31/01/2014 16:30 GMT+7

Giáo sư Patrick: Tôi ấn tượng nhất với tập tục cúng xóm

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTXuân - Sáu năm qua, giáo sư Patrick McAllister, hiện giảng dạy khoa nhân học tại Đại học Canterbury (New Zealand), luôn đến Việt Nam mỗi dịp Tết để nghiên cứu về Tết Việt.

Ông tin rằng Tết chính là lăng kính mang lại cho ông cái nhìn đầy đủ về đời sống và văn hóa Việt Nam, đất nước mà ông rất có cảm tình.

5vSJxsTh.jpg
Giáo sư Patrick McAllister
9TghOv9g.jpg
Giáo sư Patrick McAllister dự lễ cầu siêu ngày Tết tại chùa Phật Bảo, quận Tân Bình, TP.HCM năm 2008

Ông quyết định tự học tiếng Việt cơ bản rồi khăn gói đến TP.HCM hai tuần vào đầu năm 2008. “Hầu như mọi người trên thế giới đều biết Tết âm lịch Trung Quốc nhưng không nhiều người bên ngoài Việt Nam biết rằng Tết Việt cũng rất thú vị” - giáo sư Patrick khẳng định. Theo ông, dù tương đồng nhiều mặt nhưng so với Tết âm lịch ở Trung Quốc, Tết Việt vẫn có những nét rất riêng như cúng ông Táo về trời hay các món ăn đặc trưng ngày Tết.

Trải nghiệm Tết Việt

Tết Mậu Tý năm đó là lần đầu tiên giáo sư Patrick đến Việt Nam. Cái Tết đầu tiên với nhiều câu chuyện thú vị về phong tục, tập quán ngày Tết đã để lại trong ông những ấn tượng không phai. Năm đó, bạn Nguyễn Huyền Thanh Bình, một trong hai phụ tá của ông, mời ông dự lễ tảo mộ tổ tiên của gia đình cô. Ông cùng gia đình Bình đi xe máy đến khu vực tảo mộ cách TP.HCM khoảng 20km. Sau đó ông dự bữa tiệc họp mặt gia đình Bình tổ chức tại nhà một người thân của cô gần đó rồi cùng đoàn đến một ngôi chùa địa phương xem lễ cầu siêu.

Tối hôm đó, giáo sư đến nhà Bình để tìm hiểu lễ cúng giao thừa. Mọi người trong gia đình Bình chúc nhau năm mới tốt đẹp và lì xì cho nhau, giáo sư cũng nhận được một bao lì xì may mắn. Sau đó ông ra ngoài bancông nhà Bình để xem bà của Bình cúng giữa lúc pháo hoa đang thắp sáng bầu trời thành phố. Nghỉ ngơi một chút, ông cùng gia đình Bình đi đến một ngôi chùa gần đó cầu an cho năm mới.

Là một nhà nhân học, giáo sư Patrick rất chịu khó tìm hiểu nhiều phong tục, tập quán ngày Tết khác nhau của người Việt và rất hay đặt câu hỏi. Phan Thị Thanh Thúy, người cùng Bình hỗ trợ phiên dịch cho giáo sư Patrick, cho biết thỉnh thoảng giáo sư đặt câu hỏi khó quá, cô và Bình chỉ biết cách cười trừ hoặc hẹn sẽ tra cứu sau.

“Khi dẫn giáo sư đến lăng Ông Bà Chiểu, ông ấy nhìn chằm chằm vào tượng con ngựa và hỏi tại sao con ngựa lại có tấm vải màu đỏ. Hoặc ông thắc mắc tại sao cúng thèo lèo trong lễ đưa ông Táo về trời và sao có hình ảnh cò bay ngựa chạy trong vàng mã” - Thúy kể. Nhắc đến chuyện này, ông mỉm cười: “Ngoài câu chuyện về con ngựa của tướng Lê Văn Duyệt, còn có rất nhiều câu chuyện thú vị ở lăng Ông. Bạn có thể bắt gặp một con cá có thể dự đoán tương lai của bạn. Hay như nếu bạn chạm vào con hổ, cái võng, ngà voi, xương cá voi trưng bày ở đó, nhiều may mắn sẽ đến với bạn”.

Giáo sư Patrick cho biết trong những phong tục tập quán ngày Tết tại TP.HCM, ông ấn tượng nhất với tập tục cúng xóm của người dân nhập cư miền Trung ở quận Tân Bình và Tân Phú. Ông ra Đà Nẵng để tìm hiểu sâu hơn, phát hiện cúng xóm là do những người có gốc gác miền Trung như Đà Nẵng và Quảng Nam sống trong cùng một con hẻm hay một xóm ở TP.HCM tổ chức mỗi dịp Tết đến. Các gia đình trong xóm cùng đóng góp tổ chức nghi lễ này với mong ước năm mới thôn xóm an lành, no ấm và hạnh phúc. Giáo sư Patrick nói ông thích tập tục cúng xóm bởi nghi lễ này cho thấy những người nhập cư ở TP.HCM dù sống xa quê đã lâu vẫn nhớ về nguồn cội của mình. “Hầu hết người dân không phải người miền Trung ở TP.HCM thường không biết tập tục này và tôi phải giải thích cho họ biết” - ông tự hào khoe.

Giáo sư Patrick còn quan tâm lễ đưa ông Táo về trời, tìm gặp nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, gặp các bạn trẻ hỏi thêm và thu thập nhiều tư liệu thú vị về tập tục này. “Tôi thích cách người Việt kết nối với những thực thể tâm linh và thần thánh trong dịp Tết, chẳng hạn như ông Táo. Tôi cũng rất thích chương trình Táo Quân trên truyền hình của các bạn vì mỗi năm nội dung mỗi khác” – giáo sư nhận xét.

rQMUpcVF.jpg
6WmHkoQ6.jpg
IqcN4pbp.jpg

Đưa Tết Việt đến thế giới

Những trải nghiệm thú vị đầu tiên từ Tết Mậu Tý đã kéo giáo sư Patrick quay lại Việt Nam mỗi năm để tìm hiểu sâu hơn về Tết. Những năm sau đó, ông tìm gặp những người có kiến thức sâu rộng về văn hóa và lịch sử Việt Nam để tìm hiểu thêm về Tết ở nhiều địa phương tại Việt Nam. “Họ giúp đỡ tôi rất nhiều. Họ cũng khiến tôi nhận thấy văn hóa Việt sâu rộng và phong phú. Khó khăn duy nhất của tôi là không nói tiếng Việt nên phải trông cậy vào người phiên dịch, do vậy tôi đang cố gắng học tiếng Việt đây” - ông trải lòng.

Hết Tết, khi tham gia các hội nghị quốc tế tổ chức ở Thái Lan, Đức, Indonesia, Úc và tại các trường đại học ở New Zealand, thuyết trình về Tết là đề tài giáo sư Patrick say mê. Ông kể chuyên gia tại các hội thảo quốc tế rất quan tâm về Tết cổ truyền Việt Nam trong khi rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp hỏi ông về các món ăn ngày Tết. Ông khoe với họ “ẩm thực Tết Việt” rất ngon và không quên giới thiệu bánh chưng - bánh tét. Ông cũng trình bày về Tết ở nhiều hội thảo tổ chức tại Việt Nam. Ông cũng từng hướng dẫn sinh viên Trường đại học Hoa Sen (TP.HCM) cách thực hiện một đề tài nghiên cứu và lấy ví dụ cụ thể từ đề tài nghiên cứu Tết Việt của ông.

Tại Trường đại học Canterbury, ông cũng thường nói về Tết Việt trong nhiều bài giảng cho sinh viên ngành nhân học. “Các sinh viên của tôi rất thích nghe về Tết và những trải nghiệm của tôi ở Việt Nam. Tôi đang cố gắng khuyến khích họ thực hiện nghiên cứu ở Việt Nam khi tốt nghiệp” – giáo sư Patrick nói. Ở tuổi 65 và đã “ăn” sáu cái Tết ở Việt Nam, nhưng niềm say mê nghiên cứu Tết của ông vẫn tiếp tục như một dòng chảy không bao giờ bị ngắt. Tết năm nay ông lại xách balô sang Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu Tết Việt. “Bất cứ khi nào tôi phát hiện có gì thú vị về Tết, tôi sẽ nghiên cứu cái đó. Thật lòng mà nói, tôi cũng chưa biết khi nào sẽ dừng công việc này” - ông chia sẻ chân tình.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên