Thanh niên thất nghiệp: không chỉ do suy thoái kinh tế

TÂY GIANG 21/05/2013 23:05 GMT+7

TTCT - Nhiều năm qua, đào tạo “theo nhu cầu thị trường lao động” luôn là cụm từ được nhắc tới trong bất kỳ hội thảo nào về nhân lực. Nói nhiều nhưng không làm được bao nhiêu, một trong những lý do chính là thông tin và việc quản lý bị chia cắt.

Phóng to
Hơn một nửa học sinh tốt nghiệp cấp III ở Đức theo các lớp học nghề - Ảnh: huffingtonpost.com

Đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) sau khi công bố báo cáo “Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên 2013” (với con số gần một nửa số người thất nghiệp ở VN trong năm 2012 có độ tuổi 15-24) đã cho rằng “quá trình cải cách hiện nay trong hệ thống GD-ĐT là chìa khóa để khai thác tài năng, năng lượng và sức sáng tạo của thanh niên”. Thực tế hệ thống này đang diễn ra theo cách thức ra sao?

Dạy và học theo “mốt”

Cách đây không lâu, dư luận xôn xao khi ông Lê Duy Lương, giám đốc nhân sự Công ty TNHH điện tử Foster Đà Nẵng, cho biết công ty có 16.000 công nhân thì có tới hơn 1.000 người có bằng cử nhân, kỹ sư. Sau khi tốt nghiệp đại học, do không tìm được việc làm, những cử nhân, kỹ sư này đã phải chấp nhận làm công nhân, trong đó nhiều người do xấu hổ còn không dám khai bằng đại học trong hồ sơ xin việc.

Trong giai đoạn phát triển nóng của lĩnh vực tài chính - ngân hàng - chứng khoán khoảng năm 2006-2008, nhu cầu lao động ngành này tăng cao khiến các trường nhận định đây là cơ hội để thúc đẩy nhu cầu đào tạo sinh viên ngành này. Theo Bộ GD-ĐT, có tới 40% số sinh viên theo học các khối ngành kinh tế trong khi nhu cầu sử dụng của xã hội không thật sự cao như vậy. Năm 2011, trong số 416 trường đại học, cao đẳng thì có đến 248 trường tuyển sinh một trong bốn ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng và kế toán. Trước đó năm 2010, tỉ lệ đăng ký tuyển sinh nhóm ngành kinh tế - tài chính chiếm 36,57% tổng số tám nhóm ngành.

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận tình trạng cử nhân thất nghiệp nhiều có nguyên nhân từ quy mô, cơ cấu đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng không khớp với thị trường lao động.

Ông Luận cho biết cả nước hiện có khoảng 100 khu công nghiệp - khu chế xuất, thu hút được tối đa 500.000 lao động, trong đó chỉ cần 5-7% có trình độ đại học, 8% trình độ cao đẳng, 60% công nhân kỹ thuật, còn lại là lao động phổ thông. Nhu cầu sử dụng hằng năm khoảng 15.000 người có trình độ đại học, cao đẳng để thay thế số lao động hết tuổi nhưng thực tế đào tạo tốt nghiệp khoảng 200.000 người, chưa kể số lao động tốt nghiệp theo cơ cấu ngành không phù hợp.

Mạnh ai nấy làm

Nhiều năm qua, đào tạo “theo nhu cầu thị trường lao động” luôn là cụm từ được nhắc tới trong bất kỳ hội thảo nào về nhân lực. Nói nhiều nhưng không làm được bao nhiêu, một trong những lý do chính là thông tin và việc quản lý bị chia cắt. Năm 2007, Chính phủ giao Bộ KH-ĐT chủ trì xây dựng chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam đến năm 2020 với yêu cầu phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế. Một danh sách dài các bộ, ngành tham gia góp ý, sau đó việc quy hoạch nhân lực cũng được nhiều bộ triển khai. Một bản dự thảo chiến lược dày 137 trang được lập, nhưng đến nay không thấy ai nhắc nhở gì về nó nữa.

Bộ LĐ-TB&XH đang quản lý hệ thống 2.500 trường cao đẳng, trung cấp và các trung tâm đào tạo nghề, còn Bộ GD-ĐT quản lý 412 trường đại học, cao đẳng. Hai bộ này có rất ít hoạt động chung trong định hướng, khảo sát nhu cầu sử dụng hay lên các kế hoạch đào tạo, thậm chí còn cạnh tranh nhau trong thu hút học viên. Hằng năm, các cuộc thi đại học, cao đẳng được Bộ GD-ĐT tổ chức vào đầu tháng 7. Hệ thống các trường nghề luôn phải chờ kết quả của kỳ thi này rồi mới bắt đầu tuyển sinh.

Ông Cao Văn Sâm, phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết hầu hết các trường nghề phải đợi xem lượng học sinh đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng rồi mới đến lượt mình. Nhiều trường nghề phải chi nhiều tiền để quảng cáo, thu hút học viên, trường nào tuyển được 80-85% chỉ tiêu là thành công.

Trong khi đó, kết quả điều tra mà Viện Khoa học dạy nghề thực hiện năm 2011 cho thấy có 66% lao động tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, trong 34% học viên không đi làm còn lại thì 15,5% đi học tiếp, 14,1% không tìm được việc làm và còn lại là các lý do khác. Nhưng ngay cả tỉ lệ lao động học nghề tìm được việc làm khá cao như vậy cũng chưa đủ để thu hút lao động học nghề.

Ông Phạm Vũ Luận trong giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thừa nhận nhiều năm qua do không có khảo sát thật sự xem nhu cầu thị trường cần bao nhiêu lao động ở các trình độ đào tạo nên việc đào tạo phó mặc cho các trường, trường nào có cơ sở vật chất tốt thì đào tạo nhiều và ngược lại. Các trường cứ đào tạo, còn chất lượng sinh viên tốt nghiệp như thế nào và sau khi tốt nghiệp có tìm được việc làm hay không là chuyện của học viên và xã hội.

Do vậy, bộ chọn lựa một cách làm khác thường từ kỳ tuyển sinh năm nay: giảm chỉ tiêu đào tạo của các ngành thuộc khối kinh tế, tạm dừng mở các ngành đang thừa sinh viên như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán… và kiến nghị Chính phủ không cho phép mở các trường đại học đào tạo các ngành này. Động tác “làm thay thị trường” mang tính đối phó tình huống này của Bộ GD-ĐT tức thì bị xã hội phản ứng.

Tuy thế, đến nay vấn đề quan trọng nhất là cần có những khảo sát cụ thể, gắn với chiến lược phát triển kinh tế và phát triển các ngành để các cơ quan chức năng dự báo được nhu cầu sử dụng nhân lực, từ đó đưa ra một kế hoạch đào tạo cụ thể, phù hợp vẫn chưa được các bên liên quan cùng nhau thực hiện rốt ráo. Vì vậy, chưa có gì đảm bảo rằng những sai lầm và lạc hậu trong đào tạo nhân lực sẽ sớm chấm dứt.

Tại Đức có khoảng 500.000 công ty vừa và nhỏ nhận các thanh thiếu niên tốt nghiệp cấp III vào học nghề mỗi năm. Hầu hết những người này sau đó sẽ có việc làm tốt. Cam kết giữa những chủ doanh nghiệp và thanh thiếu niên này đã có thời gian nhiều thế hệ trong một hệ thống đào tạo nghề được coi là điều bí mật đằng sau những thành tựu kinh tế thần kỳ của nước Đức trong quá khứ, cũng như giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện giờ với sức bật không quốc gia nào sánh được ở châu Âu.

Ở Đức hiện có khoảng 350 nghề chính thức được công nhận. Sự phân định này vừa giúp chuyên môn hóa người lao động, nhưng đồng thời giúp tăng tính cơ động của họ khi danh sách nghề giúp họ tìm ra những nghề nào gần nhất với nghề mình được đào tạo và có thể chuyển nghề khi cần. Điều này đặc biệt có ích với những người trẻ, nhất là trong khủng hoảng kinh tế.

Tỉ lệ thất nghiệp ở thanh thiếu niên (16-25 tuổi) tại Đức là 7,9% vào tháng 4-2013, thấp hơn 2/3 so với mức trung bình 22,7% của Liên minh châu Âu, theo Eurostat. Trong khi thất nghiệp trong người trẻ ở Đức chỉ cao hơn mức trung bình 1-2 điểm phần trăm, thì ở Pháp hay Tây Ban Nha tỉ lệ này là gấp hai hoặc ba lần tỉ lệ thất nghiệp trung bình.

Tỉ lệ thất nghiệp trong thanh thiếu niên đáng báo động trên toàn thế giới đã buộc các nhà hoạch định chính sách phải xem xét lại các chính sách lao động. Nhưng người Đức đã không phải sửa chữa gì lâu. Hệ thống thực tập ở Đức, bắt đầu từ những cuộc cải cách toàn diện hệ thống đào tạo nghề năm 1969, có nguồn gốc rất xa xưa, từ thời những phường hội phong kiến. Một tiêu chuẩn vàng, nhưng không dễ noi theo.

Artem Treskow - 20 tuổi, có ngày làm việc đầu tiên với tư cách thực tập sinh ở Công ty thiết kế và công nghệ Museumstechnik có 15 nhân viên - nói với báo Financial Times: “Mới đầu tôi tưởng cả ngày sẽ phải pha cà phê... Nhưng rồi tôi có bàn riêng và được giao ngay một bài tập để làm quen với các phần mềm thiết kế được vi tính hỗ trợ”.

Hệ thống dạy nghề ở Đức nổi tiếng với phương pháp hai phần song song. Ngoài thực tập ở công ty vào ban ngày, Treskow đồng thời học lý thuyết dạy nghề ở một trường nghề ba buổi tối mỗi tuần. Khóa học kéo dài 2-3 năm và được văn phòng thương mại địa phương cấp chứng chỉ có giá trị trên toàn quốc.

“Hệ thống dạy nghề ở Đức có tính tản quyền rất cao, rất cơ động, cho phép họ đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của các ngành nghề sản xuất - Ekkehard Ernst, giám đốc đơn vị các khuynh hướng việc làm thuộc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ở Geneva, bình luận - Hệ thống của họ nhanh hơn và gần hơn thị trường so với các hệ thống đào tạo ở hầu hết những nước có hệ thống dạy nghề tập trung, nơi bạn có một bộ lao động để phụ trách chuyện đó”.

Thành công của hệ thống Duale Ausbildung (hệ thống song lập) này của Đức đã khiến Mỹ, Ấn Độ và nhiều nước khác tìm cách học hỏi. Nhưng ông Ernst nói không dễ để học được dù nó đơn giản về ý tưởng, do tính tổ chức phức tạp của hệ thống này. Các công ty sẽ trình bày quan điểm về thị trường lao động của họ với các phòng thương mại địa phương. Các phòng này sẽ chuyển tải những ý kiến từ công ty cho các cơ quan ra quyết định.

Từ người chăm sóc động vật, thợ làm gốm, nhân viên phòng thí nghiệm, thợ làm đồ chơi bằng gỗ, hệ thống đào tạo nghề ở Đức được thiết kế chi tiết tới 344 khóa học khác nhau, 43 khóa được đưa vào trong thập kỷ vừa rồi và 171 khóa khác được điều chỉnh để thích nghi với những thay đổi trên thị trường việc làm. Năm 2012 chẳng hạn, khóa học vẽ kỹ thuật đã được điều chỉnh thành thiết kế sản phẩm kỹ thuật.

Chất lượng ổn định và khả năng tìm được việc làm vượt trội của hệ thống đào tạo nghề ở Đức khiến một phần lớn học sinh tốt nghiệp cấp III không bận tâm nhiều tới việc vào đại học. Năm 2011, 570.000 học sinh tốt nghiệp cấp III đăng ký học nghề, so với 520.000 người xin học đại học.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận