30/05/2011 11:29 GMT+7

"Tân trang" ruột xe phế thải

NGỌC KHẢI - KHƯƠNG VĂN
NGỌC KHẢI - KHƯƠNG VĂN

TT - Nhiều bạn đọc gọi điện đến Tuổi Trẻ bức xúc: xe gắn máy bị thủng ruột, vừa thay ruột xe mới lại hỏng tiếp. PV Tuổi Trẻ đã vào cuộc và phát hiện nhiều lò tân trang ruột xe phế thải lẫn các lò làm nhái ruột xe thương hiệu tại TP.HCM.

Read this on Tuoitrenews.vn

VKfkHmWk.jpgPhóng to
Chủ cửa hàng Thạnh Duy (quốc lộ 1A, Q.Thủ Đức) gọi điện thoại điều phối cung cấp ruột xe nhái - Ảnh: K.V.

Chiều 10-5, anh Lãm (ngụ đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh) thất thểu dắt chiếc Wave trên đường Ngô Quyền (Q.5) bức xúc nói: “Tôi mới thay một ruột xe ở góc đường với giá 80.000 đồng, chưa đầy 15 phút lại xẹp lép như thế này”. Thay ruột xe khác anh Lãm mới hay trước đó đã thay nhầm ruột xe tái chế. Tương tự, bạn đọc Hữu Khoa - sinh viên Trường cao đẳng Phát thanh truyền hình 2 - cho biết: “Nhiều lần đi trên đường tôi bị thay ruột xe vá lại và chứng kiến rất nhiều người cũng bị như vậy”.

Từ ruột dỏm tân trang

Qua tìm hiểu, PV Tuổi Trẻ đã phát hiện ruột xe tái chế đang được chào bán với giá cực rẻ, đều là hàng tái chế từ các cơ sở tư nhân, tự tạo cho mình một nhãn hiệu hoàn toàn mới. Từ một đầu mối, chúng tôi liên hệ với ông Tính, ngụ đường Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp), một đầu nậu chuyên sản xuất ruột xe với “thương hiệu” mới toanh NC. Ông Tính không ngại ngần cho biết đây là loại ruột xe máy đã được vá ép lại và tân trang như ruột mới với giá sỉ 17.000 đồng/cái loại 250 (chu vi bánh xe) và loại 275 với giá nhỉnh hơn là 19.000 đồng/cái.

Ông Tính nói: “Tui thu mua ruột xe theo mối quen từ công ty chính hãng nhưng là loại thải ra, sau đó mang về làm lại, đóng mác mới vào”. Ông Tính cũng cho biết nhãn hiệu trên là do ông tự tạo, nếu làm giả thương hiệu sẽ bị các cơ quan chức năng phạt.

“Hồi trước tụi tui cũng có làm hàng nhái nhưng giờ chuyển qua làm hàng vá ép lại vì loại này chi phí thấp và dễ tiêu thụ, chứ làm hàng nhái dễ bị cơ quan kiểm tra lắm. Đi mua từ nhà máy, công ty thì mình phải nói đem về cắt làm dây thun chứ nói về ép lại thì họ không bán” - ông nói. Cũng theo lời ông, mặt hàng ruột xe NC đang được đưa đi tiêu thụ nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai...

Ruột thải sau khi thu gom được “phù phép” bằng công nghệ tương đối đơn giản. Chỉ cần làm sạch cho bong tróc lớp bụi bẩn, đem vá ép lại bằng loại keo đen, đánh xi đen rồi đóng gói và xuất hàng. “Tui làm hàng này không đủ cung cấp cho thị trường vì các mối hàng gọi liên tục. Nếu muốn mua số lượng trên 1.000 cái thì phải đặt trước một tuần mới đủ hàng” - ông Tính cho biết.

Tương tự, bà Thoa - người thu gom và tân trang loại ruột “sida” ở Q.12 - cho biết công nghệ làm mới ruột xe khá đơn giản, chỉ cần một máy ép nhỏ bằng điện do Trung Quốc sản xuất, keo và xi đen, mọi vết thủng trên ruột xe sẽ liền lại. Bà Thoa tiết lộ: “Ai làm hàng này cũng được. Ăn thua là trám keo, đánh xi sao để khách hàng không biết”. Ngoài ruột xe “sida” do các đầu nậu cung cấp, chúng tôi còn ghi nhận khá nhiều tiệm sửa xe trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương... tự làm mới ruột xe, sau đó “thay nóng” cho khách với giá cắt cổ.

Đến sản xuất ruột nhái

Theo lời giới thiệu của một thợ sửa xe tên Hòa có gần mười năm trong nghề, chúng tôi tìm đến cửa hàng cung ứng mặt hàng ruột xe nhái Thạnh Duy trên quốc lộ 1A (Q.Thủ Đức).

Chiều 21-5, cửa hàng này tấp nập người ra vô hỏi mua linh kiện, phụ tùng xe gắn máy. Trong khuôn viên rộng chừng 20m2 chất ngồn ngộn ruột xe, phía trong có một nhân công đang nhanh tay đóng gói những bịch ruột xe nhãn hiệu Casumina. Khoảng hơn chục bao (mỗi bao chứa 100 ruột xe) xếp dọc theo chiều dài khuôn viên, một số ruột xe có in nổi dòng chữ Casumina chưa đóng gói nằm rải rác.

Bà Duy giới thiệu bà có cả hàng nhái của Việt Nam và hàng nhái của Trung Quốc. “Ở đây anh muốn mua loại hàng nhái nào em cũng có hết, chỉ sợ anh không mua nhiều” - bà Duy nói. Bà tiết lộ bí quyết của những bao hàng nhái là mua ruột thải từ các nhà máy đủ thương hiệu về cạo chữ và dập chữ “Casumina” vào giống y như thật. Bà cầm chiếc ruột xe giới thiệu: “Thu mua loại này về xóa chữ làm sạch lại, dập chữ Casumina là xong”.

Vừa đóng gói ruột xe, bà Duy báo giá hàng Việt Nam sản xuất là 26.500 đồng/cái loại 250, 29.000 đồng/cái loại 275, muốn lấy hàng rẻ hơn nữa thì mấy bữa nữa sẽ có, giá 23.500 đồng/cái. Nếu mua trên mười bao (tức 1.000 cái), bà sẽ lấy mức giá “mềm” hơn. Khi đề cập về chất lượng, bà chủ quả quyết: “Hàng ở đây bỏ mối nhiều nơi lâu rồi”. Cửa hàng của bà cung cấp cho các đại lý, tiệm sửa xe từ Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai đến các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Nơi dập nổi thương hiệu sản phẩm của cửa hàng bà là một nhà kho bí mật gần cửa hàng. Theo một người đã làm hàng cho bà Duy, hàng nhái chất ngồn ngộn mấy căn nhà trọ hơn hai năm nay, ruột xe sau khi được thu gom sẽ qua hệ thống dập nổi, nếu so với hàng thật thì “kẻ tám lạng, người nửa cân” nhưng chất lượng một trời một vực.

Sau khi được “phù phép”, ruột xe qua tay các đầu nậu vô tư tuồn ra thị trường. Sáng 27-5, trong vai thợ sửa xe gắn máy, chúng tôi vào sạp Xương Phước cạnh chợ Tân Thành (Q.5) chuyên kinh doanh mặt hàng ruột, vỏ xe loại 2 (tức ruột xe nhái thương hiệu - PV). Do biết chúng tôi được một mối quen giới thiệu nên ông Phước chủ sạp không ngần ngại nói một lèo: “Hàng loại 2 tức là hàng nhái các ruột xe có thương hiệu nổi tiếng. Giống y chang về mẫu mã, chỉ khác nhau về chất lượng, độ bền, độ co giãn mà thôi”. Ông Phước lần lượt gọi điện thoại cho các lò sản xuất dọ hỏi nguồn hàng để báo giá cho khách.

Ông cho biết hàng loại 2 đang “nóng” nên rất hiếm hàng, chỉ những lò sản xuất lớn mới có lượng hàng lớn. Ông Phước báo: “Nếu mua số lượng trên 100 cái thì hàng Casumina nhái giá chỉ 27.000 đồng/cái, rẻ hơn hàng thật gần 10.000 đồng/cái”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Phước là một trong những đầu nậu phân phối ruột, vỏ xe nhái “cỡ bự” ở khu vực chợ này, sẵn sàng chẻ hàng xuống các tỉnh miền Tây Nam bộ theo nhu cầu của các thợ sửa xe. “Cần bao nhiêu hàng nhái tui cũng có thể cung cấp đủ nhưng không thể dẫn khách vào thăm lò được, bởi hở ra là bị quản lý thị trường nhảy vào liền” - ông nói.

Có thể bị xử lý hình sự

Việc sản xuất ruột xe nhái là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại điểm b khoản 8 điều 2 của nghị định số 06/2008/NĐ-CP thì hàng hóa giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại hàng hóa; hàng hóa giả mạo chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp trên nhãn hoặc bao bì hàng hóa được xem là hàng giả.

Việc xử phạt hành vi kinh doanh hàng giả được quy định cụ thể tại điều 24 của nghị định số 06/2008/NĐ-CP với mức phạt lên đến 40 triệu đồng. Đồng thời, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung như buộc tiêu hủy hàng giả, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm...

Đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm hoặc sản xuất kinh doanh hàng giả có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 156 Bộ luật hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Việc các tiệm sửa xe mua ruột xe giả về thay cho khách vì mục đích lợi nhuận cũng được xem là buôn bán hàng giả và bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự như trên. Khách hàng hoàn toàn có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường về mặt dân sự hoặc tố cáo đến cơ quan cảnh sát điều tra nếu đủ cấu thành tội phạm, việc bồi thường về mặt dân sự sẽ được giải quyết trong phiên tòa hình sự.

s8QamLMC.jpgPhóng to

Ruột xe Casumina nhái bán tại cửa hàng Thạnh Duy (trái) và ruột NC (loại đã vá ép lại) bán tại nhà ông Tính (đường Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp) - Ảnh: K.V

“Chém đẹp”

Nhiều nạn nhân của ruột “sida”, ruột nhái chỉ biết ấm ức và... rút kinh nghiệm. Cách đây hơn hai tuần, bạn đọc Nguyễn Văn Hoàng - quê Nam Định, công nhân Khu công nghiệp Sóng Thần - chạy xe gắn máy qua cầu vượt Sóng Thần thì bánh sau xẹp lép. Anh dắt xe vô tiệm vá thì chủ tiệm phán phải thay ruột xe.

“Khi dắt xe vào tôi nói chủ tiệm thay cho cái ruột xe loại tốt. Tôi không để ý lắm, chỉ thấy thợ cầm cái ruột có bao bì ghi nhãn hiệu Casumina thì tưởng đó là hàng chính hãng. Nhưng đi được một tuần sau thì bánh xe cứ tự nhiên xuống hơi. Ra tiệm quen mới biết đó là ruột dỏm đội lốt hàng hiệu” - anh Hoàng kể.

Hàng nhái có nhiều loại, nhiều giá khác nhau nhưng khi thay cho khách đều là giá... trên trời. Các tiệm sửa xe sẵn sàng ra giá tùy thích mỗi lần thay ruột “đểu”. Dù chọn ruột có thương hiệu nhưng nhiều nạn nhân vẫn sập bẫy.

Ông Lương - quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa, làm nghề sửa xe trên quốc lộ 1A (khu vực cầu vượt Sóng Thần) nay đã giải nghệ - bày tỏ bí quyết làm giàu: “Trước đây, gặp khách quen tui lấy giá mềm chút, khách vãng lai thì “chém” thoải mái, từ 70.000-100.000 đồng/ruột”.

Theo đó, có ngày ông Lương tiêu thụ trên 20 ruột xe nhái, trừ chi phí mỗi ngày ông có thể đút túi hơn 1 triệu đồng. Theo ông Lương, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại ruột nhái với đủ loại giá, chất lượng thì chỉ có dân trong nghề mới biết. “Các loại ruột này không thể bơm căng vì có thể nổ bánh xe. Giá mua ruột nhái dao động từ 21.000-31.000 đồng/cái, rẻ hơn từ 9.000-17.000 đồng/cái so với hàng chính hãng” - ông nói.

NGỌC KHẢI - KHƯƠNG VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên