20/07/2009 12:11 GMT+7

Thịt xông khói của người Cơ Tu

Theo HÒA VANG - Sài Gòn tiếp thị
Theo HÒA VANG - Sài Gòn tiếp thị

Thịt giữ được hương vị thơm ngon của thịt nướng nguyên vẹn, đặc trưng khi lấy trực tiếp từ gác bếp, vẫn còn mùi khói, vị cay của ớt, vị nồng nồng của tiêu rừng (amất)...

hZAibmoQ.jpgPhóng to
Thịt xông khói trên mái bếp của người Cơ Tu - Ảnh: Đông Giang

Nếu có dịp đến các làng của người Cơ Tu vào mùa lễ hội: lễ ăn mừng được mùa (Bhuối Aví), lễ ăn mừng nhà Gươl (Lang tơrí), lễ ăn mừng lúa mới (Chaha roo tơmêê)..., trong những lễ hội này thường có đâm trâu để cúng Giàng. Sau nghi lễ, trâu được xẻ thịt và chia cho dân làng và những người ở làng khác có công lao trong lễ hội. Trung bình mỗi người nhận vài ba ký.

Thịt được mang về xắt thành những thanh bằng hai ngón tay người lớn và dài khoảng 25cm, sau đó xâu vào sợi mây cám và treo dưới giàn bếp (người Cơ Tu gọi là b’riêng) để dự trữ thực phẩm ăn vào những ngày mưa gió, không đi rừng được. Hàng ngày nấu ăn, khói bếp và hơi nóng làm khô thịt. Thịt đã khô càng để lâu càng ngon.

Những gia đình có nhiều thịt trâu, họ tẩm ướp thịt với muối và các gia vị khác như ớt, sả, gừng, hạt tiêu rừng… Miếng thịt khi xông khói vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng, nhất là độ ngọt. Khi ăn người ta xé nhỏ dọc theo thớ, có thể ăn ngay hoặc nướng uống rượu. Miếng thịt trâu xông khói sau khi chế biến mùi khói gần như vẫn còn nguyên vẹn.

Người Cơ Tu thường sử dụng loại thịt xông khói này vào những dịp mưa, lũ hoặc những ngày giáp hạt hoặc đãi khách. Họ chế biến các món như nướng hoặc nấu với sắn, gạo, bắp, các loại rau rừng như cải tàu bay, búp chuối… Khi nướng thịt, người Cơ Tu nướng bình thường trên lửa than, sau khi chín đem ra đập thịt cho bay mồ hóng dính ở ngoài và để cho thịt mềm hơn. Món này chấm với muối tiêu rừng rất hợp và ngon.

Muốn dùng thịt này để nấu, xào thì phải ngâm nước dưới một giờ để thịt mềm ra, rửa sạch mồ hóng, sau đó thái ra xào hay nấu tuỳ thích. Thịt trâu, bò… xông khói nấu với mè đen (l’nghêy) là món ăn giòn, ngon và bổ.

Ngày nay, khi giao lưu văn hoá giữa các dân tộc, vùng miền ngày một phát triển, thịt xông khói không chỉ bó hẹp trong bữa ăn gia đình của người Cơ Tu mà trở thành món ăn “đặc sản” vùng cao phục vụ nhu cầu tìm tòi, khám phá các vùng đất hoang sơ của du khách.

Theo HÒA VANG - Sài Gòn tiếp thị
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên