11/08/2016 15:15 GMT+7

Tạm dừng phiên phúc thẩm vụ "đưa em tật nguyền ra tòa"

N.TRIỀU
N.TRIỀU

TTO - Sáng 11-8, TAND tỉnh Kiên Giang đã mở phiên phúc thẩm vụ tranh chấp tài sản thừa kế và chia tài sản chung đã được Tuổi Trẻ phản ánh trong bài "Đưa đứa em tật nguyền ra tòa".

Bị tật do nhiễm chất độc da cam, Phạm Thanh Tùng không thể ngồi ghế, phải ngồi trên chiếu để hầu toà - Ảnh: N.TRIỀU
Bị tật do nhiễm chất độc da cam, Phạm Thanh Tùng không thể ngồi ghế, phải ngồi trên chiếu để hầu tòa - Ảnh: N.TRIỀU

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, chồng của bà Hoàng Thị Huệ là ông Phạm Văn Tranh mất từ năm 1987.

Năm 1991, bà Huệ được UBND huyện Châu Thành (Kiên Giang) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà do cá nhân bà Huệ đứng tên.

Trước khi qua đời, bà Huệ đã chia đất cho sáu trong tám người con của mình. Phần còn lại bà sang tên và di chúc cho con trai út bị tật do nhiễm chất độc da cam là Phạm Thanh Tùng và anh kế là Phạm Văn Sơn với di nguyện Sơn sẽ trông nom, chăm sóc Tùng.

Tuy nhiên, sau khi bà Huệ mất đã xảy ra tranh chấp phần nhà đất còn lại này. Hai người anh trai lớn là Phạm Văn Truyền và Phạm Văn Luận cùng bốn chị em gái kiện Tùng và Sơn ra tòa.

Bản án sơ thẩm của TAND huyện Châu Thành ngày 6-5-2016 đã tuyên bác gần như toàn bộ yêu cầu của các nguyên đơn đòi chia lại tài sản mà người mẹ đã sang tên và di chúc cho Tùng và Sơn.

Tòa chỉ chấp nhận chia đều cho cả tám anh chị em hai thửa đất ruộng không được người mẹ nhắc trong di chúc.

Không đồng ý với bản án tòa đã tuyên, ông Truyền và ông Luận cùng bốn chị em gái nộp đơn kháng cáo.

Ngày 26-7-2016, phiên tòa phúc thẩm dự kiến được mở nhưng đã phải hoãn lại theo đơn xin hoãn của nguyên đơn.

Tại phiên phúc thẩm sáng 11-8, phần hỏi đáp giữa nguyên đơn và bị đơn biến thành cuộc tranh cãi khi các anh chị liên tục kể công hồi nhỏ đã bồng ẵm Tùng ra sao khiến các thẩm phán ngồi ghế xét xử phải liên tục can thiệp.

Trong khi đó, anh Phạm Văn Sơn thì cho rằng sau khi mẹ mất và xảy ra tranh chấp, các anh chị bỏ mặc Tùng, đến lời hỏi thăm cũng không có và anh đã phải đưa em về nương nhờ bên vợ.

Về nguồn gốc các thửa đất, ông Truyền và ông Luận cho rằng là đất do nhà nước cấp cho cả gia đình theo định suất nên mỗi người đều có phần như nhau và việc bà Huệ tự ý chia cho Tùng và Sơn phần nhiều hơn là “lạm quyền là mẹ”.

Phía nguyên đơn trưng ra bằng chứng là một quyết định giải quyết khiếu nại của UBND xã Bình An năm 2000, trong đó ghi nguồn gốc “năm 1982 nhà nước cấp lại cho hộ bà Hoàng Thị Huệ sử dụng đến nay”.

Đại diện UBND huyện Châu Thành có mặt tại tòa cho rằng năm 1978, nhà nước có cấp cho vợ chồng ông Tranh - bà Huệ đất ruộng và đất ở. Phần đất ở sau đó ông Tranh - bà Huệ đã bán cho người khác. Sau đó bà Huệ mua lại mảnh đất thổ vườn của hàng xóm.

Đến năm 1991, khi có chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đại trà, bà Huệ đứng tên kê khai nhà đất (chồng bà Huệ đã mất) và được UBND huyện Châu Thành cấp sổ đỏ với tên cá nhân bà.

Theo UBND huyện Châu Thành, kể từ năm 1991, quyền sử dụng đất đã được nhà nước công nhận thuộc cá nhân của bà Huệ. Bà Huệ có quyền định đoạt và đã thực hiện quyền này qua việc chia đất cho sáu người phía nguyên đơn, trong đó 5 người đã nhận đất, sang tên tách sổ (trừ ông Truyền nhận đất sử dụng nhưng chưa sang tên).

Đại diện Viện kiểm sát dự phiên tòa hỏi các nguyên đơn vì sao đã nhận đất mẹ cho, tức thừa nhận quyền định đoạt của người mẹ, lại còn kiện đòi hủy hợp đồng, di chúc của mẹ dành đất cho Tùng và Sơn. Ông Truyền, ông Luận trả lời rằng vì mẹ mình chia đất cho các con không đều.

Cho rằng còn một số vấn đề chưa thể làm rõ tại phiên tòa, HĐXX tuyên bố tạm dừng phiên tòa, chờ xem xét và sẽ có thông báo sau đến các đương sự.

N.TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên