THOÁT NGHÈO NHỜ LÀM DU LỊCH HOMESTAY

QUỲNH TRUNG 10/04/2018 17:04 GMT+7

Bắc Kạn với địa danh nổi tiếng hồ Ba Bể là một trong năm địa phương của VN được chọn cho giai đoạn 2 của dự án “Phát triển bền vững du lịch tiểu vùng sông Mekong” do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ.

Thôn Pác Ngòi nhìn từ trên cao, xa xa là cánh đồng lúa và hồ Ba Bể. Ảnh: Q.TR.
Thôn Pác Ngòi nhìn từ trên cao, xa xa là cánh đồng lúa và hồ Ba Bể. Ảnh: Q.TR.

 

Tổng số vốn đầu tư cho 5 địa phương này trị giá gần 11,8 triệu USD, tập trung thực hiện các hoạt động du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo, xây dựng biển quảng cáo du lịch dọc hành lang kinh tế Đông - Tây, quảng cáo các sản phẩm du lịch trên các tạp chí quốc tế, phát triển đào tạo nguồn nhân lực các cán bộ quản lý...

Du lịch homestay nở rộ

Phát triển du lịch cộng đồng hay homestay (du lịch gắn với bản sắc văn hóa địa phương với sự tham gia của cộng đồng) được triển khai ở nhiều nước, đặc biệt là các nước nghèo. Đây là hình thức du lịch được các tổ chức tài trợ phát triển xem như là một công cụ giảm nghèo hữu hiệu.

Trong chuyến đi thực địa hồ Ba Bể đầu năm 2018, chúng tôi tham gia du lịch kiểu homestay tại thôn Pác Ngòi. Đường đi từ trung tâm tỉnh Bắc Kạn đến thôn Pác Ngòi khá thuận tiện, ôtô chở chúng tôi vượt qua một con đường trải nhựa bằng phẳng dài khoảng 20km. Sau đó, chúng tôi di chuyển thuyền trên hồ Ba Bể khoảng 30 phút là đến bến thuyền. Và mất khoảng thêm 15 phút đi bộ từ bến thuyền là đến trung tâm thôn Pác Ngòi. Nơi đây, hàng loạt nhà nghỉ homestay do người dân địa phương lập nên mọc san sát hai bên đường.

Ông Hoàng Văn Chuyền (dân tộc Tày), trưởng thôn Pác Ngòi và là chủ nhà nghỉ Hoàng Chuyền homestay, cho biết cả thôn có 97 hộ với 421 nhân khẩu, trong đó có 24 hộ kinh doanh homestay. Hiện thôn có 12 hộ nghèo, chủ yếu là các hộ vừa tách ra, chưa có khả năng làm homestay.

Theo ông Chuyền, cách đây 5 năm khi chưa có dự án, một nửa thôn vẫn nghèo. Ông Chuyền cho biết ông vay ngân hàng 200 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để mở dịch vụ homestay từ năm 2015. “Tôi quyết định vay tiền làm du lịch để có thêm thu nhập ngoài nghề nông nghiệp. Du khách, đặc biệt là người nước ngoài, đến đây vì thích không khí trong lành và phong cảnh non nước hữu tình” - người đàn ông dân tộc Tày khoảng 50 tuổi chia sẻ. Ông Chuyền khoe rằng thôn Pác Ngòi đã khang trang hơn nhiều so với trước đây nhờ làm du lịch homestay.

Cách nhà ông Chuyền khoảng 200m là nhà nghỉ Khánh Toàn của ông Ngôn Văn Toàn (70 tuổi), người đầu tiên kinh doanh du lịch homestay tại thôn Pác Ngòi. Hiện gia đình ông Toàn vừa kinh doanh nhà nghỉ vừa duy trì 3.000m2 đất trồng lúa. Năm 1997, giám đốc một công ty du lịch người Pháp cùng vợ người Việt lên Bắc Kạn gặp ông Toàn và đặt điều kiện hợp tác làm du lịch homestay. Lúc đó, đường sá di chuyển khó khăn và phương tiện thông tin cũng chưa có gì. “Tôi đồng ý ngay vì so với nghề nông thì làm du lịch vui hơn, có tiền ngay và được nâng cao kiến thức, trình độ” - ông Toàn cười nói.

Ông Toàn kể những vị khách đầu tiên gia đình đón tiếp là một đoàn khách khoảng 10 người Pháp. Ông và vợ ra chợ mua thức ăn đặc trưng miền núi như lợn mán, gà đồi, rau rừng... cho khách ăn. Sau đó, đoàn khách Tây ăn ở bếp và căng màn ngủ trên nhà sàn. Mãi đến những năm đầu 2000 khi đường sá cải thiện, gia đình ông Toàn mới kinh doanh du lịch chuyên nghiệp hơn như đóng xuồng máy, thuê nhân công lái xuồng, chế biến các món ăn, cà phê kiểu Tây... Nhà nghỉ của ông có thể đón được 40-60 người, riêng năm 2017 đón từ 1.200-1.500 lượt khách Tây.

Trung bình khách phải chi 480.000-500.000 đồng/ngày đêm kể cả đi thuyền. “Nhân lực làm du lịch của nhà tôi gồm: tôi, vợ tôi, con trai và con dâu, có thuê thêm 2 người lái thuyền. Hôm nào đông khách thì mới thuê thêm người. Nhiều khách quay lại lần 2, lần 3. Họ ấn tượng bởi rừng núi, khí hậu trong lành, ăn uống. Họ cũng rất thích cách ứng xử trong các gia đình địa phương và văn hóa bản sắc dân tộc thiểu số” - ông khoe.

Ông Toàn cho biết thêm hàng năm các hộ kinh doanh homestay tổ chức họp tổng kết để đánh giá những việc làm được và chưa làm được. Sắp tới, ông định đề xuất tăng giá phòng lên 100.000 đồng/khách/đêm từ mức 70.000 đồng/khách/đêm áp dụng từ năm 2005 bởi “vì bây giờ vật giá leo thang và đường sá cũng đã tốt hơn trước”. Ngoài danh lam thắng cảnh, ông Toàn cho biết thêm cả thôn Pác Ngòi có tổng cộng 4 đội văn nghệ (mỗi đội gồm 8 người) luôn sẵn sàng phục vụ du khách thập phương các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc đậm đà bản sắc địa phương.

Đội văn nghệ thôn Pác Ngòi biểu diễn phục vụ du khách. Ảnh: Q.TR.
Đội văn nghệ thôn Pác Ngòi biểu diễn phục vụ du khách. Ảnh: Q.TR.

 

Dịch vụ còn nghèo nàn

Bắc Kạn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bắc Kạn, Vườn quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể là nơi tập trung hầu hết các tài nguyên du lịch quan trọng nhất của Bắc Kạn với các thắng cảnh: ao Tiên, đảo Bà Góa, đền An Mã, động Puông, thác Đầu Đẳng, thác Tát Mạ, sông Năng, động Hua Mạ, động Nà Phoòng, hang Thẳm Kít, hang Thẳm Phầy... Các bản nhà sàn ven hồ với mô hình du lịch homestay được gìn giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc lâu đời: nghệ thuật dân gian đặc sắc hát then, đàn tính, múa khèn; lễ cấp sắc, lễ cầu mùa; nghề thủ công như đan lát, dệt thổ cẩm, nấu rượu, thuốc nam, trồng trọt, đánh cá...

Ngoài ra, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc cũng rất phong phú. Người Tày có Lượn Cọi, Phong Slư, hát quan làng (hát đám cưới), hát then, hát pụt, có múa bát, múa quạt, múa đàn tính; người Nùng có hát sli, lượn Nàng ới, hát then, múa xiêng tâng; người Dao có hát páo dung, múa chuông, múa bắt ba ba, thổi khèn pí lè, có lễ cấp sắc...; người Mông có múa khèn, thổi sáo mèo, lễ hội gầu tào...

Ông Nguyễn Văn Hà, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bắc Kạn, cho biết dù Bắc Kạn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng các sản phẩm thu hút khách du lịch còn nghèo nàn như thiếu khu thương mại, dịch vụ, giải trí và sản phẩm du lịch đặc trưng. Do ít dịch vụ, phần lớn khách đến buổi sáng và về buổi chiều, thời gian trung bình lưu lại của khách chỉ từ 1,3-1,5 ngày/người. “Du khách chỉ đến để ngắm thắng cảnh êm đềm. Thời gian chết từ 19h-23h. Du khách nước ngoài cũng có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa nhưng các làng nghề gần ngày càng mai một đi” - ông Hà nói.

Một vấn đề khác, theo ông Hà, là vào mùa lũ, rác đổ về hồ Ba Bể rất nhiều. Đầu làng có lò đốt rác nhưng không giải quyết được gì. Ngoài ra, có khoảng 1.000 bà con trong các thôn, bản tham gia làm du lịch nhưng 70% không qua đào tạo. “Có chương trình đào tạo tiếng Anh cho bà con nhưng khi các thầy về thì bà con không còn nhớ gì. Tôi nghĩ hiệu quả nhất là dạy bà con học khoảng 3.000 từ vựng giao tiếp cơ bản” - ông Hà cho biết.

Ông Hà tiết lộ hiện đang có 3-4 nhà đầu tư quan tâm đến Bắc Kạn, trong đó có Saigontourist. “Khi chưa có khách đến thì rất mong khách nhưng khách đến dồn dập thì cơ sở hạ tầng không đủ năng lực tiếp nhận. Chúng tôi mong các nhà đầu tư giúp cải tạo con đường quanh hồ, cải tạo bến xuồng quanh hồ, xây khách sạn, xây dựng thêm các nhà hàng, trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí” - ông Hà kiến nghị.

Về hạ tầng du lịch, đầu năm 2018 UBND tỉnh Bắc Kạn đã đề xuất Chính phủ ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch ở tỉnh này như đường cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, cải tạo nâng cấp, mở rộng đường 258 (Phủ Thông - Ba Bể). Lãnh đạo tỉnh cũng đề xuất Tổng cục Du lịch hỗ trợ về liên kết phát triển du lịch vùng, định hướng nghiên cứu chiến lược phát triển du lịch phù hợp điều kiện thực tế của Bắc Kạn, liên kết các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour du lịch phù hợp, định hướng thị trường khách du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch sáng tạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và giới thiệu các nhà đầu tư lớn...■

Lượng khách du lịch không ngừng tăng

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn công bố tháng 1-2018, năm 2016 Bắc Kạn đ ón 400.000 lượt khách du lịch, năm 2017 đón 450.100 lượt (khách quốc tế là 13.778 lượt). Doanh thu du lịch năm 2016 đạt 280 tỉ đồng và năm 2017 đạt 315,2 tỉ đồng. Cơ sở lưu trú du lịch năm 2017 gấp ba lần năm 2005. Nguồn nhân lực du lịch tăng trưởng không ngừng, tốc độ tăng trưởng trung bình là 12,56%/năm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận