Tăng tuổi nghỉ hưu, cần dữ liệu thuyết phục

TTCT - Hiện nay, nếu có một cuộc khảo sát xã hội về tăng tuổi nghỉ hưu thì tôi nghĩ tỉ lệ ủng hộ chủ trương này sẽ không cao. Thành phần ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu thường là các nhóm cán bộ có chức vụ, còn lại đa số người lao động sẽ không ủng hộ.

Công nhân sản xuất hàng nhựa tại Công ty Vĩnh Lộc Phát, huyện Bình Chánh, TP.HCM -QUANG ĐỊNH
Công nhân sản xuất hàng nhựa tại Công ty Vĩnh Lộc Phát, huyện Bình Chánh, TP.HCM -QUANG ĐỊNH


Người lao động lo lắng phải kéo dài tuổi lao động trong khi điều kiện sống chưa được cải thiện nhiều, sức khỏe chưa đáp ứng... Và để mọi người đồng thuận, cần phải có dữ liệu thuyết phục để tăng tuổi nghỉ hưu.

VN áp dụng độ tuổi nghỉ hưu hiện hành đã hơn 30 năm qua, từ năm 1985 theo nghị định 236/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

Tại thời điểm đó tuổi thọ của người Việt là 63. So tuổi thọ với tuổi nghỉ hưu trung bình là 57,5 tuổi (60 tuổi + 55 tuổi)/2) thì người nhận lương hưu giai đoạn này kéo dài khoảng 5,5 năm.

Trong khi đó, tuổi thọ của người VN năm 2015 là 73,2 tuổi, nhưng tuổi nghỉ hưu vẫn như cũ nên hiện nay người nhận lương hưu kéo dài đến 15,5 năm, và có thể đến 22,5 năm vào năm 2050 (theo dự báo tuổi thọ người Việt năm 2050 là 80,4 tuổi). Điều này sẽ là gánh nặng đối với quỹ lương hưu nên cần sớm có sự điều chỉnh phù hợp.

Dự kiến khoảng 20 năm nữa, nước ta sẽ là dân số già, trong khi đó giai đoạn từ “già hóa dân số” sang “dân số già” ở các nước phát triển kéo dài cả thế kỷ. Khi dân số già thì quỹ lương hưu sẽ rất lớn, nếu không có sự chuẩn bị sớm từ bây giờ thì quỹ lương hưu sẽ thiếu hụt trầm trọng.

Về mức đóng và mức hưởng lương hưu hiện hành theo Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) đã thể hiện sự mất cân đối của quỹ hưu trí.

Giả sử mọi người tham gia đóng BHXH đầy đủ trung bình là 32,5 năm (nam đóng 35 năm, nữ đóng 30 năm) với tỉ lệ đóng góp vào quỹ hưu trí là 22% và tỉ lệ hưởng lương hưu là 75% thì mức chi lương hưu đảm bảo bình ổn quỹ lương hưu cho người hưởng lương hưu chỉ là 9,5 năm (22%/tháng x 12 tháng/năm x 32,5 năm)/(75%/tháng x 12 tháng).

Trong khi đó, thời gian hưởng lương hưu hiện nay đã là 15,5 năm, tức là hụt quỹ lương hưu đến 6 năm.

Qua phân tích sơ bộ vài dữ liệu nêu trên liên quan đến việc nghỉ hưu và lương hưu, ta thấy quỹ lương hưu đã mất cân đối nghiêm trọng do đóng ít, hưởng nhiều.

Về chính sách cần phải có sự điều chỉnh để đảm bảo cân bằng quỹ lương hưu, điều chỉnh theo các hướng tăng mức đóng hoặc giảm mức hưởng. Hiện tại, vì mặt bằng tiền lương thấp dẫn đến lương hưu thấp, nên việc giảm mức hưởng lương hưu là rất khó khăn.

Việc tăng mức đóng bằng cách tăng tỉ lệ nộp vào quỹ hưu trí cũng không khả thi vì mức đóng góp đã ở ngưỡng cao, không thể tăng thêm, chỉ còn tăng mức đóng bằng cách kéo dài thời gian đóng quỹ hưu trí.

Do vậy thời gian đóng BHXH tăng thêm khoảng 4 năm là hợp lý, từ mức đóng bình quân 32,5 năm lên 36,25 năm, tương ứng với nam đóng 37,5 năm và nữ đóng 35 năm.

Tuy nhiên, về tuổi nghỉ hưu chỉ cần tăng thêm 2 tuổi so với hiện tại (tức là tuổi nghỉ hưu mới của nam là 62 và của nữ là 57), vì đa số người lao động đi làm từ năm 22 tuổi - sau khi học nghề, thì khi nghỉ hưu nữ giới đã có 35 năm làm việc và nam giới có đến 40 năm làm việc.

Quy định tuổi nghỉ hưu tăng lên theo mặt bằng chung nhưng vẫn mềm dẻo, uyển chuyển cho các đối tượng khác. Đối với người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, vùng sâu, vùng xa... cần có chính sách ưu đãi để người lao động được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm so với quy định chung.

Đối với người lao động khác còn từ 5 năm trở lại là đến tuổi hưu, đã có thời gian tham gia BHXH phù hợp nhưng sức khỏe kém, suy giảm theo mức quy định của ngành y tế thì được giải quyết nghỉ hưu sớm, với tỉ lệ lương hưu thấp hơn.

Về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần kéo dài, tránh gây đột biến, mỗi năm tăng thêm 3 tháng tuổi, nên khi tăng thêm 2 tuổi lao động thì lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu sẽ kéo dài đến 8 năm. Thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu nên bắt đầu từ năm 2023, nối tiếp theo lộ trình điều chỉnh của Luật BHXH năm 2014 (điều 56).

Ngoài ra, việc so sánh số liệu về hưu trí tại nước ta với các nước tương đồng trong khu vực và trên thế giới sẽ giúp cho người dân có cái nhìn toàn cảnh về hưu trí, tạo nên sự đồng thuận với chủ trương chung của Nhà nước về tăng tuổi nghỉ hưu.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận