26/04/2017 10:09 GMT+7

Tháo nút thắt chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp

TRẦN VŨ NGHI -  ÁNH HỒNG
TRẦN VŨ NGHI - ÁNH HỒNG

TTO - Với quy mô gần 5 triệu hộ sản xuất kinh doanh, không thể phủ nhận bộ phận hộ kinh doanh cá thể cùng với đội ngũ doanh nghiệp đã và đang giữ vai trò trụ cột, đóng góp to lớn vào việc tạo công ăn việc, cung cấp các dịch vụ cho nền kinh tế.

Các diễn giả trong phần thảo luận Tháo gỡ những nút thắt về chính sách thuế hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các diễn giả trong phần thảo luận Tháo gỡ những nút thắt về chính sách thuế hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sáng nay 26-4, diễn đàn Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Ngân  hàng Techcombank và Công ty Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) đã diễn ra tại TP.HCM.

ng Lê Thế Chữ, phó tổng biên tập phụ trách báo Tuổi Trẻ cho rằng, có một thực tế là rất nhiều hộ kinh doanh - dù có doanh thu không kém, thậm chí vượt cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có đội ngũ nhân công đông đảo - nhưng vẫn chọn mô hình hộ kinh doanh.

Trong khi đó, dù có một số thuận lợi, song mô hình hộ kinh doanh cũng đã xuất hiện những điểm hạn chế, khiến mô hình này khó có thể phát triển, thu thêm giá trị gia tăng, đóng góp lớn hơn cho sự phát triển của đất nước.

Ông Lê Thế Chữ - phó tổng biên tập phụ trách báo Tuổi Trẻ phát biểu chào mừng diễn đàn Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp sáng 26-4 - Ảnh: Quang Định
Ông Lê Thế Chữ - phó tổng biên tập phụ trách báo Tuổi Trẻ phát biểu chào mừng diễn đàn Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp sáng 26-4 - Ảnh: Quang Định

Bằng loạt bài Hộ kinh doanh ngán lên doanh nghiệp được Tuổi Trẻ thực hiện vào đầu tháng 4-2017 vừa qua, với vai trò là cơ quan truyền thông, báo Tuổi Trẻ mong muốn kết nối, tạo cơ hội để hộ kinh doanh phản ánh, trao đổi trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước về những vướng mắc, băn khoăn của mình trước cơ hội chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Diễn đàn có sự tham dự của ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI).

Bà Tạ Thị Phương Lan, phó vụ trưởng Vụ Quản lý thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính). 

Ông Phan Đức Hiếu, phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Bà Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch Hội tư vấn Thuế VN.

Ông Nguyễn Nam Bình, phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cùng nhiều khách mời khác.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trình bày tham luận Phân tích góc nhìn toàn cảnh thực trạng hộ kinh doanh trên địa bàn TP.HCM và cả nước - Ảnh: Quang Định
Ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trình - Ảnh: Quang Định

Ông Phan Đức Hiếu, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng về bản chất hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ là một, nhưng chính sách hiện nay rất phân biệt và có nhiều trường hợp hộ kinh doanh loại ra khỏi chính sách khiến hộ kinh doanh có nhiều hạn chế so với doanh nghiệp.

Cụ thể, là việc hạn chế quyền kinh doanh, chỉ được đăng ký tại một địa điểm, hoạt động kinh doanh trong phạm vi quận, huyện,  không mở chi nhánh, văn phòng đại diện…

Chưa kể, một số ngành nghề phải là doanh nghiệp, và hạn chế quy mô sử dụng lao động, dưới 10 lao động thường xuyên. Hộ kinh doanh cũng bị hạn chế huy động vốn, chủ yếu là vay hoặc từ chính thành viên tham gia hộ.

Dù có những hạn chế như thế nhưng vì sao hộ kinh doanh vẫn chọn mô hình này thay vì DN? Thực tế có vẫn có những lợi thế nhất định so với doanh nghiệp.

Chẳng hạn nếu là doanh nghiệp, môi trường kinh doanh tại VN ghi nhận thời gian và chi phí khởi sự mất ít nhất 24 ngày. Gặp khó khăn, muốn rút khỏi thị trường mất  60 tháng. Mất đến 540 ngày cho thời gian trả thuế. Chưa kể, khó khăn trong thuê tuyển, sa thải lao động.

Chính những tuân thủ này thật sự là "ác mộng" với doanh nghiệp.

Trong khi đó so với doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể lại có những lợi thế hơn nhất định. Chẳng hạn đơn giản hơn chế độ sổ sách kế toán: hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập, lệ phí thành lập chỉ bằng 50% lệ phí thành lập doanh nghiệp.

Chỉ có 6 loại sổ sách kế toán so với vài chục loại của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ chỉ cần đóng thuế môn bài, nộp kê khai hoặc thuế khoán, không phải đóng VAT, thu nhập cá nhân hoặc thu nhập doanh nghiệp, thuê, tuyển lao động dễ dàng hơn...

Quang cảnh diễn đàn Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp sáng 26-4 - Ảnh: Quang Định
Quang cảnh diễn đàn Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp sáng 26-4 - Ảnh: Quang Định

Theo số liệu thống kê hiện nay có khoảng 4,671 triệu hộ kinh doanh, tổng tài sản ước tính 655 ngàn tỉ đồng, tạo ra 2.188 ngàn tỉ đồng doanh thu, nộp 12.362 ngàn tỉ đồng tiền thuế, giải quyết 7.945 triệu lao động.

Khoảng 80% hoạt động trong ngành công nghiệp - xây dựng; 20% trong ngành thương mại dịch vụ, trong đó tập trung vào bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy (45%), lưu trú, ăn uống (16%).

Nếu “chính thức hóa” hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh sẽ nâng cao chất lượng lao động: điều kiện, thu nhập, an toàn, phúc lợi và tính ổn định; Chính xác, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh...

Nhưng làm thế nào để khi doanh nhân ra kinh doanh chọn mô hình doanh nghiệp chứ không phải hộ kinh doanh?

Ông Hiếu kiến nghị nên cải cách môi trường kinh doanh, tính đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong quá trình thúc đẩy hộ kinh doanh lên doanh nghiệp nên dùng các đòn bẩy “kinh tế” hơn là “mệnh lệnh hành chính”.

Điều quan trọng nhất là chính nhà đầu tư thấy được “lợi ích” lớn hơn “chi phí” khi thành doanh nghiệp. Ngoài ra cần tiếp tục một cách mạnh mẽ cải cách về môi trường kinh doanh (đã được xác định) nhằm giảm chi phí và thời gian cho hoạt động kinh doanh.

Quang cảnh diễn đàn Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp sáng 26-4 - Ảnh: Quang Định
Quang cảnh diễn đàn Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp sáng 26-4 - Ảnh: Quang Định

Bên cạnh đó việc gia nhập và hoạt động dưới một số hình thức doanh nghiệp phải dễ dàng như dưới hình thức hộ kinh doanh, rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật về thuế, điều kiện đầu tư kinh doanh, lao động.

Ông Hiếu cũng cho rằng, cách đây 10 năm, các hộ kinh doanh đã nhận thức rất rõ rằng, nếu chuyển lên doanh nghiệp, họ sẽ dễ được vay vốn ngân hàng, mở rộng được nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, được thuê đất thuận lợi, được tham gia vào hiệp hội nghề nghiệp.

Mười năm sau, khảo sát của CIEM về cảm nhận của doanh nghiệp về bất lợi của hộ kinh doanh thực hiện gần đây cho thấy, nhận thức của hộ kinh doanh và các doanh nghiệp gần như có sự tương đồng như nhau.

Trong đó, điều e ngại nhất là phải tuân thủ chặt chẽ hơn các quy định về kinh doanh. Tiếp đến là chịu nhiều ràng buộc bởi quy định về pháp luật về tổ chức quản lý doanh nghiệp. Phải tuân thủ chế độ hạch toán, sổ sách, chứng từ kế toán chặt chẽ và phức tạp hơn. 

TRẦN VŨ NGHI - ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên