Tính đến tháng 10-2021, nước ta có hơn 2.500 trẻ em rơi vào cảnh mồ côi do tác động của đại dịch COVID-19, trong đó có hơn 100 trẻ đột ngột mất cả cha lẫn mẹ. TP.HCM là địa phương chịu tác động nặng nhất của dịch bệnh.

Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Mâm cơm giản đơn con làm cúng mẹ - Ảnh 1.

Sáng 22 tháng chạp, trong căn nhà ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh (TP.HCM), Nguyễn Thị Mai Khanh (sinh năm 2008) cùng cậu út tất bật dọn ba chén cơm, xắn trứng vịt luộc làm ba phần rồi cắm bông và trái cây lên bàn thờ mẹ của em. Từ tháng 8-2021 đến giờ, đây là việc mà cô bé 14 tuổi làm gần như mỗi ngày.

"Tết nhất em cúng cơm cho cha mẹ để tưởng nhớ. Ngày mai (23 tháng chạp - PV) đưa ông Táo em sẽ cúng chè trôi nước với bông", Khanh nói khi vừa thắp xong nén nhang. Khanh mất cha, mẹ, ông bà ngoại vì dịch bệnh trong vòng chưa đầy một tháng. Trên bàn thờ hiện chỉ có di ảnh của mẹ em, còn cha được gửi ở chùa, đợi giáp năm mới đưa về nhà.

Từ ngày cha mẹ lần lượt qua đời, Mai Khanh chọn sống một mình trong căn nhà trước kia gia đình em đã sống. Căn nhà chỉ vỏn vẹn 20m², được xây tạm trên phần đất của nhà ngoại, không có số nhà, trước cửa làm chỗ nấu nướng. Từ một đứa trẻ được bao bọc, không phải làm việc nhà, Khanh phải tự làm mọi thứ dưới sự hỗ trợ của gia đình hai cậu ở kế nhà. Khanh được dạy vài thứ cơ bản như nấu cơm, lặt rau, rửa chén, gấp quần áo, lau dọn bàn thờ, thắp nhang cúng kiếng. Điều quan trọng là em đã bắt đầu đi học nghề theo nguyện vọng.

Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Mâm cơm giản đơn con làm cúng mẹ - Ảnh 2.

Nhưng để ổn định tâm lý như hôm nay, Mai Khanh đã trải qua khoảng thời gian khủng hoảng từ khi cha mẹ, ông bà qua đời vì COVID-19 trong vòng chưa đầy 1 tháng. Ông Nguyễn Thanh Hùng (50 tuổi, cậu út của Khanh) nhớ lại: "Thời điểm đó con bé khóc suốt, ít ăn, mất ngủ cả tháng trời, lúc ngủ hay giật mình, la hét giữa đêm. Tui kêu qua ngủ nhà cậu mà nó không chịu, nói cha mẹ từng ở đây thì con chỉ muốn ở đây", ông Hùng cho biết.

Mai Khanh vốn trầm tính, việc mất quá nhiều người thân trong thời gian ngắn khiến em càng ít nói và nhút nhát. Những lúc nhớ cha mẹ, Khanh lại giăng chiếc võng kế bàn thờ, mở điện thoại lên tìm ký ức qua những bức ảnh. "Hình em đi Đà Lạt với cha mẹ nhiều năm trước nè chị", Khanh nói và cho biết tấm hình gần nhất là cả nhà quây quần với nhau, em được cha mẹ tặng quà vào dịp sinh nhật tháng 6 năm ngoái.

"Con bé thường nằm mơ thấy mẹ nó về, thấy cảnh cả nhà vui vẻ với nhau như lúc trước", bà Phạm Thị Ngọc Cẩm (mợ út của Khanh) nói với chúng tôi. Bà cho hay từ khi cha mẹ mất, chiều chiều Khanh hay ngồi nhìn ra con kênh trước nhà, nơi mà trước kia cả nhà em cùng ông bà, cậu mợ hay ngồi trò chuyện.

Hơn tháng trước, em được Hội Phụ nữ huyện Bình Chánh hỗ trợ đi học nghề trang điểm, làm tóc theo nguyện vọng. Mỗi ngày hai buổi, em lấy chiếc xe máy cũ của mẹ để lại chạy đến trường cách nhà 5km.

"Em ổn rồi, còn buồn nhưng cũng qua hết rồi. Em biết mình phải cố lên, không được khóc nữa để cha mẹ đi thảnh thơi. Em thấy mình đã trưởng thành hơn, chắc là mẹ em cũng mong như vậy", Khanh mỉm cười, lạc quan nói với chúng tôi.

Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Mâm cơm giản đơn con làm cúng mẹ - Ảnh 3.

Cách nhà Mai Khanh 15km, hai anh em Kỳ Hào (13 tuổi) và Gia Hân (10 tuổi) cũng buộc phải tự lập hơn kể từ khi mẹ mất vì đại dịch hồi cuối tháng 8-2021. Buổi chiều trong căn nhà nhỏ ở đường Bình Thới, quận 11 chất đầy đồ đạc, Kỳ Hào chăm chú chỉ bài cho em gái thay mẹ.

Hai đứa trẻ Tăng Vòng Kỳ Hào và Tăng Vòng Gia Hân hiện đang sống cùng ông ngoại và cậu ruột sau khi mẹ và bà ngoại qua đời. Cha các em đã bỏ đi từ khi Hân vừa lên 2. Anh Đỗ Trí Hùng (32 tuổi, cậu của 2 bé) cho biết: "Bữa mẹ nó mất, mình nói cho nghe mà nó không tin. Bé Hân đứng gục mặt, ghị hai tay xuống rồi ôm anh Hai khóc nức nở", anh Hùng kể về cháu mình và nhớ lại lời chị dặn dò trước lúc nhập viện: "Nếu lỡ chị có bề gì, em ráng trông coi tụi nó".

Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Mâm cơm giản đơn con làm cúng mẹ - Ảnh 4.

Thấy hai đứa trở nên ít nói, ít cười, không chịu ăn, anh Hùng và ông Đỗ Hiền Tường (61 tuổi) - ông ngoại hai bé - ra sức khuyên nhủ, dần dà tụi nhỏ cũng nguôi ngoai. Kỳ Hào vẫn còn nhút nhát, song Gia Hân đã lanh lợi trò chuyện với khách lạ nhưng khi nhắc về mẹ, cô bé 10 tuổi ứa lệ…

Cậu và ông ngoại đều là lực lượng tổ dân phố, ngoài ra ông Tường còn làm tình nguyện viên chở F0, thực phẩm cho địa phương. Từ ngày mẹ mất, tụi nhỏ tự chăm sóc nhau và phân công việc nhà khi cậu và ông đi làm.

"Cậu dạy tụi con nấu cơm bao nhiêu lon gạo, canh nước, lặt rau, cách giặt quần áo, canh lượng bột giặt. Tụi con thay nhau làm, sáng con nấu thì chiều tới anh hai. Hôm nào anh hai bận học thì sáng nấu 5 lon gạo rồi chiều hâm lại ăn", Hân kể với chúng tôi. Lúc nào thèm món mẹ nấu, em đành nhờ cậu nấu cho ăn.

Hiểu chuyện, Hân đã bớt khóc đòi mẹ. Cô bé hay mở bản nhạc mà mẹ thích nghe, hoặc có khi nghe thoáng qua liền bảo "chắc tối nay con mơ thấy mẹ". Hân và anh trai cũng thường nhờ dì gửi mấy tấm hình của mẹ qua điện thoại xem. Lâu lâu, Hân lại lấy đôi bông tai kỷ vật mẹ để lại ra ngắm cho vơi nỗi nhớ.

Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Mâm cơm giản đơn con làm cúng mẹ - Ảnh 5.

Về phần Hào, cậu bé 13 tuổi cũng đã thay đổi nhiều. Hào không còn ngang bướng, mê chơi hơn học. Em đã nỗ lực học tập, chịu nghe lời ông ngoại và cậu. "Cô chủ nhiệm có gửi bảng điểm nói là thời gian qua Hào đã tiến bộ, có lời khen cháu. Cháu học online thi tiếng Anh điểm cao thì mình cũng mừng vì nó chịu học, tôi sợ mẹ mất tâm lý nó ảnh hưởng nhưng may mắn cháu biết suy nghĩ nên cũng ráng học", ông Tường cho hay.

Mấy tháng qua, Hào vẫn nhớ lời mẹ dặn lo cho em gái và hai đứa phải ráng học cho tốt. "Con phải học giỏi để mẹ trên trời vui, mẹ không khóc", Hân nói rồi ngước lên trong lúc mắt em đỏ hoe…

Tết năm nay gia đình Kỳ Hào và Gia Hân hầu như không sửa soạn gì. Mọi năm, mấy ngày Tết hai đứa được mẹ dẫn đến nhà họ hàng trong TP để chúc Tết, lì xì. Năm nay tụi nhỏ đón năm mới bằng việc dọn dẹp nhà cửa rồi đến chùa thắp nhang do bàn thờ mẹ và bà để ở đó.

Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Mâm cơm giản đơn con làm cúng mẹ - Ảnh 6.

Về phía Mai Khanh, cũng như nhà Hào và Hân, mùa Tết đầu tiên vắng bóng mẹ cha khiến em chẳng còn háo hức. Mọi năm, Khanh dù không đi chơi ở nhiều địa điểm nhưng cô bé rất vui. Khanh vẫn nhớ cứ Tết là cha mẹ chưng hoa cúng, trái cây, lạp xưởng, khô để cúng Tết. Nhưng năm nay, Tết với em đã mất rồi niềm vui sum vầy.

"Tết này chỉ còn mình con nên cúng đơn giản tưởng nhớ ông bà, cha mẹ", Khanh nói em sẽ mua chút thịt về kho ăn trong 2 - 3 ngày Tết. Hôm 25 tháng Chạp, Khanh đã cùng cậu mợ đến chùa cúng ba và tảo mộ mẹ ở Long An.

Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Mâm cơm giản đơn con làm cúng mẹ - Ảnh 7.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Viện Social Life) nhận định một đứa trẻ khi mất đi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ như mất cả thế giới.

Dẫn lại 4 ô cửa sổ của Johari, TS Đức Lộc cho biết ô thứ 1 là cửa sổ mở, đó là những điều mà người ta có thể nói ra một cách tự nhiên. Thứ 2 là ô cửa riêng tư, tức chỉ nói ra với những người thân thiết nhất. Thứ 3 là ô cửa mờ, ô này là những nỗi đau mà người ta không bao giờ nói cho người khác biết. Cuối cùng là ô cửa mù, nghĩa là chính họ cũng không biết mình đang trải qua điều gì.

4 khung cửa sổ chuyển dịch dần, khi nó chuyển theo lối đi vào tiềm thức sâu thì rất khó chữa lành. Các hiện tượng chóng mặt, mất ngủ, stress, khủng hoảng, rối loạn lo âu, giật mình, nói sảng… gọi là sang chấn cấp tính. Nếu những biểu hiện này không được sơ cứu, trợ giúp kịp thời sẽ hằn sâu trong tiềm thức và có thể tạo ra thêm những bệnh khác cho trẻ.

Theo TS Lộc, người lớn nên dạy cho các em vượt qua một cách tự nhiên nhất, gọi là "bình thường hóa" nỗi đau, xem đó như một phần tự nhiên trong cuộc sống, đối diện và vượt qua một cách tích cực. "Chúng ta không trầm trọng hóa lên nhưng cũng không bỏ đi. Vừa rồi TP đã có những chính sách trợ giúp trẻ mồ côi vì COVID-19, nhưng việc giúp các em về mặt tinh thần cũng phải có bài bản. Nếu không, chúng ta dễ khiến trẻ gặp sang chấn vì mở nỗi đau ra mà không biết cách đóng lại", ông Lộc cho biết.

Do đó, ông Lộc đưa ra lời khuyên rằng hiện tại người thân nên quan tâm, trò chuyện, chú ý đến con cái và đặt mình vào con nhiều hơn. Khi thấy trẻ có các triệu chứng bất thường từ sức khỏe tới tinh thần thì phải liên hệ ngay các đơn vị hỗ trợ về chuyên môn, có nhiều đơn vị hỗ trợ không tính phí. Với những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, cần thêm sự chung tay từ địa phương, nhà trường, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm…

Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Mâm cơm giản đơn con làm cúng mẹ - Ảnh 8.
Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Mâm cơm giản đơn con làm cúng mẹ - Ảnh 9.
DIỆU QUÍ - CẨM NƯƠNG
NGỌC PHƯỢNG
NGỌC THÀNH
KIM NHUNG
30/1/2022

* Kỳ tới: Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Bờ vai còn lại gắng vun đầy

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0