15/04/2005 06:02 GMT+7

Thiếu tên đặt cho đường

PHÚC HUY
PHÚC HUY

TT - TP.HCM có khoảng 1.500 tuyến đường lớn nhỏ, trong số đó có đến 280 đường đặt trùng tên. Điều này gây khó khăn cho giao dịch, sinh hoạt hằng ngày của người dân, kể cả công tác quản lý của các cơ quan nhà nước.

wAnFtgKt.jpgPhóng to
Đường Lê Lai ở Q.1
TT - TP.HCM có khoảng 1.500 tuyến đường lớn nhỏ, trong số đó có đến 280 đường đặt trùng tên. Điều này gây khó khăn cho giao dịch, sinh hoạt hằng ngày của người dân, kể cả công tác quản lý của các cơ quan nhà nước.

Hội đồng đặt tên đường ra đời cách nay hơn 14 năm nhưng tên đường vẫn trùng lắp và nhiều đường chưa có tên.

Đường tên “bên hông chợ...”!

Nhân vật lịch sử Lê Lợi đã được gắn cho năm tuyến đường. Ngoài đường Lê Lợi nằm ở quận 1, từ chợ Bến Thành đến Nhà hát TP, gắn với các hoạt động lễ hội, được nhiều người biết đến, còn xuất hiện đường Lê Lợi ở quận 9, Tân Bình, Thủ Đức, Gò Vấp.

Nhân vật lịch sử Lê Lai cũng đem gắn cho ba đường khác ở quận 1, Tân Bình, Gò Vấp. Quang Trung lại được bốn quận huyện: Gò Vấp, quận 9, Hóc Môn, Củ Chi tranh nhau đặt tên. Danh nhân Nguyễn Công Trứ vừa ở quận 1, vừa quận 9, Bình Thạnh và Thủ Đức...

Ở quận Tân Bình lại có kiểu đặt tên lạ khác: đường bên hông Trường mầm non 10, đường bên hông hẻm đông lạnh, đường bên hông chợ Phạm Văn Hai thuộc phường 2, đường bên hông chợ Phạm Văn Hai thuộc phường 3... Một phó chủ tịch quận Tân Bình cho biết lúc đầu những tên đường này là do một vài người dân gọi với nhau cho dễ nhớ nhưng dần dần trở thành cách gọi phổ biến.

0XplzsMu.jpgPhóng to
Quận Gò Vấp cũng có đường Lê Lợi, Lê Lai
Một số tên đường còn được cập nhật vào các loại giấy tờ, hướng dẫn, giao dịch. Gần đây, một số tên đường đã đặt lại như đường bên hông chợ Phạm Văn Hai thuộc phường 2 sửa thành đường Đinh Điền, đường bên hông chợ Phạm Văn Hai thuộc phường 3 sửa thành đường Nguyễn Bặc. Nhưng thực tế còn nhiều tuyến đường khác thuộc Tân Bình vẫn tồn tại với tên đường gắn với tên trường, cơ sở hoặc địa danh gần đó.

Kinh nghiệm nhiều người cho rằng khi hỏi đường nên hỏi phường, quận nào, càng cụ thể càng tốt để khỏi phải chạy lòng vòng. Các cơ quan chức năng cũng rối bù với kiểu tên đường như vậy.

100 đường chưa được cho tên

Ông Đào Hà, trưởng Phòng quản lý đô thị quận 10, nói theo qui định quận huyện phải xin hội đồng đặt tên đường TP đặt tên khi mở rộng hẻm thành đường hoặc làm đường mới. Quận không có thẩm quyền đặt tên đường.

Tuy nhiên theo Phòng quản lý đô thị Bình Thạnh, ở những khu vực dân cư mới xây dựng do bức xúc về tên đường nên quận tự đặt tên và sử dụng như khu dân cư tại phường 25 có đường D1, D2... Tình trạng này cũng phổ biến ở khu dân cư Bình Trị Đông, quận Bình Tân như đường số 1, số 2, số 7...

Một phó chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết hiện quận còn khoảng 100 con đường chưa có tên. Quận đã nhiều lần kiến nghị hội đồng đặt tên đường TP cho quận nhưng đến nay vẫn chưa được “cho” tên đường nên vẫn còn gọi theo cách của quận.

f2rU16uf.jpgPhóng to
Và đường Lê Lai ở Q.Tân Bình!
Xin một lần cho xong!

Ông Lê Hiếu Đằng - phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP, trước đây là thành viên hội đồng đặt tên đường - nói từ bức xúc thực tế, hội đồng đặt tên đường hình thành cách nay hơn 14 năm.

Có hội đồng đặt tên đường vì sao tên vẫn trùng lắp? Ông Đằng nói lúc đầu hội đồng quan tâm nhiều đến những đường chưa có tên hoặc đổi những đường mang tên nhân vật lịch sử, hoạt động chính trị chưa phù hợp, chưa tính đến việc sửa các tên đường trùng lắp. Mặt khác lúc đó hội đồng cũng chưa nắm hết tên đường trên địa bàn TP.

Theo ông Đằng, trước đây qui định đặt tên đường phải chọn những nhân vật lịch sử nổi bật nên có thể thiếu tên để đặt. Hiện nay cần “thoáng” hơn trong chuyện chọn nhân vật để đặt tên đường, nên có những anh hùng nổi bật trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ của địa phương.

“Chuyện số nhà, tên đường các cơ quan chức năng nên ngồi lại một lần giải quyết cho xong, hạn chế gây phiền hà, rắc rối. Với những nhân vật lịch sử được chọn đặt tên đường tại các quận trung tâm, quen thuộc với nhiều người không nhất thiết phải thay đổi liên tục, gây xáo trộn sinh hoạt. Cũng nên xem xét chọn các nhà văn nổi tiếng ở VN để đặt tên đường” - ông Đằng đề xuất.

Ban văn hóa - xã hội, HĐND TP cho biết UBND TP đã đề xuất HĐND TP thành lập bộ phận soạn “Quĩ đặt, đổi tên đường của TP”. Hiện 171 nhân vật, địa danh do UBND TP đề xuất đang gửi đến các đại biểu HĐND TP để lấy ý kiến. Dự kiến kỳ họp vào tháng 7-2005 tới sẽ đưa ra góp ý, thông qua.

VU9hl0CO.jpgPhóng to
Kết hợp đổi tên đường với chỉnh sửa số nhà

Phó Ban văn hóa - xã hội, HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Minh cho biết:

Mỗi nhân vật được giới thiệu chọn đặt tên kèm theo tiểu sử, công trạng để các đại biểu tham khảo. Có 12 nguyên tắc để chọn như chỉ sử dụng tên những người đã mất; đường đặt tên dài tối thiểu 100m, rộng 12m trở lên; tên các nhân vật gắn liền với các sự kiện lịch sử cùng thời, cùng lĩnh vực, địa danh lịch sử được đặt gần nhau hoặc cùng một tuyến đường...

Việc chọn nhân vật đặt tên đường ở khu vực nội, ngoại thành, đại lộ, đường nhỏ... do UBND TP quyết định. Sau này, “Quĩ đặt, đổi tên đường của TP” sẽ được bổ sung liên tục để khi đường mới mở ra có tên đặt ngay.

Khi đổi tên đường chắc chắn sẽ gây xáo trộn ít nhiều cho người dân, nhất là các cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhưng ở mức độ nào đó người dân nên chấp nhận thay đổi một lần để sau này ổn định. Trước mắt sẽ thay đổi đường trùng tên hoặc hai tên khác nhau của một nhân vật để đặt tên đường.

Cùng với việc đặt đổi tên đường, theo tôi, các cơ quan chức năng cũng nên kết hợp với chỉnh sửa số nhà sao cho khoa học, tránh xáo trộn nhiều lần cho người dân.

Song song với việc đặt tên đường các ngành chức năng cũng sẽ làm công tác tuyên truyền về các nhân vật được chọn để người dân hiểu thêm về nhân vật đó.

Trong số 171 nhân vật, địa danh được giới thiệu chọn đặt tên đường các đại biểu đang góp ý gồm 37 nhân vật lịch sử, 12 lãnh đạo Đảng, cơ quan đoàn thể cách mạng, 52 bà mẹ VN anh hùng, 70 địa danh tiêu biểu.

PHÚC HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên