11/11/2020 08:50 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quyết chí làm nên thịnh vượng và phát triển

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC
Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định như trên trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày 10-11, thể hiện quyết tâm đưa đất nước ngày càng khởi sắc về mọi mặt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quyết chí làm nên thịnh vượng và phát triển - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội - Ảnh: VGP

Tuổi Trẻ xin trích đăng một số nội dung quan trọng.

Chúng ta hãy cùng nhau hướng đến xây dựng một nền kinh tế đa dạng, phát triển bền vững, hài hòa các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường, ở đó mọi người dân đều có cơ hội chung tay đóng góp vào sự phồn vinh của đất nước, tất cả trẻ em Việt Nam đều được giáo dục tốt và đạt được giấc mơ Việt Nam; người già ai ai cũng được chăm sóc sức khỏe, sống trường thọ hơn và hạnh phúc bên con cháu; thanh niên ai cũng có việc làm, thu nhập cao và luôn thăng tiến trong sự nghiệp. Để đạt được điều này, Chính phủ và toàn hệ thống chính trị chúng ta sẽ phải nỗ lực rất nhiều bằng cả trái tim và khối óc.

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Trong bài phát biểu, Thủ tướng cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước; tập trung chỉ đạo sớm khắc phục những vấn đề còn hạn chế, bất cập, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020, 5 năm 2016 - 2020 và tạo nền tảng vững chắc thực hiện thành công kế hoạch năm 2021, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Tạo ra hơn 1.200 tỉ USD GDP trong gần 5 năm

Theo Thủ tướng, không chỉ riêng trong năm 2020 này mà ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã đối diện với những thử thách lớn chưa từng thấy: hạn hán kỷ lục trong gần 100 năm ở vùng ĐBSCL, sự cố môi trường Formosa… 

Tuy nhiên, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỉ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.

Tạp chí The Economist tháng 8-2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. 

Dưới tác động của đại dịch COVID-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt "mục tiêu kép", Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá. 

Nhiều địa phương đã vươn lên trở thành những động lực kinh tế quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước, có địa phương đã đạt mức tăng trưởng GDP kỷ lục trong hàng thập niên, kể cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Với những thành tựu đạt được trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng có tiếng nói, trách nhiệm lớn hơn trong những vấn đề khu vực và toàn cầu. 

"Những kết quả này là thành tựu chung của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Nhân kỳ họp này, tôi thay mặt Chính phủ, trân trọng gửi lời cảm ơn Quốc hội đã ủng hộ, chia sẻ và đồng hành cùng Chính phủ suốt gần 5 năm qua" - Thủ tướng phát biểu.

Tăng cường đào tạo cho thanh niên

Theo Thủ tướng, tất cả chúng ta đều đang nhìn thấy nguồn năng lượng cực lớn ở thế hệ trẻ hiện nay. Thanh niên, từ thành thị đến nông thôn, ai cũng cần có việc làm, cũng mong muốn khởi nghiệp, vươn lên làm giàu, cống hiến cho quê hương, đất nước. 

Vì vậy, cần tăng cường đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho thanh niên; đặc biệt là thanh niên ở vùng nông thôn, miền núi, tạo nhiều việc làm mới cho khu vực này thông qua những dự án đầu tư công cũng như đầu tư tư nhân. 

Cần có cơ chế thu hút nhân tài, kể cả trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu.

Trong hơn 4 năm qua, chúng ta đã tạo được hơn 8 triệu việc làm mới cho những người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó. Năng suất lao động của nền kinh tế chúng ta thực sự đã được cải thiện rõ nét trong những năm qua với mức tăng 5,8%/năm, cao hơn nhiều so với mức 4,3% giai đoạn trước đây. 

Tính chung trong gần nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 145%. Nhìn trên tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới so sánh mức sống với các nước trên thế giới, thu nhập của người dân chúng ta đã tương đương gần 9.000 USD (tính theo ngang bằng sức mua).

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tầng lớp trung lưu Việt Nam hiện xấp xỉ dân số của một số quốc gia, vùng lãnh thổ trong nhóm "4 con hổ châu Á" cộng lại và đến năm 2045 chiếm trên 50% dân số, tức tương đương dân số Hàn Quốc. 

Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm mạnh từ 9,8% năm 2015 xuống còn dưới 3% năm 2020. 

Chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để giảm nghèo bền vững cho 3% hộ dân còn lại; đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng lõi nghèo - ở nơi đó có những người trong độ tuổi lao động chỉ kiếm được thu nhập dăm ba trăm nghìn đồng một tháng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quyết chí làm nên thịnh vượng và phát triển - Ảnh 3.

Theo Thủ tướng, thành quả chống dịch COVID-19 đã cho thấy tính ưu việt của hệ thống y tế công lập nước ta. Tuy nhiên, ngành y tế của chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong ảnh: chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Giáo dục, y tế, an sinh phải tốt hơn nữa

Chính phủ ý thức được nhu cầu cấp thiết cải cách mạnh mẽ và toàn diện nền giáo dục, từ cơ sở vật chất cho đến phương tiện giảng dạy, từ sách giáo khoa cho đến phương pháp sư phạm, từ cơ chế tự chủ cho đến cơ chế tiền lương, song trung tâm vẫn phải là người học và người thầy, tinh thần "tiên học lễ, hậu học văn", "tôn sư trọng đạo" phải luôn được đề cao, tinh thần tự học, sáng tạo, học đi đôi với hành phải được khuyến khích, tư duy của nhà quản lý giáo dục cũng cần phải đi trước.

Với ngành y tế, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều hạn chế, bất cập; chúng ta cần kiểm soát tình trạng thương mại hóa quá mức, "tiền nào của nấy" về chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe y tế cho nhân dân. 

Chính phủ sẽ nỗ lực tăng cường khả năng đáp ứng của hệ thống y tế dự phòng, đưa y tế đến gần người dân hơn ở khắp mọi miền đất nước nhưng với một chi phí thấp hơn, thúc đẩy hệ thống y tế từ xa. 

Chúng ta sẽ từng bước mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế toàn dân, đồng thời mở rộng phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế, nhất là đối tượng trẻ em, người già, người có hoàn cảnh khó khăn. 

Người già phải được chăm sóc y tế tốt hơn; trẻ em, đặc biệt là trẻ em từ 6 đến 11 tuổi, tiếp đến là trẻ em dưới 16 tuổi theo quy định của Luật trẻ em sẽ cần được Nhà nước chi trả bảo hiểm y tế hoàn toàn.

Chính phủ quyết tâm cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế gắn với cơ chế tiền lương, viện phí. Chính phủ sẽ nỗ lực để không ai bị bỏ rơi do chi phí vắcxin cao vượt khả năng chi trả của người dân, hướng đến những người mắc các bệnh hiểm nghèo sẽ được chăm sóc y tế hợp lý hoặc được bảo hiểm y tế chi trả, trước mắt là bệnh nhi ung thư.

Cùng với giáo dục và y tế, chúng ta cũng đang xây dựng mạng lưới an sinh xã hội rộng lớn. 

Chúng ta phải có trách nhiệm hơn nữa chăm lo cho những người có công với đất nước; người nghèo, người tàn tật, người già trước xu hướng già hóa dân số; bảo vệ phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái trước vấn nạn xâm hại và tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. 

Chúng ta cần phải chung tay hành động một cách đầy trách nhiệm hơn nữa để phát triển trẻ thơ toàn diện, được an toàn, khỏe mạnh, được học tập và phát huy tối đa tiềm năng.

Tập trung tối đa cho phát triển hạ tầng

Là một nước đang phát triển với kết cấu cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, Chính phủ đang tập trung vào hạ tầng trọng yếu của quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành, các cao tốc liên kết vùng, các tuyến đường sắt đô thị… 

Phấn đấu đến 2030 cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, trong đó đến 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông.

Đồng thời, đẩy mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển, kết nối đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương, dữ liệu doanh nghiệp và dân cư. Đây cũng là tiền đề thực hiện phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. 

Trong khi theo đuổi các dự án lớn của quốc gia, chúng ta cũng không bỏ sót những dự án nhỏ, những con đường, chiếc cầu ở nông thôn - nơi tạo ra việc làm và thu nhập trực tiếp cho bà con.

Cùng với giao thông, hạ tầng viễn thông cũng sẽ được bao phủ và nâng cấp hơn nữa, trước mắt là mạng 5G. Người dân sẽ ngày càng tiếp cận với Internet tốc độ cao, kể cả ở những vùng nông thôn, nhanh chóng thúc đẩy toàn diện quá trình chuyển đổi số quốc gia đưa một số ngành, lĩnh vực của Việt Nam đi tắt, đón đầu và vượt lên so với các nước trong khu vực.

Thủ tướng cũng cho biết trong xu thế hiện nay, chúng ta cần tiếp tục kiên trì một số biện pháp và chính sách quan trọng nhằm củng cố hơn nữa niềm tin và sự lạc quan của các nhà đầu tư và doanh nghiệp, cụ thể là:

- Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh theo hướng giảm thiểu rủi ro, chi phí và các thủ tục; loại trừ các xung đột, chồng chéo trong hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh.

- Ưu tiên đầu tư và triển khai nhanh các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các kết cấu hạ tầng chiến lược, hạ tầng xương sống về cả ba phương diện số lượng, chất lượng và tính đồng bộ. Chú trọng đầu tư bảo đảm hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn miền núi.

- Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo lao động giàu kỹ năng phục vụ sự phát triển của nền kinh tế hiện đại.

- Lành mạnh hóa hơn nữa hệ thống tài chính - ngân hàng, áp đặt kỷ luật đối với các ngân hàng yếu kém để giảm rủi ro, giảm mặt bằng lãi suất, chi phí vốn cho doanh nghiệp.

Đánh giá nghiêm túc nguyên nhân về thiên tai

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong khi bệnh dịch COVID-19 còn rình rập, tình trạng "bão chồng bão", "lũ chồng lũ", chúng ta đã nhận được ý kiến của nhiều người dân về những cố gắng vượt bậc của các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương và lực lượng quân đội.

Một lần nữa chúng ta càng thấy ngời sáng tình đồng bào - đồng chí - đồng đội nghĩa tình, thắm thiết, nhân văn, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của truyền thống văn hóa Việt Nam.

Chính phủ sẽ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân khách quan và chủ quan về thiên tai, lũ lụt vừa qua, kể cả xem xét tình hình quy hoạch, quản lý rừng và hồ đập thủy điện để có các biện pháp chấn chỉnh.

Đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phá rừng, nâng cao chất lượng rừng, vận hành hiệu quả hồ chứa, liên hồ chứa, bảo đảm an toàn cho sản xuất và cuộc sống của người dân.

Đồng thời, triển khai các giải pháp căn bản, lâu dài trước tình hình thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng; trong đó tập trung xây dựng các phương án ứng phó hiệu quả và sẽ ban hành chiến lược ứng phó thiên tai vào cuối năm nay.

Thủ tướng đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh

Trao đổi với Tuổi Trẻ về phát biểu đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có các khu đô thị, Thủ tướng nói đây là đề xuất của Thủ tướng, còn kế hoạch cụ thể giống ở đâu, loại cây gì, rễ sâu, gỗ lớn như thế nào, vùng bão lụt, vùng đồi núi dốc trồng như thế nào để rừng tiếp tục phát triển... các bộ ngành và địa phương cần nghiên cứu và có chiến lược cụ thể để thực hiện hiệu quả.

"Nếu 100 triệu dân thì chỉ cần mỗi người trồng 10 cây, còn ít lắm, có thể nhiều hơn", Thủ tướng chia sẻ.

T.LONG - N.AN

(*) Tít và tít nhỏ do Tuổi Trẻ đặt.

TP.HCM: vay thêm 2.378 tỉ đồng làm dự án cải thiện môi trường nước

Ngày 10-11, tại kỳ họp thứ 22 khóa IX, HĐND TP.HCM đã thống nhất tờ trình của UBND TP về huy động vốn thực hiện dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ (giai đoạn 2), theo phương án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ với tổng kinh phí hơn 2.378 tỉ đồng (khoản vay lần 4), thời hạn vay 30 năm.

HĐND TP yêu cầu UBND TP chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo tiến độ các gói thầu theo kế hoạch được điều chỉnh, đồng thời giám sát chặt chẽ đảm bảo chất lượng công trình, thi công đúng tiến độ, đúng pháp luật và cam kết với nhà tài trợ.

Ngoài ra, tại kỳ họp, HĐND TP đã thông qua nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho 153 dự án và 1 chương trình với tổng số vốn điều chỉnh giảm hơn 630 tỉ đồng (tăng vốn cho 127 dự án, giảm vốn 26 dự án và 1 chương trình).

Các dự án giảm vốn là các dự án không thể sử dụng hết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giảm khối lượng thực hiện theo thực tế và giảm kế hoạch theo giá trị quyết toán được phê duyệt.

Dịp này, HĐND TP còn thông qua nghị quyết về đề nghị công nhận xã Thạnh An, huyện Cần Giờ là xã đảo, giao UBND TP hoàn tất hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

M.HƯƠNG - T.LÊ

42a3eef3-18b7-407f-be5b-a73e7f270cc4 1(read-only)

Người dân xã đảo Thạnh An với nghề làm muối truyền thống - Ảnh: TỰ TRUNG

Hà Nội "rút" gần 3.000 tỉ đồng từ dự án khó giải ngân

Ngày 10-11, kỳ họp chuyên đề HĐND TP Nội đã quyết nghị điều chỉnh giảm 627 tỉ đồng vốn kế hoạch năm 2019 kéo dài sang năm 2020 của 42 dự án, sử dụng nguồn vốn này cấp bổ sung cho 14 dự án cấp thiết.

Tương tự, HĐND TP Hà Nội cũng đã quyết nghị điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2020, điều chỉnh giảm hơn 2.355 tỉ đồng của 78 dự án và một số nguồn vốn khác, bổ sung nguồn vốn này cho 112 dự án đang có nhu cầu về vốn.

Bà Hồ Vân Nga, trưởng Ban kinh tế ngân sách HĐND TP Hà Nội, khẳng định những dự án được trình điều chỉnh, bổ sung vốn đều là những dự án cần thiết đầu tư để phục vụ nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

100% đại biểu tán thành điều chỉnh giảm gần 3.000 tỉ đồng vốn ở các dự án chậm triển khai, chưa thể triển khai, bổ sung cho các dự án cấp thiết đang cần vốn.

XUÂN LONG

Thủ tướng: Thủ tướng: 'Nhân chi sơ tính bản thiện chứ không phải nhân chi sơ tính cục bộ'

TTO - Cần phát triển con người, xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với thể chế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài không để tình trạng "nhân tài như lá mùa thu" và phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên