19/10/2017 08:46 GMT+7

Tại sao các bà bầu cần tuân thủ lịch khám thai?

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh

Phải tuân thủ lịch khám thai, bởi vì quá trình mang thai của người phụ nữ chứa đựng rất nhiều sự nguy hiểm. Chỉ cần một sự bất thường nhỏ có thể dẫn đến một hậu quả lớn.

Tại sao các bà bầu cần tuân thủ lịch khám thai? - Ảnh 1.

Lịch khám thai tùy thuộc vào tuổi thai hay các vấn đề của từng giai đoạn thai kỳ. Lần khám thai đầu tiên bắt đầu vài ngày sau khi trễ kinh. Nhất là những người đã từng bị sảy thai trước đó. Đây là lần khám thai rất quan trọng vì chủ yếu tập trung đánh giá sức khỏe của mẹ và xác định vấn đề mang thai.

Sau đó, khám thai 4 tuần/lần cho đến khi được 28 tuần. Khám thai 2 tuần/lần khi thai từ 28 - 36 tuần tuổi. Sau đó 1 tuần một lần cho đến khi sinh. Những trường hợp thai kỳ có vấn đề như ra huyết, dọa sinh non, thai suy dinh dưỡng, ối ít, mẹ có bệnh lý... lịch khám thai tùy thuộc vào tình trạng bệnh.

Thời kỳ đầu

Tính từ khi chậm kinh đến khi thai tròn 3 tháng. Đây là thời kỳ hình thành và hoàn thiện các cơ quan của thai nhi, vì thế có những bất thường về thai nhi có thể gặp như:

- Bất thường về nhiễm sắc thể: Đây là những bất thường về di truyền, những bất thường này thường để lại những hậu quả nặng nề cho cuộc sống sau này của trẻ.

- Bất thường về hệ thần kinh thai: Có nhiều dị tật liên quan đến hệ thần kinh, có thể phát hiện được sớm trong 3 tháng đầu như: thai vô sọ, não úng thủy...

Để phát hiện những bất thường này cần phải làm các xét nghiệm sàng lọc như siêu âm sớm (đo độ dày da gáy thai lúc 12-14 tuần), xét nghiệm máu, chọc dò nước ối...

Ngoài những bất thường kể trên, đau bụng, ra máu cũng là những dấu hiệu bất thường và rất nguy hiểm trong thời kỳ này, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai. Đau bụng, ra máu trong 3 tháng đầu khi mang thai có thể do nhiều nguyên nhân như dọa sảy thai, chửa ngoài dạ con, chửa trứng...

Thời kỳ tiếp theo 3 tháng giữa

Là giai đoạn tăng trưởng. Cũng như trong 3 tháng đầu, đau bụng, ra máu âm đạo là dấu hiệu bất thường và rất nguy hiểm. Đó có thể là dấu hiệu của thai chết lưu, rau tiền đạo, dọa sảy thai...

Có những dị tật về hệ thần kinh phát hiện muộn hơn như não nhỏ, bất thường về cấu trúc não... Bất thường về hệ tim mạch thường gặp là thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, đảo gốc động mạch... Các dị tật này có thể phát hiện được trong 3 tháng giữa của thai kỳ bằng siêu âm, xét nghiệm máu, chụp cộng hưởng từ.

Ngoài ra, còn có thể phát hiện được các dị tật ở các cơ quan khác thông qua thăm khám và các sàng lọc trước sinh.

Thời kỳ 3 tháng cuối

Là giai đoạn tăng trọng, đây là giai đoạn có nhiều dấu hiệu bất thường nguy hiểm thường xảy ra như:

Nhiễm độc thai nghén: Nếu nhẹ thường có dấu hiệu như phù, tăng huyết áp, nước tiểu có protein. Nếu nặng có thêm các dấu hiệu như đau đầu, mờ mắt, sản giật. Khi phát hiện ra bất kỳ các dấu hiệu nào của nhiễm độc thai nghén, các bà mẹ đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Nhau tiền đạo, nhau bong non, có thể gây dọa đẻ non, băng huyết. Nếu có dấu hiệu này phải đến ngay cơ sở y tế để khám và theo dõi.

Bụng to lên quá nhanh và có thể có khó thở do chèn ép: dấu hiệu này thường gặp do dư ối, song thai, hoặc thai to ở bà mẹ bị đái tháo đường.

Ngoài ra, để chăm sóc thai nghén toàn diện, người mẹ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vận động hàng ngày hợp lý, ngủ đủ giấc, mặc quần áo rộng thoáng, vệ sinh thân thể sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt dùng thuốc trong khi mang thai phải hết sức cẩn trọng. Phải có sự tư vấn và chỉ định của cả thầy thuốc sản khoa và chuyên khoa khi dùng thuốc. Những người này cần kiểm tra thai nghén nhiều hơn so với người bình thường, trong một số trường hợp đặc biệt cần được điều trị ngoại trú suốt quá trình mang thai.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên