24/11/2016 17:20 GMT+7

Tại sao dân ủng hộ công an cho mượn xe rước dâu?

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG

TTO - Hàng ngàn bạn đọc hoan nghênh hành động tâm lý của Công an TP Mỹ Tho (Tiền Giang) khi cho người dân gặp nạn mượn xe để tiếp tục hành trình đưa dâu về TP.HCM đúng giờ.

Chiếc xe của Công an Mỹ Tho (Tiền Giang) cho đoàn đưa dâu mượn - Ảnh: Châu Thành
Chiếc xe của Công an Mỹ Tho (Tiền Giang) cho đoàn đưa dâu mượn - Ảnh: Châu Thành

Mới đây, trong quá trình tiếp nhận, giải quyết vụ việc đoàn xe đưa dâu từ Bến Tre bị hai côn đồ dùng nón bảo hiểm, gạch đá đập phá gây hư hỏng nặng không thể tiếp tục hành trình, lãnh đạo Công an TP Mỹ Tho đã chỉ đạo linh động cho mượn xe 16 chỗ của đơn vị để đoàn đưa dâu tiếp tục hành trình về TP.HCM làm lễ đúng giờ.

Sau khi được công an cho mượn xe để rước dâu cho kịp giờ, gia đình chú rể đã đến xin trả tiền xăng xe nhưng Công an TP Mỹ Tho không nhận.

Hành động đẹp

Chị Hoàng Trâm (Q.8, TP.HCM) nói: “Hoan hô các anh công an đã có hành động rất nhân văn, hình ảnh chiến sĩ công an nhân dân đẹp từ những việc làm nhỏ thế này”.

Anh Văn Linh (ngụ TP Tân An, Long An) nêu ý kiến: “Nếu lấy xe đi chơi, ăn tiệc, liên hoan thì không nên nhưng giúp nhân dân trong điều kiện khó khăn như trường hợp này là việc làm tốt và cần phải làm. Đây là một quyết định nhanh chóng và đúng đắn của lãnh đạo Công an TP Mỹ Tho”.

Nhiều bạn đọc TTO đề xuất Công an TP Mỹ Tho nên nhận tiền xăng xe và cộng thêm chi phí bồi hoàn cho việc sử dụng xe. Ở nước ngoài, cảnh sát cũng có quyền sử dụng tài sản công như xe cộ để hỗ trợ người dân trong những lúc cần thiết như đón một em bé lạc đường về nhà, chở quá giang người già đi siêu thị hay gì đó. Nhưng nếu việc hỗ trợ đó phát sinh chi phí ngoài mức giới hạn thì người dân đó phải bồi hoàn chi phí phát sinh thêm".

Theo luật sư Đoàn Trọng Nghĩa (TP.HCM), xe biển số xanh (còn gọi là xe công vụ) là xe của cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước chỉ được sử dụng khi thực hiện các công việc của cơ quan. Người dân hay gọi tắt là xe nhà nước. Tuy nhiên, xét về tình, ông Nghĩa cho biết việc làm này là không sai vì “cái tình không được điều chỉnh bằng các quan hệ pháp luật”. 

Luật sư Đoàn Trọng Nghĩa cho rằng việc rước dâu là quan hệ dân sự của người dân. Vì vậy, người dân nên dự trù thời gian để tránh trong những trường hợp tương tự như trên, có thể làm ảnh hưởng đến công tác của công an. 

Thể hiện sự thân thiện

PGS.TS Phùng Trung Tập - giảng viên trường ĐH Luật Hà Nội - cho rằng hành động của công an trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt như trường hợp này không ảnh hưởng gì đến công tác của ngành và trật tự địa phương nên không đáng lo ngại. 

“Xe 16 chỗ này chỉ là xe khách đăng ký biển số của cơ quan chứ không phải là xe đặc chủng. Việc công an linh động giúp người dân như thế là rất tốt”, ông Tập nhận xét.

TS Trịnh Hòa Bình - giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội - cho rằng việc cho mượn xe của công an đã thể hiện sự thân thiện của tổ chức, cơ quan chức năng, để lại hình ảnh đẹp trong nhân dân.

“Nhiều người vẫn nhìn công an bằng ánh mắt chưa thiện cảm. Hành động của Công an TP Mỹ Tho dễ được người dân thông cảm, người ta sẽ ít nhấn mạnh chuyện nguyên tắc xử dụng xe mà họ sẽ nhìn vào điều tốt đẹp mà các anh đã làm được. Không phải lúc nào cũng có cơ hội để làm những điều tốt đẹp như thế”, TS Hòa Bình chia sẻ.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> Luật sư Đoàn Trọng Nghĩa

>> TS Trịnh Hòa Bình

 

 

 

 

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên