Thi gà đẹp đất Việt

TTCT - Cũng có sàn diễn, ban giám khảo và các tiêu chí “đẹp” hẳn hoi, ban tổ chức đã bày ra cuộc chơi cho những chú gà đến từ mọi miền đất nước.

Những “người đẹp” này được đo chiều cao, cân nặng, đánh giá ngoại hình, dáng vẻ, “ứng xử”... Ban giám khảo cũng mướt mồ hôi để chọn ra “hoa hậu”.

Phóng to
Quang cảnh buổi thi Gà đẹp đất Việt 2012 - Ảnh: Dương Thế Hùng

Mới sáng sớm, khuôn viên Bảo tàng tỉnh Đồng Nai đã tấp nập xe cộ mang biển số các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ và TP.HCM. Người ta đem theo những chiếc cặp bự và bội nhốt gà, đặt trên khoảng sân rộng xung quanh có hàng ghế khán giả, dải băng phân cách khu vực khán giả và thí sinh. Mặt chính sân là bàn của ban tổ chức và ban giám khảo cùng máy móc lỉnh kỉnh.

Hôm nay (29-4) là cuộc hội ngộ của những chú gà đẹp từ khắp nơi, tham gia cuộc thi “Gà đẹp đất Việt năm 2012” do CLB Gà kiểng quận 6, TP.HCM, tổ chức.

Bí mật tới phút chót

Trước giờ khai mạc, danh tánh các thí sinh đều được giữ kín, kể cả chủ nuôi. Tất cả đăng ký bằng mã số và được ban tổ chức phát số báo danh. “Để đảm bảo cuộc thi khách quan và cũng để khuyến khích mọi người cùng tham gia, chớ nếu để “lộ hàng” thấy gà người ta đẹp, gà mình hơi kém thì sẽ có người bỏ cuộc, mất vui” - anh Phạm Ngọc Hùng, trưởng ban tổ chức, giải thích.

Khi những chiếc cặp bự được mở ra, bên trong những chú gà rúc rích lú đầu ra kêu oang oác, sắp hàng thẳng tắp trong những chiếc bội xinh xinh. Bỗng chốc, khoảng sân vỡ òa sắc màu của những chú gà sặc sỡ, mang trên mình những bộ lông vừa dài vừa dày mượt, vừa thướt tha vừa hùng dũng. Các chú đi quanh trong bội, chú thì vỗ cánh gáy, chú cục ta cục tác, khi ưỡn ngực, lúc quay đuôi như cố ý “khoe hàng”. Khán giả trầm trồ xuýt xoa, bình luận khen chê, rồi lấy máy ra chụp hình, quay phim.

Phóng to
Ban giám khảo làm việc mướt mồ hôi - Ảnh: D.T.H.

Phải là giống gà tre Việt

“Tổng số có 55 thí sinh dự thi. Ban giám khảo sẽ tuyển chọn 20 thí sinh vào vòng sơ khảo, sau đó sẽ chọn tiếp top 10 vào vòng chung khảo, tranh danh hiệu Gà đẹp đất Việt…” - tiếng loa của ban tổ chức vang lên. Cùng lúc đó, các thành viên ban giám khảo đã bắt tay vào việc. Họ đến coi mặt từng chú gà, nhìn kỹ từ dáng đi, bộ lông mã, màu sắc cho tới những chi tiết nhỏ như mồng, trích, mỏ, mắt…

Anh Hùng cho biết tiêu chí đầu tiên phải là giống rặt gà tre Việt, không lai tạo. Kế đó phải thật sự phát triển tự nhiên, không can thiệp “dao kéo”. Kỹ thuật hiện đại thời nay có thể giúp người nuôi gà phẫu thuật được phao câu (nơi sản sinh bộ lông đuôi dài và cong tuyệt mỹ) từ chỗ bị lệch trở nên ngay ngắn lại. Hoặc có thể “dạt” cái mồng hơi dư thịt một chút cho nó cân đối khuôn mặt.

Vòng sơ khảo diễn ra khá nhanh, tới vòng hai đã bắt đầu căng thẳng bởi các thí sinh ngang bằng “trình độ”. Lúc này, giữa sân được đặt thêm một cái bàn, trên có cái lồng. Khi được xướng danh, từng thí sinh được đưa vô đó sau khi đã gắn số báo danh trên lồng. Mọi người nói vui “giống như sàn catwalk” của người mẫu thời trang.

Trong thời gian hai phút, từng chú phải thể hiện “bản lĩnh đàn ông” bằng dáng đi khoan thai, tự tin, lanh lợi hoặc cất tiếng gáy vang. Nhiều người không thể nhịn cười khi thấy những chú do “tâm lý” khi lên sàn nên bị “rót”, dáng người co cúm lại rất thiểu não. Phải đợi đến khi nhìn thấy em gà mái do ban tổ chức thả lên trên nóc lồng thì chú ta mới “hồi dương”, sung độ vỗ cánh gáy.

Phóng to
Chủ gà được trao giải thưởng tại cuộc thi - Ảnh: D.T.H.

Trong khi đó, ban giám khảo đã phải lau mồ hôi liên tục vì căng thẳng. Họ phải đọ kỹ từng chi tiết giữa bảng điểm ứng với thể hình của từng thí sinh. Khi đã chọn được tám thí sinh vào top 10, còn lại tới năm thí sinh đồng điểm, vậy là phải bỏ phiếu biểu quyết chọn thêm hai.

Anh Hùng cho biết thành viên ban giám khảo phải là người giỏi nuôi, am hiểu gà kiểng và đặc biệt là công tâm. Họ được mời đến từ các tỉnh khác nhau và không có “gà nhà” tham dự cuộc thi. Ở vòng chung kết, ban giám khảo thậm chí phải bồng từng thí sinh trong tay để khám coi chúng có bị chủ nhân “độn” đồ giả không, chẳng hạn dán keo thật khéo chiếc lông đuôi giả…

Mãi gần đến 3g chiều, sau nhiều tranh luận căng thẳng, ban giám khảo nhất trí công bố kết quả. Giải nhất thuộc về con Chuối trắng của anh Lý Bỉnh Đường (TP.HCM), giải nhì là gà Nhạn của anh Long Hiệp (Long An), giải ba thuộc về gà Chuối vàng của Quốc Dũng (Long Xuyên, An Giang). Hai giải khuyến khích là gà Chuối lửa của Văn Chí (Long Xuyên) và Lý Bỉnh Đường (TP.HCM).

Phóng to
Chú gà Nhạn khoe dáng đi hùng dũng - Ảnh: D.T.H.

Thú điền viên giữa lòng phố thị

Một chiều giữa tháng 5-2012, chúng tôi tìm đến trại nuôi gà kiểng của anh Thành Nhân ở quận 7, TP.HCM. Giữa khu nhà phố chật chội, anh vẫn dành hẳn khoảng sân vườn nhỏ chừng 50m2 thả nuôi gà tre kiểng. Chuồng được đóng sát vách tường, trên có mái che, dưới có đường thoát nước, bên trong ngăn từng ô riêng biệt có máng ăn, nước uống đầy đủ. Nền chuồng được lót trấu sạch sẽ “để giữ ấm cho gà và dễ dọn vệ sinh” - anh Nhân giải thích.

Ngoài ra, lót trấu cũng là cách để giảm cân cho gà bởi nó có tật hay bươi, mổ, gặp cái gì cũng ăn. Anh Nhân còn tranh thủ trồng xen những bụi chuối cao xõa bóng mát giống như khu vườn ở quê.

Điều quan trọng để có gà đẹp là kỹ thuật “đổ” giống, tức cho gà phối với nhau. Anh chỉ chúng tôi xem một ổ gà đang ấp ở góc chuồng, trên là nàng gà mái nhỏ xinh, dưới là hơn chục trứng gà trắng nõn. Nhân cho biết anh đang “o” lứa gà đẹp mới, cha nó là một chú Điều lửa “đổ” với mẹ là nàng Nhạn trắng. Tùy hên xui mà đàn con sau này có thể đẹp liền, nhưng cũng có lúc phải đợi tới đời F3, F4 mới đẹp. Giống đẹp thường phải lặn lội sưu tầm tận các tỉnh, có khi lên tới biên giới rừng núi Tây Nam giáp với Campuchia.

Phóng to

Gà Điều với lông bờm và lông mã xúng xính như dũng tướng - Ảnh: D.T.H.

Nhưng không phải ai cũng có điều kiện vườn rộng như anh Nhân. Đa số người chơi ở TP.HCM đều phải tận dụng góc nhà hoặc sân thượng chật hẹp bố trí chuồng nuôi. Ngoài chuyện chăm sóc gà, vệ sinh chuồng hằng ngày, đến mùa dịch cúm là người nuôi phải chạy đôn chạy đáo chích ngừa, xịt thuốc phòng dịch.

“Vì đam mê nên phải chịu khó thôi. Nó tạo nên cảm giác thư giãn, nhắc lại kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu ở dưới quê” - anh Quách Nguyên, chủ nhiệm CLB Gà kiểng quận 6, bộc bạch. Thử hình dung con gà nuôi từ nhỏ, mũm mĩm tròn như trái bóng bàn. Lớn lên gà thay đổi từng ngày, đám lông bắt đầu trổ mã cho tới lúc lên màu, phủ dài xuống hông... Phần lớn dân Sài Gòn xuất thân từ dưới quê nên sáng nghe tiếng gà gáy, ngắm nhìn chúng ve vãn đám gà mái chẳng khác nào thú điền viên giữa lòng phố thị.

Phóng to
Gà Chuối với bộ lông “phủ phê” - Ảnh: D.T.H.

Ở các tỉnh miền Tây, nhờ đất vườn rộng rãi nên phong trào nuôi gà kiểng phát triển mạnh. Hầu như tỉnh nào cũng có CLB gà kiểng, tuần nào anh em cũng đem gà tới điểm hẹn ngắm nghía, bình phẩm, trao đổi kinh nghiệm. Anh Lê Văn Hiền, thành viên CLB Gà kiểng Long Xuyên, cho biết đất vườn rộng nên anh em mặc sức thả nuôi và nhân giống gà đẹp. Đây lại là vùng đất gần cái nôi có giống gà kiểng Tân Châu nổi tiếng nên người chơi càng thêm hứng thú.

Hằng năm, các tỉnh đều tổ chức hội thi gà đẹp để chọn ra “gà hoa hậu”, tạo điều kiện cho người nuôi thi thố. Sau cuộc thi, gà đoạt giải sẽ được nâng giá trị lên gấp nhiều lần, có khi cả trăm triệu đồng. Và cũng có nhiều “đại gia” săn đón mua về làm giống, vật trang trí cho thỏa chí đam mê.

Gà đẹp phải có dáng đứng thẳng, cổ vươn cao, ngực hơi ưỡn về phía trước. Tướng đi lúc khoan thai, lúc dồn dập, nhịp nhàng, thể hiện sự oai phong, hùng dũng nhưng cũng không kém phần quyến rũ. Tiếng gà gáy thanh và trong biểu hiện sự sung mãn. Gà có màu sắc đa dạng, nhưng giới chơi gà thường ưu tiên chọn tông màu sáng hoặc màu “độc” (xám, ô rất hiếm) và chăm chút bộ lông gà đạt được độ bóng, mịn.

Ngoài ra, gà còn phải có sức khỏe tốt, đạt độ sung mãn vào đúng điểm rơi khi thi đấu. Muốn vậy, người nuôi phải có chế độ dinh dưỡng phù hợp, luyện tập thường xuyên sao cho con gà trở nên dạn dĩ với chủ, tập cho chúng những động tác…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận