13/01/2017 11:58 GMT+7

Thẩm phán và... án oan

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Sau mỗi vụ án oan xảy ra, dư luận lại đặt ra câu hỏi về trách nhiệm độc lập của thẩm phán và trách nhiệm chung của họ trong phán quyết của hội đồng xét xử (HĐXX).

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang vừa kết thúc điều tra bổ sung vụ án Hàn Đức Long (57 tuổi, quê Bắc Giang) bị khởi tố về tội giết người và hiếp dâm trẻ em - Ảnh: Nam Trần
Ông Hàn Đức Long (57 tuổi, quê Bắc Giang) được đình chỉ vụ án, trả tự do sau hơn 11 năm thụ án tù oan - Ảnh: Nam Trần

Cuối năm 2016, ông Hàn Đức Long (Bắc Giang) được đình chỉ vụ án, trả tự do sau hơn 11 năm thụ án tù oan. Trước đó ông Long đã bốn lần bị các cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm kết án tử hình.

Ý nghĩa của một quan điểm khác

Phiên tòa phúc thẩm lần 1 đối với Hàn Đức Long do tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội mở tháng 6-2007.

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Hà Tiến Triển đã thay mặt HĐXX ký tên vào bản án y án tử hình đối với Hàn Đức Long.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng trước đó khi nghị án, ông Triển là người đã có ý kiến không đồng ý tuyên tử hình Hàn Đức Long vì vụ án có nhiều điểm còn mâu thuẫn, kết tội ông Long là chưa đủ căn cứ vững chắc.

Với hai thẩm phán còn lại đề nghị y án, phán quyết của HĐXX được lấy theo đa số. Ý kiến của ông Triển được bảo lưu trong biên bản nghị án. Mặc dù không được chấp nhận nhưng ý kiến ấy lại có một ý nghĩa khác.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, thời điểm đó TAND tối cao có hướng dẫn nghiệp vụ nội bộ, trong đó có quy định nếu thẩm phán trong HĐXX còn có ý kiến khác thì sau phiên tòa phải báo cáo lãnh đạo.

Mục đích là để những ý kiến đó sẽ được cân nhắc, xem xét xem có cần kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án hay không.

Nguyên phó chánh tòa hình sự TAND tối cao Đặng Thị Thanh kể: “Sau khi nghe qua về vụ án Hàn Đức Long, tôi rất ngạc nhiên vì đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, chắc chắn tòa sơ thẩm đã xem xét rất kỹ lưỡng.

Tuy nhiên ở tòa phúc thẩm, phán quyết án tử hình lại không có sự đồng thuận cao từ ba thẩm phán trong HĐXX. Đây là việc hiếm khi xảy ra. Vậy thì vụ án phải có điều gì đó chưa được làm rõ?”.

Chính vì trăn trở ấy, bà Thanh đã nghiên cứu rất kỹ vụ án, phát hiện những mâu thuẫn trong lời khai, kết quả thực nghiệm hiện trường, đặc biệt là việc kết tội ông Long chỉ có chứng cứ gián tiếp mà không có chứng cứ trực tiếp.

Sau đó bà Thanh đã báo cáo với lãnh đạo TAND tối cao. Bà cũng là người chấp bút bản kháng nghị giám đốc thẩm lần 1 năm 2009 của chánh án TAND tối cao. Sau đó, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết tội ông Long đã bị hủy để điều tra lại.

Thực tế đây không phải là lần đầu tiên có vụ án oan xảy ra mà trước đó chủ tọa phiên tòa biểu quyết không đồng ý kết tội bị cáo.

Tháng 8-2016, Vũ Ngọc Dương (ngụ Q.Đống Đa, Hà Nội) đã chính thức được minh oan bằng quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội.

Trước đó Dương bị TAND TP Hà Nội kết án 30 tháng tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bản án phúc thẩm sau đó đã tuyên y án sơ thẩm.

Tuy nhiên, vị chủ tọa phiên tòa phúc thẩm lúc đó là ông Hoàng Văn Hạnh đã biểu quyết hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Theo ông Hạnh, khi ngồi ghế chủ tọa phiên tòa, ông thấy vụ án có nhiều điểm mâu thuẫn và ông có niềm tin rằng Dương bị oan.

Với hai thẩm phán còn lại đề nghị y án, bản án đối với Vũ Ngọc Dương được tuyên theo ý kiến đa số. Ý kiến của ông Hạnh không làm thay đổi kết quả vụ án nhưng đã được bảo lưu trong biên bản nghị án.

Vai trò của việc đánh giá chứng cứ

Thẩm phán Trương Việt Toàn (phó chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội) cho biết vai trò của thẩm phán khi xét xử là độc lập.

Thẩm phán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về phán quyết của mình. Nếu như khi nghị án, thẩm phán còn có ý kiến khác nhau thì quan điểm của họ sẽ được bảo lưu trong biên bản.

“Phán quyết của thẩm phán phải căn cứ vào hồ sơ, vào diễn biến tại phiên tòa. Quá trình nghiên cứu hồ sơ, nếu thấy diễn biến tại tòa không như cáo trạng truy tố, thẩm phán có quyền đưa ra những nhận định độc lập về vụ án để tránh oan sai hay bỏ lọt tội phạm.

Đó là quan điểm riêng của từng thành viên HĐXX. Khi nghị án không ai được quyền thuyết phục ai phải nghe theo ý kiến của mình để đảm bảo sự độc lập của các thẩm phán” - ông Trương Việt Toàn cho biết.

Bà Đặng Thị Thanh cảnh báo với những vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có khung hình phạt tử hình thì các thẩm phán phải vô cùng thận trọng khi đánh giá chứng cứ.

“Khó nhất với các thẩm phán xét xử án hình sự vẫn là khâu đánh giá chứng cứ. Việc đánh giá thế nào cho đúng phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm, sự nhạy bén của người thẩm phán.

Với chừng ấy chứng cứ nhưng có người nói đã đủ để kết tội bị cáo, cũng có người nói không đủ, còn mâu thuẫn...

Việc đánh giá thế nào còn phụ thuộc vào niềm tin nội tâm của người thẩm phán. Nhưng khi đã đại diện cho Nhà nước để thực thi công lý, thẩm phán buộc phải đánh giá chứng cứ một cách thận trọng, toàn diện.

Phải xem xét tính logic trong vụ án cùng quan hệ nhân quả có thể xảy ra để đảm bảo ý kiến của mình góp phần vào phán quyết công minh của HĐXX” - bà Thanh nói.

Trách nhiệm cá nhân trong bản án

“Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nếu phán quyết sai thì trách nhiệm của cả HĐXX.

Còn trách nhiệm từng cá nhân tới đâu thì phải xem biên bản nghị án mới biết quan điểm từng người.

Trường hợp có thành viên HĐXX biểu quyết nhưng không gây oan, sai thì không phải chịu trách nhiệm.

Còn tất cả HĐXX đều biểu quyết hoặc không biểu quyết dẫn đến oan, sai thì tất cả các thành viên phải chịu trách nhiệm, tuy nhiên thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa thường phải chịu trách nhiệm cao hơn người khác”.

Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên