21/03/2015 09:38 GMT+7

​Thêm ngôi trường “Tháng ba biên giới”

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Sáng 20-3, hành trình “Tháng ba biên giới” tiếp tục với cung đường Hạnh Phúc từ Lũng Cú ra xã Minh Tân (huyện Vị Xuyên, Hà Giang).

Ông Lê Khắc Hiệp tặng quà cho học sinh ở điểm trường Thượng Lâm (Hà Giang) - Ảnh: Ngọc Quang

Ở đây đã có thêm một ngôi trường mới cho học sinh ở điểm trường Thượng Lâm.

Đây cũng là ngôi trường thứ ba của hành trình “Tháng ba biên giới” mà những người làm báo Tuổi Trẻ đã thay mặt bạn đọc cả nước xây tặng các thầy cô và học sinh miền biên ải.

Trường mới của “Tháng ba...”

Trên đường từ thành phố Hà Giang đi theo cung đường 4C (đường Hạnh Phúc) vào chừng 20 cây số, bạn sẽ thấy ở lưng chừng núi có dòng chữ màu trắng rất to “Cao nguyên đá Đồng Văn”.

Ở chính ngay vị trí có thể ngước lên cao nhìn thấy thông điệp chỉ dẫn bước vào vùng di sản thế giới ấy, rẽ trái thêm 10 cây số sẽ đến Trường tiểu học Thượng Lâm nằm ở thôn nhỏ trên biên ải Vị Xuyên.

Tròn sáu tháng trước, khi khảo sát xây dựng điểm trường này, với chúng tôi, điểm trường ở Thượng Lâm chỉ là những phòng học che mưa che gió bằng những tấm gỗ xiêu vẹo nằm trên đỉnh núi cao, nơi sinh sống của đồng bào người Mông, người Hán...

Hôm lên dự khởi công, ông Đào Văn Công - bí thư Đảng ủy xã Minh Tân - nói với chúng tôi: “Mùa mưa thì không phương tiện nào có thể vào được Thượng Lâm, chỉ có đi bộ.

Còn mùa khô này, đường vào Thượng Lâm rất dốc, vẫn trơn trượt lắm, phải chằng thêm xích bên ngoài bánh xe để tăng độ bám cho xe. Hơn 10km nhưng nếu người quen đường đi cũng mất 70-80 phút mới vào được đến nơi. Cả đi cả về hết nguyên một bình xăng đầy...”.

Điểm trường Thượng Lâm với ba phòng học xây kiên cố cùng cổng ngõ và hàng rào.

Tổng kinh phí xây dựng ngôi trường hơn 800 triệu đồng do Tập đoàn Vingroup tài trợ.

Đơn vị phối hợp với báo Tuổi Trẻ thực hiện công trình là Tỉnh đoàn Hà Giang.

Đúng như những gì bí thư Đảng ủy xã cảnh báo, con đường đến Thượng Lâm dù khá rộng nhưng càng đi càng dốc.

Mặt đường chủ yếu là đá lổn nhổn, nhiều đoạn không có đá thì đất gan gà cực kỳ trơn trượt. Nhiều đoạn mặt đường còn có những khe, rãnh sâu hoắm do những dòng nước mùa mưa tạo nên.

Đưa chúng tôi đi là những “tay lái lụa” đã khá quen đường. Vậy nhưng rất nhiều đoạn người ngồi sau phải xuống xe đi bộ vì đường trơn trượt khá nguy hiểm.

Đi bộ nhưng nhiều người chúng tôi vẫn ngã oành oạch. Xe máy thì quay tít bánh, trượt lắc văng hết bên này sang bên kia đường. Vực một bên vẫn sâu thăm thẳm. Hôm đó mất gần hai tiếng đồng hồ từ Hà Giang chúng tôi mới đến được trung tâm thôn Thượng Lâm, nơi có điểm trường của gần 100 trẻ em mầm non và 53 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.

Thời điểm đó trường vẫn chỉ có ba phòng học xây theo lối “trình tường”, mái lợp fibro ximăng, và theo thầy Bế Trọng Tuyến, hiệu trưởng Trường tiểu học Minh Tân B, mấy phòng học này được xây dựng từ nguồn vốn chương trình 135 hơn chục năm trước.

Qua thời gian, các phòng học xuống cấp, mái ngói vỡ nhiều chỗ, ngồi trong phòng mà nhìn thấu trời xanh. Tuy nhiên, bất chấp điều kiện trường lớp xuống cấp như vậy cùng việc đi lại vô cùng khó khăn, cả bốn nữ giáo viên cắm bản vẫn hằng ngày miệt mài dạy dỗ đám trẻ.

Gieo tin yêu từ những bản làng biên ải

Nơi vùng đất phên giậu Tổ quốc mỗi ngày vẫn vang lên những tiếng ê a, i tờ của học sinh nghèo. Cô giáo Bùi Thị Thu Hiền (41 tuổi), tổ trưởng tổ giáo viên cắm bản Thượng Lâm, chia sẻ với chúng tôi: “Nơi biên thùy gian khổ, nghèo khó nhưng được cái bà con người Mông, người Hán ở đây vẫn rất biết phải để con cái được học hành mới phát triển được. Thấy phụ huynh và học sinh đều trân trọng sự học nên các giáo viên về đây cắm bản cũng phấn chấn, nhọc nhằn được an ủi”.

Có lẽ cũng vì tình cảm ấy mà cô Hiền cùng ba đồng nghiệp là cô Nguyễn Thị Thảo (48 tuổi), Nguyễn Thị Bên (46 tuổi), Hồ Thị Hồng Nhung (35 tuổi) đã không quản ngại gian khó mang chữ đến với Thượng Lâm gần ba năm nay.

Vì còn gia đình, con nhỏ nên mỗi ngày hai cô giáo Hiền và Thảo vẫn lặn lội đi về trên những cung đường gian khó của Thượng Lâm. Hai cô giáo Bên, Nhung do nhà quá xa nên cả tuần phải “cắm bản”  tại điểm trường.

Cô giáo Hiền kể: Nhà ở tận TP Hà Giang, cách điểm trường gần 50km. Sáng sớm mỗi ngày bất kể mưa nắng, bão lũ, cô Hiền vẫn phải vượt cung đường này để đến lớp.

Gần 30km từ nhà đến xã Minh Tân chỉ mất gần một tiếng đồng hồ, nhưng hơn 10km từ xã vào điểm trường có khi mất cả tiếng. Thành ra cứ mỗi ngày, 6g sáng là cô Hiền lại lọ mọ dắt xe rời khỏi nhà, 18-19g tối mới trở về.

Niềm vui của ngày khánh thành “ngôi trường tháng ba” không chỉ là niềm vui của các cô giáo và học sinh. Ông Lê Khắc Hiệp - phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đơn vị hỗ trợ xây dựng ngôi trường biên ải này - đã không giấu sự xúc động khi đến với Thượng Lâm.

Bày tỏ niềm tin với mái trường khang trang đang có hôm nay, các em học sinh sẽ cố gắng học hành để sau này trở thành người có thể đóng góp giúp lại quê hương, ông Hiệp hi vọng Vingroup sẽ nỗ lực kinh doanh để từ lợi nhuận của mình đóng góp thêm cho chương trình, cụ thể là giúp đỡ những người dân biên ải có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Chương trình “Tháng ba biên giới” đã thành công tốt đẹp. Ban biên tập báo Tuổi Trẻ và ban tổ chức chương trình xin được chân thành cảm ơn sự phối hợp, giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền, đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang, từ UBND tỉnh, UBND huyện Đồng Văn, huyện Vị Xuyên, Tỉnh đoàn và các huyện đoàn.

Cảm ơn Hội Thầy thuốc trẻ VN, Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM và Hà Giang đã tham gia chương trình.

Đặc biệt, xin được cảm ơn các nghệ sĩ, ca sĩ đã tham gia chương trình. Cảm ơn sự đóng góp và tham gia của các nhà tài trợ: Tập đoàn Vingroup, Công ty TNHH Duy Lợi, Công ty Bachy Soletanche, Công ty dược phẩm Armephaco - Bộ Quốc phòng, Nhà xuất bản Trẻ cùng đông đảo bạn đọc.

 

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên