26/10/2016 10:36 GMT+7

Thêm Gambia rút khỏi Tòa án Hình sự quốc tế

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Các quốc gia châu Phi đã phản ứng với thái độ họ cho là "thiên vị" của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) bằng cách lần lượt rút khỏi tổ chức. ICC đang tìm cách đối thoại.

Trụ sở Tòa án Hình sự Quốc tế tại thành phố The Hague (Hà Lan) - Ảnh: AFP

Ngày 25-10, Chính phủ Gambia đã thông báo rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở ở The Hague (Hà Lan), đồng thời cáo buộc tòa án này chỉ tìm cách truy tố các công dân châu Phi.

Theo Reuters, phát biểu trên truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Thông tin Gambia, Sheriff Bojang cho biết: "Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo Gambia thông báo cho tất cả mọi người về quyết định từ bỏ quy chế thành viên của Gambia tại Tòa án Hình sự Quốc tế".

Tổng thống Yahya Jammeh của Gambia, quốc gia nhỏ bé ở Tây Phi, từng kêu gọi ICC phải điều tra vụ những người di dân từ châu Phi thiệt mạng trên vùng biển Địa Trung Hải, chỉ vài ngày sau khi Nam Phi thông báo rút khỏi ICC.

Trên đài truyền hình, Bộ trưởng Thông tin Sheriff Bojang của Gambia cũng nêu lập luận: "Hành động này của Gambia dựa trên sự việc là ICC, dù gọi tên là Tòa án Hình sự Quốc tế, nhưng trên thực tế là Tòa án Hình sự của khối Caucasus bởi chỉ truy bức và làm nhục người da màu, đặc biệt là người châu Phi".

Bộ trưởng Bojan chỉ trích: "Có nhiều quốc gia phương tây, ít nhất là 30 quốc gia, đã phạm các tội ác chiến tranh mang tính hận thù đối với các quốc gia có chủ quyền và công dân của các nước này kể từ khi ICC thành lập (năm 2002) nhưng chưa có tên tội phạm chiến tranh nào của phương tây bị đưa ra tòa".

Hôm 21-10, Chính phủ Nam Phi cũng đã chính thức gửi văn bản lên LHQ thông báo rút khỏi ICC sau những tranh cãi liên quan đến chuyến thăm của Tổng thống Sudan Omar al-Bashir tới Nam Phi hồi năm ngoái. Chính quyền Nam Phi đã không bắt giữ ông Bashir theo hai lệnh bắt giữ của ICC phát đi toàn cầu trước đó. 

Đầu tháng này, Hạ viện Burundi đã bỏ phiếu nhất trí thông qua việc rút khỏi ICC sau khi LHQ khởi động cuộc điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền tại quốc gia này. Đến ngày 18-10 thì chính quyền Burundi chính thức đệ trình thủ tục rút khỏi ICC.

Kenya và Namibia cũng cảnh báo sẽ rút khỏi tòa án này trong tương lai.

Trước những phản ứng mạnh và cụ thể của nhóm các nước châu Phi, theo đài RFI, hôm 24-10, ông Sidiki Kaba, Chủ tịch Hội đồng các quốc gia tham gia Quy chế Roma (cho phép thành lập ICC) đã lên tiếng kêu gọi "tìm thỏa hiệp" với các quốc gia châu Phi đang chỉ trích ICC.

Chủ tịch Sidiki Kaba, cũng là Bộ trưởng Tư pháp Senegal, nhấn mạnh rằng thời gian chính thức để Nam Phi và Burundi rút khỏi ICC là một năm. "Cần nắm lấy cơ hội này để đối thoại với các quốc gia muốn rời khỏi ICC. Để làm điều đó, cần lắng nghe những suy nghĩ, những lời đả kích, những lời chỉ trích của các nước đó", ông Kaba gợi ý.

Ông Kaba cũng kêu gọi các quốc gia đã tuyên bố rút khỏi ICC "dành cho một cơ hội đối thoại, thương lượng" và cho rằng phiên họp đại hội đồng sắp tới của các quốc gia thành viên ICC từ ngày 16 đến 25-11 tại The Hague (Hà Lan) sẽ cho phép "tìm được một sự đồng thuận tích cực".

"Hơn bao giờ hết, giờ đây chúng ta rất cần có nền công lý toàn cầu vì có những thảm kịch đang diễn ra trước mắt chúng ta".
Chủ tịch đại hội đồng Sidiki Kaba, Bộ trưởng Tư pháp Senegal

Tuy vậy Chủ tịch Kaba cũng nhấn mạnh trong cuộc họp báo tại Dakar, thủ đô của Senegal rằng các quốc gia cũng cần tăng cường hệ thống pháp lý của mình để ngăn chặn việc phải đưa vụ việc lên tòa quốc tế.

Ông cho biết có đến 9/10 vụ việc mà ICC tiến hành điều tra là tại các quốc gia châu Phi nhưng đó là thể theo yêu cầu của các quốc gia này và đó cũng là "giải pháp cuối cùng". Ông giải thích: "Nếu như mỗi quốc gia tự xét xử các tội ác đã xảy ra thì ICC sẽ ít phải can thiệp và như thế sẽ ít việc đi. Như vậy thì châu Phi sẽ tự xét xử (tội phạm) người châu Phi ngay tại châu lục của mình".

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên