không được giải quyết, khi không còn những phong trào đó, tình hình tội phạm trở lại như cũ, không giảm được.

Theo tôi, muốn giảm tỉ lệ tội phạm cần có những giải pháp vĩ mô hơn. Phải tạo nhiều cơ hội để giới trẻ tiếp cận được việc làm.

Ông bà từ xa xưa đã nói “nhàn cư vi bất thiện”. Nhu cầu sống trong xã hội ngày càng tăng, khi người ta không thể đáp ứng những nhu cầu đó bằng những việc làm hợp pháp, kiếm sống đàng hoàng thì người ta sẽ làm bằng những việc làm phi pháp.

Mặt khác, phải làm sao để giới trẻ thấy những mối lợi thu được từ những hoạt động phi pháp phải thấp hơn cái giá họ phải trả. Ví dụ như cướp giật, cho vay nặng lãi, cá độ bóng đá một ngày thu về tiền tỉ nhưng khi bắt chỉ phạt hai, ba chục triệu thì rõ ràng không thể răn đe, kéo giảm tội phạm được.

Quan trọng hơn phải tạo ra được công bằng xã hội. Nghĩa là tạo cơ hội để người dân tiếp cận an sinh xã hội, điều kiện phát triển kinh tế một cách đồng đều. Sự phát triển kinh tế phải mang lại lợi ích cho đa số.

Ở đây TP.HCM cần nhắm tới việc phân phối lại thu nhập sao cho đồng đều, không phải rơi vào một số nhóm có ưu thế, còn những nhóm khác có rất ít. Sự bất bình đẳng đó cũng sẽ góp phần rất lớn tạo ra tội phạm.

Riêng chuyện tập trung người ăn xin phải đi tìm lại nguồn gốc văn hóa, kinh tế của nó. Tập trung người ăn xin không phải cái gốc để giải quyết tình trạng này. Hiện nay chúng ta thấy rõ ở TP.HCM có nhiều đầu mối chăn dắt ăn xin.

Cần phải “đánh” vào các đầu mối chăn dắt trước. Nếu giới chăn dắt còn ở ngoài xã hội, chúng ta tập trung người ăn xin này thì họ sẽ tuyển người ăn xin khác.

Đà Nẵng: Quy trách nhiệm cho lãnh đạo phường, xã

Nổi tiếng từ lâu nay với tên gọi “thành phố đáng sống”, Đà Nẵng đang được chú ý như hình mẫu về xử lý các vấn nạn ăn xin, người lang thang cơ nhỡ...

Theo lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội Đà Nẵng, đây là việc làm cần phải duy trì thường xuyên, cần sự chung tay của xã hội, từ địa phương đến các hộ gia đình.

Ông Nguyễn Văn An, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Đà Nẵng, cho biết để duy trì được sự ổn định trong việc dẹp nạn ăn xin, lang thang cơ nhỡ cần có sự phối hợp đồng bộ giữa sở và công an, chính quyền địa phương quận/huyện, xã/phường.

Sở thường xuyên giao ban với các địa phương để nghe báo cáo và tìm phương án giải quyết từng trường hợp.

Bên cạnh đó tăng cường lực lượng trực, nắm thông tin 24/24 giờ, có chế độ ưu đãi cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, sở cũng ban hành đường dây nóng, nhận thông tin liên quan và có mặt để xử lý ngay. Với những đối tượng vi phạm thuộc địa bàn Đà Nẵng thì phường/xã nơi đối tượng sinh sống phải chịu trách nhiệm.

Cụ thể là giáo dục, hỗ trợ và tạo điều kiện việc làm cho họ. Trường hợp họ tái phạm, lãnh đạo phường/xã đó phải chịu trách nhiệm.

Riêng với những đối tượng vi phạm ngoại tỉnh, sở sẽ mời gia đình đến cam kết, bảo lãnh để không tái diễn.

ĐOÀN CƯỜNG - PHAN THÀNH

D.NGỌC HÀ - VŨ THỦY - TIẾN LONG - GIA MINH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên