Thiếu kỷ cương - mối nguy từ nợ công

C.V.KÌNH - TRUNG HÀ 01/08/2016 20:08 GMT+7

TTCT - Hàng loạt địa phương làm trái chỉ đạo của Thủ tướng về nợ xây dựng cơ bản. Một kiểu “lách luật” mới nảy sinh: doanh nghiệp tự đăng ký và ứng tiền làm dự án, khi nào địa phương có tiền thì trả lại.

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

Kiểm toán Nhà nước vừa trình Quốc hội một thực tế gây giật mình: hàng loạt tỉnh thành phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, trái với chỉ thị của Thủ tướng.

Trao đổi với TTCT, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, cho rằng chuyện nợ đọng xây dựng cơ bản ở các địa phương đã diễn ra nhiều năm, tại nhiều địa phương và nhiều cấp, nhưng tiếp tục phát sinh sau khi Thủ tướng đã yêu cầu không để nợ đọng thêm là vấn đề đáng ngại. Vì dù ít hay nhiều sẽ liên quan đến nợ công, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, bệnh thành tích...

Nợ xây dựng cơ bản nếu không đưa được vào cân đối để thanh toán thì về bản chất sẽ dẫn đến tăng nợ công, mà trực tiếp là nợ trong nước của Việt Nam.

 

Nợ trong nước hiện nay đã chiếm khoảng 53% tổng nợ công. Trong khi đó, theo báo cáo nợ nước ngoài năm 2015 của IMF, nợ nước ngoài của Việt Nam đã cao hơn nhiều nước. Chiều hướng tăng lên là đáng lo và năng lực trả nợ của chúng ta sẽ bị thách thức...

Nguy cơ chi phí cao, nợ chồng nợ

Thưa ông, ngân sách khó khăn, Thủ tướng đã chỉ thị không để nợ đọng xây dựng cơ bản mới. Nhưng rồi không chỉ một tỉnh mà hàng loạt tỉnh vi phạm. Có vấn đề gì chăng?

- Tăng nợ đầu tư xây dựng cơ bản có lý do từ các doanh nghiệp nhà nước nhưng cơ bản do chính quyền các địa phương.

Thực tế ở địa phương có rất nhiều dự án cần thiết. Khi bước vào nhiệm kỳ mới hay chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ cũ, thường các dự án lớn được triển khai để đem lại tầm vóc mới cho tỉnh, nó cũng đóng góp vào tăng trưởng GDP, vào dấu ấn của một nhiệm kỳ lãnh đạo...

Trước đây, địa phương nào cũng có dự án, công trình cứ khởi công trước, sau đó chạy đi xin vốn từ trung ương. Họ nghĩ rồi Nhà nước sẽ có vốn bố trí nên cứ làm. Kết quả phát sinh nợ đọng, ở lĩnh vực xây dựng cơ bản cả nước có báo cáo lên tới gần 100.000 tỉ đồng.

Để tái cơ cấu đầu tư công, phòng chống lạm phát..., Thủ tướng đã chỉ thị dừng, giãn, hoãn các dự án chưa thật cấp thiết hoặc chưa có khả năng cân đối vốn. Chỉ thị rất nổi tiếng số 1792 của Thủ tướng nêu rất rõ, phải xác định rõ nguồn vốn của công trình ở đâu, đảm bảo có vốn mới khởi công. Sau đó đã có chỉ đạo chưa xử lý xong nợ đọng cũ thì chưa khởi công mới.

Thực hiện các quyết sách này, trên lý thuyết thì không thể nào tăng thêm nợ đọng được, nhưng thực tế nó cứ tăng vì người ta vẫn có cách làm. Đó là có một số dự án mà tỉnh quan tâm, doanh nghiệp tự đăng ký, tự ứng tiền xây dựng, khi nào tỉnh có tiền thì hoàn trả.

Dự án như vậy sẽ chuyển sang dạng dự án xã hội hóa. Nó cũng không trái với chỉ thị 1792 của Thủ tướng, vì doanh nghiệp xác định xong vốn rồi mới thi công.

Đặc biệt, do doanh nghiệp tự lo vốn nên nó cũng không cân đối vào đầu tư công. Số vốn này cũng khá “linh hoạt”, tăng thêm so với dự toán. Cơ chế ta vẫn chưa cấm, kẽ hở trên chưa được bịt thì họ cứ làm và nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn phát sinh.

Về bản chất thì nó vẫn là công trình đầu tư từ ngân sách, vì cuối cùng ngân sách và người dân sẽ phải chi trả. Nếu cứ để lỗ hổng thế thì nguy cơ nợ địa phương cộng vào nợ công từ Chính phủ vay và bảo lãnh sẽ tăng rất nhanh?

- Các địa phương vay qua doanh nghiệp như kể trên thì chưa có cơ chế nào cấm. Cái này đáng lo, vì khi doanh nghiệp tự ứng tiền ra làm dự án cho tỉnh, tất nhiên đó phải là doanh nghiệp dạng nào đó mới được tỉnh đồng ý, nhưng cuối cùng tỉnh vẫn phải thanh toán.

Trong khi đó, vì là các dự án doanh nghiệp tự ứng tiền, tự làm, cơ bản không phải qua đấu thầu. Hoặc triển khai theo dạng BT (xây dựng, chuyển giao), chẳng hạn doanh nghiệp được làm dự án đường mà Nhà nước đã làm 90% rồi, họ chỉ trải thảm thêm lớp nhựa, mở rộng đôi chút rồi thu phí. Nên dù chưa thấy tiền đâu nhưng rất nhiều doanh nghiệp vẫn lao vào làm.

Như vậy, bản thân doanh nghiệp cũng chịu rủi ro nếu ngân sách không có tiền trả, địa phương và đất nước còn chịu rủi ro lớn hơn vì dự án có thể chi phí cao, chưa thật cấp thiết vẫn làm?

- Tất nhiên doanh nghiệp khi làm phải được lãnh đạo địa phương đồng ý và ủng hộ họ mới làm. Và họ cũng tin là ngân sách sớm muộn gì cũng sẽ chi trả. Đương nhiên, khi doanh nghiệp tự vay, tự làm, trong khi chưa chắc khi nào được trả, họ phải tính vào đó tất cả chi phí rủi ro nên giá thường rất cao.

Cái này không chỉ gây rủi ro về tính hiệu quả của dự án khi chi phí đầu tư cao, mà còn có thể gây rủi ro cho cả nền kinh tế, bởi doanh nghiệp phải tự đi vay thì họ phải tìm mọi cách để ngân hàng cho vay. Nếu tỉnh không cân đối được ngân sách, nợ doanh nghiệp thành nợ xấu ngân hàng.

Các ngân hàng cũng là doanh nghiệp, khi gặp nợ xấu có thể mất vốn thì họ phải trích lập dự phòng, tăng lãi suất để tránh lỗ. Cái này vô hình trung đẩy chi phí của những doanh nghiệp bình thường lên...

Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến ai cũng muốn làm, dù rủi ro ai cũng biết cả?

- Lý do có rất nhiều vì nó liên quan đến đầu tư, liên quan đến dự án, mà trước nay ngay đại biểu Quốc hội còn nói thẳng trên hội trường rằng có tình trạng chạy dự án, rồi kinh phí bôi trơn 10-30%. Nhưng tôi cho rằng cũng có những lý do chính đáng.

Vì nhu cầu địa phương là cấp thiết, chờ vốn trung ương thì không biết đến bao giờ. Chờ xử lý xong nợ cũ thì cả năm tỉnh cơ bản không có dự án đầu tư xây dựng cơ bản mới. Lãnh đạo có tâm huyết họ cũng muốn có dự án để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, qua đó để lại dấu ấn của mình.

Không loại trừ do các địa phương tự tính GDP nên họ cũng rất muốn làm vì đi đâu cũng thấy các tỉnh bảo tăng GDP của chúng tôi cao gấp rưỡi cả nước.

Vấn đề là làm sao chọn được dự án thật sự cấp thiết, chứ có những công trình nói là cần thì đúng nhưng cấp thiết chưa thì chưa chắc. Không cần nhìn đâu xa, mấy năm trước Hà Nội muốn xây bảo tàng, bao nhiêu ý kiến can ngăn nhưng vẫn quyết tâm xây.

Xây xong rồi giờ mới thấy khó sử dụng vì không biết làm cho nó hiệu quả, dân không vào. Ngay Nhà hát lớn Hà Nội đáng ra phải theo nhu cầu các buổi biểu diễn nghệ thuật lớn, chất lượng cao, nay lại gánh thêm việc cho thuê hội nghị, lễ nhận huân huy chương... Những dự án như thế không ít đâu...

Phải bịt kẽ hở

Cái bất thường là theo báo cáo kiểm toán thì đâu cũng thấy sai? Số sai rất nhiều, xử lý làm sao?

- Phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản có yếu tố kỷ luật ngân sách không nghiêm, nhưng cũng có yếu tố do cơ chế chúng ta còn kẽ hở. Vì vậy, phải tìm cách bịt chỗ này. Câu chuyện nợ đọng mới sẽ không đơn giản, bởi nợ cũ các địa phương vẫn chưa trả hết.

Các dự án doanh nghiệp tự ứng tiền làm phải được quản lý chặt chẽ, nếu xác định ngân sách chi trả phải được quản lý như dự án đầu tư công. Quy định về xã hội hóa cần phải chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, chỉ thị không khởi công mới, không tăng mới nợ đọng xây dựng cơ bản cần được coi là chỉ tiêu pháp lệnh, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm về mặt chính trị nếu vi phạm quy định này, chứ lâu nay kiểm toán chỉ ra vi phạm không ít, nhưng cơ bản chưa thấy có ai bị xử lý nên tình trạng vi phạm vẫn chưa dừng.

Nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh như thế không chỉ là nợ, mà còn tạo nhiều nguy cơ, gánh nặng nợ công và cả hiệu quả cho nền kinh tế. Vậy lâu dài làm sao để chặn, thưa ông?

- Vấn đề lớn hơn, theo tôi, không phải chỉ xử lý cho doanh nghiệp tự ứng hay không cho, mà sâu xa hơn là câu chuyện phân cấp. Hiện nay địa phương có quyền rất lớn, HĐND được quyết việc chi ngân sách, 70% ngân sách giờ chi cho địa phương (kể cả tự cân đối và trung ương hỗ trợ).

Cơ chế phân cấp nên được xem xét điều chỉnh lại. Địa phương có quyền nhưng phải có báo cáo, thẩm định từ trung ương. Công tác quy hoạch cũng phải làm tốt hơn. Ở nhiều nước, khi có quy hoạch phải quy hoạch cùng lúc.

Ở ta, quy hoạch vùng Tây nguyên có trước thì phê duyệt trước, Tây Nam bộ có sau thì phê duyệt sau. Phải chuẩn bị kỹ, phê duyệt thì phê duyệt luôn, qua đó thấy ngay được cái nào kết nối, dự án nào cần, ưu tiên cái nào...

Lâu dài nữa, cần tiếp tục sửa đổi Luật ngân sách nhà nước dù mới được thông qua. Phải tái cơ cấu lại cả thu cả chi ngân sách, chứ không phải chỉ tăng thu, giảm chi một cách đơn giản. Có khoản cần chi thêm, nhưng cơ bản là thắt chặt.

Có khoản cần thu đủ, nhưng cơ bản là cần khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu. Từ đó làm cho khoản thâm hụt ngân sách giảm đi, nợ công được kiểm soát tốt hơn. Ngoài ra, cần yêu cầu công khai minh bạch, xin ý kiến nhân dân các dự án đầu tư công.

Phải có cơ chế đủ hiệu quả trong giám sát của xã hội mới đảm bảo tiền tập trung vào các dự án đầu tư công thật sự cần thiết. Nhân dân phải được tham vấn ý kiến trực tiếp hoặc qua các đại diện của mình, qua các tổ chức xã hội có thể tham gia ý kiến và sự tham gia này phải có giá trị điều chỉnh dự kiến ban đầu. ■

Hàng loạt tỉnh không tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng

Theo báo cáo về kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2014 vừa trình Quốc hội, hầu hết các địa phương chưa tuân thủ triệt để những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản theo chỉ đạo của Thủ tướng, dẫn tới 39/50 địa phương được kiểm toán phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới trong năm 2014 với số tiền lên tới trên 13.300 tỉ đồng (điển hình là Thanh Hóa nợ thêm 1.729,26 tỉ đồng; Hà Giang 1.093 tỉ đồng; Quảng Nam 1.062 tỉ đồng; Hà Nội 939,7 tỉ đồng; Ninh Thuận 442 tỉ đồng; Lạng Sơn 270 tỉ đồng; Quảng Ninh 241,66 tỉ đồng; Bắc Ninh 220 tỉ đồng...).

(Nguồn: Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước)

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận