14/08/2006 14:15 GMT+7

Thời của tản văn, tạp bút

Theo Người lao động
Theo Người lao động

Người đọc sẽ vẫn yêu thích tạp bút, nếu không muốn nói hiện nay là thời của tạp bút khi quỹ thời gian của người đọc không đủ dành cho tiểu thuyết dông dài. Tạp bút, tản mạn đâu phải chuyện “thiên tào”, mà là chuyện rất người

Vm5xHmcv.jpgPhóng to
Người đọc sẽ vẫn yêu thích tạp bút, nếu không muốn nói hiện nay là thời của tạp bút khi quỹ thời gian của người đọc không đủ dành cho tiểu thuyết dông dài. Tạp bút, tản mạn đâu phải chuyện “thiên tào”, mà là chuyện rất người

Năm 2005, khi quyển Tản mạn trước đèn của nhà văn Đỗ Chu nhận giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, Văn học Việt nam bắt đầu mở ra thời kỳ tạp bút xuất bản ồ ạt. Riêng NXB Trẻ đã cho ra đời 3 quyển tạp bút: Nghiêng tai dưới gió của nữ sĩ Lê Giang; Tạp bút Mạc Can dày hơn 300 trang in,Mùi của ngày xưa - tạp bút nhiều tác giả.

Cùng thời gian, tạp văn Ngôi nhà và con người của nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương cũng ít nhiều gây chú ý cho người đọc, dù trước đó đã đăng rải rác trên một vài báo. Rồi nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư..., tạp văn của họ đã mang lại nhiều thú vị.

Mảnh đất nhiều màu

Hầu hết trên các báo đều lần lượt có mục tạp văn, tạp bút hay tản văn..., đó là mảnh đất nhiều màu mỡ lẫn màu sắc cho các ngòi bút thể hiện đề tài mình muốn nói. Các tạp văn trong Ngôi nhà và con người của nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương phần nhiều đã được in trên các báo như: Người Lao Động, Phụ Nữ TPHCM, Tuổi Trẻ, Thanh Niên... Nghiêng tai dưới gió của nhà thơ Lê Giang cũng thế, chị đã cho in báo trước khi tập hợp và chọn lọc in thành sách.

Kể cả nhà thơ Đỗ Trung Quân, người chuyên viết tạp bút trên các báo, cũng không phải là ngoại lệ trong cách làm sách t.a.p.b.u.t.đỗ. Từ ngày tạo dựng được thương hiệu ngòi bút truyện ngắn, Nguyễn Ngọc Tư nhận được nhiều lời mời chào viết báo và lẽ đương nhiên chị không thể bỏ qua mảnh đất tạp văn luôn sẵn sàng “bén rễ” những hạt giống ưu tư của bất kỳ ai. Quyển Mùi của ngày xưa bao gồm 60 tác giả từng in trên báo Tuổi Trẻ Chủ nhật, tháng 8 này, cũng đã thành sách.

Từ lâu, thể loại tạp bút, tạp văn, tản văn... đã được nhiều nhà văn viết, đưa in trên các báo. Đầu tiên vì độ dài của một tạp văn tương đối nên rất tiện cho các báo xếp trang. Nhà thơ Đỗ Trung Quân cho rằng: “Tản mạn khó viết hay không là tùy người. Nhưng tản mạn là gì? Thì tôi nói nó có thể viết gì cũng được.

Và viết kiểu nào cũng được”. Vì theo nhà thơ họ Đỗ, tản văn không câu nệ hình thức cũng như đề tài nên không trói buộc người viết. Tuy vậy không có nghĩa là tản văn thấp kém hơn các thể loại khác. Mới đây, NXB Hội Nhà văn cho in tuyển tập tản văn và truyện ngắn hay về Hà Nội thật đồ sộ gồm rất nhiều tác giả lừng danh.

Tuyển tập chia làm hai phần tản văn và truyện ngắn cho thấy sự “bình đẳng” giá trị giữa hai thể loại. Còn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gom chung tản văn và những kiểu lý luận phê bình viết như tản văn in chung thành một tập Giăng lưới bắt chim cuối năm 2005 và vừa tái bản vào tháng 6 năm nay.

Những chuyện rất "người"

Trong lời tựa Nghiêng tai dưới gió, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận xét: “Tôi đọc, lại nghĩ mình đang đọc tự truyện”. Người đọc sẽ cùng chung nhận xét với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi bắt gặp nhiều mẩu chuyện như là hồi ký, nhật ký về những sinh hoạt đời thường của mái ấm nhà thơ Lê Giang.

Trong Nghiêng tai dưới gió, có những đoạn kể về sinh hoạt văn nghệ một thời của các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp, Xuân Hồng, Phạm Minh Tuấn khi đi thực tế sáng tác trên Đắk Lắk (Tiếng sáo đêm Đăk Phơi)... Và bối cảnh ra đời bài hát Hãy yên lòng mẹ ơi của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ khi “ông” chở “bà” đi chợ (Đi chợ với đàn ông). Những mẩu chuyện như thế, nhà thơ Lê Giang đã dùng tên tạp văn như là “lý do” để gọi cho những hồi ức, tình cảm, tự sự... của mình.

Nhà văn Mạc Can chân tình bộc bạch: “Tôi muốn viết tản mạn này theo hướng dẫn độc giả tập luyện cách nói chuyện và trả lời trong vỏ não”. Những người tự nói chuyện và trả lời trong vỏ não với dáng vẻ “ngây thơ” như thế ông cho đó là những hiệp sĩ đối lập với “người săn mồi”.

Khác với những tạp bút thường thấy trên các báo, tạp bút Mạc Can dài hơn rất nhiều và không dừng lại ở chuyện “hoa lá cành”, đôi khi nó là những cuộc đối thoại “mật mã” với những ai ông hay gặp bên ly trà đá. Mạc Can chỉ uống trà đá, có thể vì ông đã quen với quá khứ một thời từng đi bán trà đá rồi chăng? Đọc tạp văn của “nhà văn trẻ” này mà ngộ ra cảnh đời tác giả từng trải thì đó là tự truyện.

Một lần đọc tạp bút ngắn Ma và người của Nguyễn Ngọc Tư khiến tôi phải bật cười thú vị. Thì ra cô nhà văn hay nói chuyện “tưng tửng” này rất sợ ma. Dù đoạn cuối tạp bút Nguyễn Ngọc Tư bảo mình bây giờ sợ người hơn. Đó chỉ là cách nói cho đỡ sợ, vì theo Nguyễn Ngọc Tư: “Người sợ ma có trí tưởng tượng ghê lắm”. Tin rằng với trí tưởng tượng “ghê lắm” của mình, thì Nguyễn Ngọc Tư vẫn còn sợ ma vô cùng.

Nên người đọc sẽ vẫn yêu thích tạp bút, nếu không muốn nói hiện nay là thời của tạp bút khi quỹ thời gian của người đọc không đủ dành cho tiểu thuyết dông dài. Tạp bút, tản mạn đâu phải chuyện “thiên tào”, mà là chuyện rất người.

Theo Người lao động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên