29/12/2016 20:43 GMT+7

Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Obama gửi thông điệp hòa giải

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Cả hai nhà lãnh đạo ngợi ca nhau bằng những từ ngữ đẹp đẽ và cố gắng phát đi thông điệp về hòa giải và chống chiến tranh.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ các cựu binh Mỹ sống sót sau vụ tấn công Trân Châu Cảng 75 năm trước khi hai ông tưởng niệm các nạn nhân vào ngày 27-12 - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ các cựu binh Mỹ sống sót sau vụ tấn công Trân Châu Cảng 75 năm trước khi hai ông tưởng niệm các nạn nhân vào ngày 27-12 - Ảnh: Reuters

“Giờ đây ở cấp độ quốc gia và cả cấp độ dân tộc, chúng ta không thể chọn lựa lịch sử khi sinh ra nhưng chúng ta có thể chọn lựa các bài học rút ra từ lịch sử”

Tổng thống Mỹ Barack Obama

Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Barack Obama đã đi thuyền ra đài tưởng niệm USS Arizona, được xây dựng trên phần xác tàu cùng tên đã chìm dưới nước biển sau đợt tấn công chớp nhoáng của các phi đội cảm tử Nhật vào ngày chủ nhật 7-12-1941. Hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc từng một thời đối địch nay cùng đặt vòng hoa trước bức tường ghi tên 1.177 người Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc tấn công kéo dài chỉ hai giờ ngày hôm đó.

Thông điệp hòa giải

Chuyến đi Hawaii của thủ tướng Nhật được mô tả là “mang tính lịch sử”, nhằm “phúc đáp” chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Hiroshima vào tháng 5 năm nay. “Thông điệp mà tôi muốn gửi đến toàn thế giới, cùng với Tổng thống Barack Obama ngay từ Trân Châu Cảng này, là thông điệp của sức mạnh hòa giải”, Thủ tướng Abe tuyên bố trong bài phát biểu đầy cảm xúc.

Quả thực nó đầy ý nghĩa bởi trước ông đã có ba thủ tướng Nhật từng đến Trân Châu Cảng trong những năm 1950, tức khi Chiến tranh thế giới thứ hai đã kết thúc. Trong số đó có cả ông ngoại của Thủ tướng Abe là Thủ tướng Nobusuke Kishi. Thế nhưng không có người nào tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân của cuộc tấn công tại đây.

Đúng như những thông tin đã đưa ra trước đó, Thủ tướng Shinzo Abe không gửi lời xin lỗi mà chỉ bày tỏ “lời chia buồn chân thành và sâu sắc” trước những đau thương trong quá khứ. Ông nhấn mạnh “không bao giờ được phép lặp lại cảnh tượng kinh hoàng của chiến tranh”, khẳng định chính sức mạnh hòa giải đã gắn kết các quốc gia, thông qua tinh thần cảm thông lẫn nhau.

Bài phát biểu của Thủ tướng Abe nhắc lại ký ức kinh hoàng của chiến tranh dù ông chào đời khi chiến tranh đã kết thúc 9 năm trước đó. Như bao học sinh Nhật, ông đã được học về chiến tranh qua những bằng chứng còn lưu lại. “Khi tập trung lắng nghe (âm thanh của vụ tấn công Trân Châu Cảng), trên nền của tiếng gió và tiếng sóng, tôi vẫn có thể phân biệt được những giọng nói của các thủy thủ.

Đó là những giọng nói từ những cuộc trò chuyện sôi nổi, vui vẻ của một buổi sáng chủ nhật. Đó là những giọng nói của binh sĩ trẻ kể về ước vọng. Những giọng nói gọi tên người thân trong giờ phút cuối cùng. Những giọng nói cầu nguyện cho những đứa con chưa kịp chào đời”, Thủ tướng Abe nêu thông điệp từ chính cảm nhận của bản thân.

Cảnh báo chiến tranh

Tổng thống Obama, người sắp kết thúc nhiệm kỳ trong ba tuần lễ nữa, cũng phụ họa với nhà lãnh đạo đến từ châu Á bằng bài phát biểu đầy ý nghĩa: nhắc lại chặng đường hai nước “cựu thù” đã đi qua trong 75 năm qua, Tổng thống Obama cảnh báo về những mầm mống chiến tranh.

“Chúng ta cần chống lại bất kỳ ý định nào muốn bêu riếu những ai đang có khác biệt”, Tổng thống Obama sau đó quay sang Thủ tướng Abe để nói ông muốn gửi đi thông điệp đến toàn thế giới rằng “thế giới cần hòa bình hơn chiến tranh”.

Nhà lãnh đạo của Mỹ cũng nhắc lại điều mà ông từng nói khi đến thăm Hiroshima cách đây hơn bảy tháng rằng quan hệ Mỹ - Nhật “chưa bao giờ mạnh mẽ như lúc này”. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng bày tỏ hi vọng hai bên sẽ cùng nhau truyền ra thế giới thông điệp ủng hộ hòa bình và hàn gắn chiến tranh, cũng như lên án tư tưởng trả đũa. Ông kêu gọi mọi người chống lại tư tưởng phân biệt và kỳ thị.

Không phải vô cớ khi Tổng thống Obama nhắc nhở về điều này trước khi rời cương vị lãnh đạo. Người kế nhiệm ông, ông Donald Trump, trong quá trình vận động tranh cử, từng gợi ý rằng Nhật Bản và Hàn Quốc nên chế tạo vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình mà không cần phụ thuộc vào Mỹ.

Ông Trump cũng chỉ trích Nhật Bản không đóng góp tài chính đầy đủ để duy trì các lực lượng Mỹ trên lãnh thổ quốc gia Đông Á này. Gần đây, ông Trump còn phát biểu khiến các bên liên quan suy diễn về một khả năng chạy đua hạt nhân trở lại giữa các cường quốc.

Thêm vào đó, những động thái lấn át, bất chấp luật lệ quốc tế của Trung Quốc tại khu vực châu Á đã không ít lần khiến một số chuyên gia nêu đến khả năng “thế chiến thứ ba”.

Hawaii là nơi cách đây 75 năm phát xít Nhật tiến hành cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào Trân Châu Cảng. Trong trận tấn công chớp nhoáng bằng 400 máy bay này, phía Nhật đã gây tổn hại lớn cho Mỹ với 2.403 quân nhân thiệt mạng, 1.100 người bị thương; 21 tàu chiến, trong đó có 8 chiến hạm, bị đánh chìm hoặc hư hỏng cùng 328 máy bay chiến đấu. Sau đó, Mỹ đã tham gia quân đội đồng minh.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên