19/06/2016 14:57 GMT+7

Thấy người hoạn nạn thì thương

LƯ THẾ NHÃ
LƯ THẾ NHÃ

TTO - Không thân thích ruột rà nhưng ngày ngày hai ông bà già vẫn chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, tắm giặt cho cụ bà 91 tuổi sống trong căn nhà gỗ xiêu vẹo, không còn người thân.

Ông Trương Minh Thái chăm sóc cụ Thời - Ảnh: Lư thế Nhã
Ông Trương Minh Thái chăm sóc cụ Thời - Ảnh: Lư thế Nhã

Hai người có tấm lòng tử tế ấy là ông Trương Minh Thái, 64 tuổi, chủ cơ sở sản xuất bánh đuông Minh Tâm và bà Võ Thị Bạch Liên, 70 tuổi, giáo viên nghỉ hưu ở cạnh nhà cụ bà Phạm Thị Thời, khu phố 1, P.4, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Cụ Thời sinh năm 1925, thường được gọi là cô Hai. Cụ đến ở đậu đất của gia đình bà Liên lâu rồi không ai nhớ rõ, chỉ biết khoảng cuối thập niên 1950. Chồng và con cụ đều mất trong chiến tranh.

Cụ sống một mình và mưu sinh bằng gánh chuối ở chợ Bến Tre. Bước vào tuổi 71, sức khỏe kém, cụ nghỉ mua bán, sống trong cảnh nhà thiếu khó đủ bề. Những năm sau đó, mắt cụ Thời mờ không thể tự nấu ăn được.

Sống gần nhau mấy mươi năm, tình cảm xóm giềng trở nên thân thiết. Thấy cụ Thời tuổi già cô đơn, nghèo khó, vợ ông Thái cảm thương, ngày ngày bà qua lại chăm sóc cơm nước, tắm giặt cho bà cụ.

Được ít năm vợ ông Thái bệnh mất, ông Thái thay vợ chăm sóc cho cụ bà. Mỗi ngày ông dậy sớm sang dọn dẹp, làm vệ sinh cho bà cụ.

Bữa trưa, chiều con dâu ông Thái lại mang cơm sang cho cụ ăn. Cụ Thời tuổi cao, cơm khô khó nuốt, ông Thái mua gạo dẻo cho cụ ăn được ngon.

Mỗi sáng ông Thái đều hỏi thăm xem cụ Thời thích ăn món gì để sai con cháu đi mua. Cụ Thời thường thích ăn cá, ông luôn mua cá tươi ngon cho cụ.

Việc chăm sóc cụ Thời không chỉ có cơm nước, những lúc cụ trở bệnh, ông Thời chở cụ đi bác sĩ khám. Những năm chưa có bảo hiểm y tế ông đưa cụ đến khám phòng mạch tư và trả tiền khám, mua thuốc cho cụ.

Từ năm 2014 khi có chính sách bảo hiểm y tế cho người già, nghèo, hằng tháng ông chở cụ đến Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu khám định kỳ. Những hôm trái gió trở trời cụ bệnh nặng, không ngồi xe máy được, ông gọi xe taxi đưa cụ đi cấp cứu.

Cụ Thời hiện mắc chứng bệnh nhồi máu cơ tim phải uống thuốc mỗi ngày. Việc cho cụ bà uống thuốc, ông Thời luôn tự tay mình lo cho cụ.

Vừa lo cho cụ bà vừa bận bịu với việc sản xuất ở nhà, những lúc cụ Thời bệnh nặng phải nằm viện, ông nhờ những người cháu hàng xóm túc trực chăm sóc và trả tiền công do họ phải bỏ việc làm đi nuôi bà cụ.

Nay cụ Thời được hưởng chính sách xã hội dành cho người già, nghèo neo đơn. Tuy vậy, số tiền chính sách cũng không đủ cho sinh hoạt của cụ. Khi cụ hết tiền, ông Thái lại cho thêm để cụ dằn túi, vui niềm vui tuổi già.

Căn nhà gỗ cụ Thời mua bán tảo tần dành dụm tạo được nay đã bị mối ăn mục nát, những hôm mưa dông ngói rớt, ông Thái bắc thang sửa lại để căn nhà được ấm áp lúc cụ tuổi già.

Khi chúng tôi hỏi về việc chăm lo cho bà cụ, ông Thái nói: “Thấy người hoạn nạn, tôi thương, giúp đỡ, không nghĩ gì hết. Hơn nữa cô Hai là người láng giềng lâu năm, tôi thương cô như mẹ của mình”.

Chăm sóc bữa ăn, sức khỏe có ông Thái, còn việc tắm rửa, giặt giũ áo quần của cụ Thời được bà Võ Thị Bạch Liên (là chủ đất) chăm lo chu đáo. Người già cũng có những lúc vệ sinh không kỹ, bà Liên cảm thông không hề than phiền.

Bà Liên chia sẻ: “Cô Hai được bà ngoại tôi cho ở đất này đến hết đời, má tôi và tôi cũng tiếp tục làm theo lời hứa của bà ngoại. Cô Hai ở đây lâu nên gia đình tôi xem cô như người thân trong nhà.

Tôi lo cho cô Hai cũng chưa bằng chú Thái. Rất hiếm có người tốt như chú ấy. Chú chăm lo bữa cơm, chở cụ đi khám bệnh, lo cho cô Hai chẳng khác gì mẹ ruột của mình...”.

Mỗi lần nhắc về hai người dưng chăm sóc mình, cụ Thời như muốn khóc...

LƯ THẾ NHÃ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên