02/06/2016 22:50 GMT+7

“Tài xế taxi chê cuốc ngắn là sa thải”

NGỌC ẨN - MINH PHƯỢNG
NGỌC ẨN - MINH PHƯỢNG

TTO - Đó là một trong những khẳng định mạnh mẽ của một doanh nghiệp taxi truyền thống trong việc tự đổi mới mình để phục vụ khách hàng.

Ông Đỗ Văn Thắng - Tổng giám đốc công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh bày tỏ ý kiến trong buổi toạ đàm sáng 2-6 tại toà soạn báo Tuổi Trẻ sáng 2-6 - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Ông Đỗ Văn Thắng - tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh - bày tỏ ý kiến trong buổi tọa đàm sáng 2-6 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 2-6 - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Cùng đó, vai trò quản lý nhà nước trong việc cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa taxi truyền thống và loại hình mới như Grab, Uber được đặt ra trong tọa đàm “Taxi truyền thống thời cạnh tranh” do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 2-6.

Cạnh tranh khốc liệt

Hiện nay, taxi truyền thống hoạt động song song với taxi Grab chở khách theo hợp đồng (trong giai đoạn thí điểm 2 năm) và “taxi” Uber. Tính đến đầu năm 2016, TP.HCM có hơn 10.750 taxi đang hoạt động, chiếm 41% sản lượng vận tải hành khách công cộng (xe buýt). 

So với năm 2014, sản lượng vận chuyển hành khách bằng taxi tăng 6%. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Taxi TP.HCM, trên thực tế số lượng khách đi taxi còn cao hơn nhiều vì hoạt động của các loại taxi trá hình, không kiểm soát được đang diễn ra rất sôi nổi. Con số lên đến 4.000 xe. Những “taxi” này được nhiều người lựa chọn vì giá rẻ.

“Có sức ép lên doanh nghiệp taxi truyền thống, nhưng gọi là ức chế thì đúng hơn”, ông Đỗ Văn Thắng - tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh - bức xúc.

Theo ông Thắng, các doanh nghiệp taxi truyền thống đang trong một sân chơi không bình đẳng, doanh nghiệp bị “trói”, bị siết chặt bởi rất nhiều quy định, thuế, phí. 

Doanh nghiệp tốn chi phí lớn để tuyển dụng lao động, đào tạo tài xế thông qua các lớp học từ sơ cứu, cấp cứu cho khách cũng như các lớp học giao tiếp với hành khách, lập quỹ cộng đồng hỗ trợ cho trường hợp tai nạn, có ban an toàn để tìm lại hành lý bỏ quên, thất lạc cho khách.

Cùng với đó, chi phí để đầu tư các thiết bị giám sát hành trình cho xe, hộp đèn… lên mười mấy triệu đồng/xe.

Ông Nguyễn Ngọc Giao - Phó phòng quản lý vận tải sở GTVT TP.HCM phát biểu trong buổi toạ đàm tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 2-6 - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Ông Nguyễn Ngọc Giao - phó phòng quản lý vận tải Sở GTVT TP.HCM - phát biểu trong buổi tọa đàm - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

“Mỗi lần lập trình lại đồng hồ cho xe, riêng TP.HCM, chúng tôi tốn 600 triệu đồng. Cả nước mất 1,8 tỉ đồng. Và thời gian đợi chờ khá lâu”, ông Thắng cho biết.

Đặc biệt, theo quy định hằng năm, taxi của hãng phải kiểm định hai lần. “Mỗi xe kiểm định 50.000 đồng. Hiện doanh nghiệp có 15.000 xe. Con số cho một lần kiểm định lên đến 1,5 tỉ đồng”, ông Thắng nói.

Trong khi đó, “taxi” Uber không đóng thuế, không mua bảo hiểm, không tốn phí đăng kiểm, không chịu bất kỳ sự quản lý nào. Khi có sự cố xảy ra, hành khách không thể buộc Uber chịu trách nhiệm vì Uber là công nghệ thông tin. Trong khi đó, taxi truyền thống thì trách nhiệm gắn liền với thương hiệu.

“Nếu taxi truyền thống không phải chịu thuế, phí, chạy y như “taxi” Uber thì tôi khẳng định giá tiền của taxi truyền thống sẽ thấp hơn nhiều”, ông Thắng khẳng định.

Đại diện Hiệp hội Taxi TP.HCM, ông Tạ Long Hỷ, đồng tình: “Tôi cho rằng tất cả doanh nghiệp dù trong nước hay ngoài nước hoạt động phải dựa trên cơ sở pháp luật. Các bên phải bình đẳng trước pháp luật nước sở tại. Do đó, phải có cơ sở pháp lý cụ thể: đóng thuế đầy đủ, đưa ra mức giá sàn chung...

Chuyên gia giao thông Phạm Sanh chia sẻ ý kiến trong buổi toạ đàm tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 2-6 - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Chuyên gia giao thông Phạm Sanh chia sẻ ý kiến trong buổi tọa đàm - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Chúng ta hằng ngày kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người dùng chỉ lựa chọn Uber vì giá rẻ. Nhưng nếu hiểu kỹ, chúng ta thấy rõ việc Uber không đóng thuế. Tiền của Việt Nam chảy hết về Hà Lan và người Việt mình chỉ “nuôi béo” nước ngoài.

Tại sao mình không quan tâm doanh nghiệp trong nước vì họ là doanh nghiệp tuân thủ luật pháp, đóng thuế đầy đủ? Quan tâm ở đây không phải bỏ qua sai trái mà hãy “cởi trói” thủ tục để doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh”.

Chia sẻ với doanh nghiệp taxi truyền thống, ông Nguyễn Ngọc Giao - phó phòng quản lý vận tải Sở GTVT TP.HCM - cho biết đã hiểu được thực tế này mấy năm qua. Nhưng chính sự xuất hiện của “taxi” Grab, “taxi” Uber đã khiến các doanh nghiệp taxi truyền thống có sự chuyển biến tích cực trong việc tự nâng cao chất lượng.

Lúc mới xuất hiện, Uber là một công ty về công nghệ thông tin. Nhưng hiện Uber kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô là bất hợp pháp. Ban đầu, Uber chỉ sử dụng xe nhàn rỗi để chở khách. Nhưng sau đó, nhiều xe mới được mua về chuyên chở khách, là biến tướng của taxi.

Ông Giao cho biết Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản lần thứ nhất. Trong văn bản nêu rõ “nếu kinh doanh vận tải bằng ôtô, yêu cầu phải phối hợp với một công ty vận tải và đề xuất thí điểm giống như Grab”. Tuy nhiên, Uber không trả lời.

Hiện Sở GTVT TP.HCM đang đề nghị lần 2 và kiến nghị Bộ GTVT xử lý, cùng đó chỉ đạo cho thanh tra giao thông kiểm tra thường xuyên.

Ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM phát biểu trong buổi toạ đàm tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 2-6 - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM - phát biểu trong buổi tọa đàm - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

“Vận động hay là chết?”

Các doanh nghiệp taxi truyền thống cho biết: chỉ cần một sân chơi có sự cạnh tranh công bằng, doanh nghiệp yếu kém sẽ tự bị đào thải, phá sản. Lúc ấy, dù “có chết cũng không kêu ca”. Có được điều ấy, các doanh nghiệp sẽ tự thân vận động để cạnh tranh, phát triển.

“Chúng tôi luôn tự đặt câu hỏi vì sao người ta chọn Grab, Uber? Tiện ích cho khách hàng là điều quyết định tất cả”, ông Thắng nói.

Dó đó, ông Thắng quyết tâm: “Chúng tôi đang ứng dụng công nghệ vào quản trị, ứng dụng công nghệ trong tương tác với khách hàng. Từ đó giảm chi phí cố định, giảm giá thành, giảm được cước phí… Một khi taxi truyền thống sử dụng lợi thế sẵn có của mình là thương hiệu, sự chuyên nghiệp, bài bản cùng việc ứng dụng công nghệ (sử dụng app như Grab, Uber) thì lợi thế cạnh tranh sẽ hơn hẳn”.

Ông Trần Quang Thắng (phải) - viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM phát biểu trong buổi toạ đàm tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 2-6 - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Ông Trần Quang Thắng (phải) - viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM - phát biểu trong buổi tọa đàm tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 2-6 - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Ông Thắng cho biết hiện Công ty Mai Linh đã có ứng dụng, app riêng, cài đặt WiFi trên taxi. Cùng đó, công ty sẽ siết chặt nội quy, sa thải ngay những trường hợp vô lễ với khách, chạy lòng vòng, gian lận cước, tài xế nghiện ma túy, “chê” cuốc ngắn không đi.

Đặc biệt, Công ty Mai Linh đang thí điểm mô hình taxi thân thiện với môi trường - taxi điện tại Hà Nội. Nếu thành công sẽ cố gắng đưa vào khai thác đại trà trong thời gian sớm nhất.

Chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng các doanh nghiệp taxi truyền thống nên tăng cường khả năng tương tác, giải đáp những phản hồi, thắc mắc của hành khách. Đại diện Sở GTVT TP.HCM cũng góp ý các hãng phải thường xuyên duy tu, sửa chữa xe, không để xe cũ gây ô nhiễm môi trường.

Đại diện toà soạn báo Tuổi Trẻ tặng hoa cho các khách mời tham giam buổi toạ đàm “Taxi truyền thống thời cạnh tranh” tại toà soạn báo Tuổi Trẻ sáng 2-6 - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Đại diện báo Tuổi Trẻ tặng hoa cho các khách mời tham gia buổi tọa đàm “Taxi truyền thống thời cạnh tranh” tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 2-6 - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Tọa đàm “Taxi truyền thống thời cạnh tranh” được tổ chức tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 2-6 - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Tọa đàm “Taxi truyền thống thời cạnh tranh” được tổ chức tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 2-6 - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
NGỌC ẨN - MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên