14/03/2017 09:24 GMT+7

Thổ Nhĩ Kỳ cắt quan hệ ngoại giao với Hà Lan

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Chính quyền Ankara tiếp tục thể hiện sự tức giận bằng tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao cấp cao với Hà Lan và thậm chí còn tấn công nhắm vào Thủ tướng Đức.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình trước lãnh sự quán Hà Lan ở thành phố Istanbul, ngày 12-3 với biểu ngữ kết tội Hà Lan là phát xít - Ảnh: AFP
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình trước lãnh sự quán Hà Lan ở thành phố Istanbul, ngày 12-3 với biểu ngữ kết tội Hà Lan là phát xít - Ảnh: AFP

Tối 13-3, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố dừng quan hệ ngoại giao cấp cao với Hà Lan sau khi nhà chức trách nước này ngăn cản các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu tại các buổi míttinh với cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Hà Lan nhằm kêu gọi sự ủng hộ đối với trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp sắp tới.

Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc họp nội các, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus tuyên bố quan hệ cấp cao và các cuộc gặp dự kiến từ cấp bộ trưởng trở lên giữa hai nước đã bị đình chỉ.

Ankara sẽ không cho phép Đại sứ Hà Lan ở nước này, ông Kees Cornelis van Rij, được trở lại cho đến khi "các điều kiện của chúng tôi đặt ra (liên quan đến các cuộc míttinh) được đáp ứng" để giải quyết căng thẳng hiện tại. Các chuyến bay ngoại giao cũng sẽ bị đình chỉ.

Trước tình hình khủng hoảng leo thang, bà Federica Mogherini, người phụ trách các vấn đề đối ngoại của EU, nhấn mạnh rằng "rất cần phải tránh để căng thẳng leo thang và tìm kiếm các giải pháp làm dịu tình hình".

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan giải quyết tranh chấp ngoại giao hiện nay. Theo Washington, cả hai nước đều là những đối tác lớn và là đồng minh trong NATO. Mỹ đã yêu cầu hai bên không leo thang căng thẳng và hợp tác để giải quyết vấn đề.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng đã đe dọa áp đặt trừng phạt và đưa Hà Lan ra Tòa án Nhân quyền Châu Âu liên quan đến vụ việc này.

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Erdogan cũng cáo buộc Thủ tướng Đức Angela Merkel "bảo trợ khủng bố" sau khi giới chức trách Đức thông báo không cho các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tới phát biểu trong các cuộc míttinh ở Đức nhằm kêu gọi người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống tại đây ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 16-4 tới.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ dường như không cần tuân thủ các phép tắc ngoại giao khi nêu các câu hỏi mang tính chỉ trích: "Bà Merkel, tại sao bà lại che giấu những tên khủng bố trong đất nước của mình? Tại sao bà không hành động đi?".

Kiểu cáo buộc này dựa trên quan điểm của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là chính quyền Berlin đang che chở cho những người đấu tranh vì quyền của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và những người tham gia cuộc đảo chính hụt ngày 15-7-2016 và đang xin tị nạn tại Đức.

Người phát ngôn của Thủ tướng Merkel đã ngay lập tức bác bỏ cáo buộc của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ. “Thủ tướng Merkel không có ý định tham gia vào một cuộc khiêu khích như thế”, ông Steffen Seibert, phát ngôn viên của Thủ tướng Merkel đáp trả.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên