27/10/2016 09:06 GMT+7

Sửa chữa toàn diện chợ Bình Tây sau 88 năm

LAM ĐIỀN - D.NGỌC HÀ
LAM ĐIỀN - D.NGỌC HÀ

TTO - Chợ Bình Tây còn được gọi là Chợ Lớn Mới, là ngôi chợ được ông Quách Đàm (tức Thông Hiệp) - một người Hoa gốc Triều Châu bỏ vốn xây cất vào năm 1928, nay sẽ được sửa chữa, bảo toàn triệt để và bền vững.

Mái ngói chợ Bình Tây sẽ được thay mới bằng đúng loại ngói cũ - Ảnh: L.ĐIỀN
Mái ngói chợ Bình Tây được thay mới bằng đúng loại ngói cũ - Ảnh: L.ĐIỀN

Từ nay đến ngày 15-11, toàn bộ tiểu thương chợ Bình Tây (57A Tháp Mười, P.2, Q.6, TP.HCM) sẽ di dời ra khu vực chợ tạm để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án “Nâng cấp sửa chữa toàn diện chợ Bình Tây” do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Q.6 làm chủ đầu tư.

Trước đó, một khu chợ tạm được xây dựng từ tháng 8-2016 tại phần nửa lòng đường Tháp Mười đối diện chợ Bình Tây, vừa hoàn tất với sức chứa 1.077 sạp - đủ để di dời toàn bộ sạp hàng trong nhà lồng của tiểu thương chợ Bình Tây ra đây, trả không gian khu chợ Bình Tây cho công trình dự kiến kéo dài 365 ngày.

Chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) được đánh giá là xây dựng theo kỹ thuật phương Tây nhưng giữ được nét mỹ thuật phương Đông - Ảnh tư liệu TT

 

Giữ nguyên hiện trạng 12 cửa vào

Chiều 26-10, một cuộc họp của đại diện UBND Q.6, Sở Văn hóa - thể thao, Sở Xây dựng... thống nhất các phương án bảo tồn và sửa chữa nâng cấp chợ Bình Tây.

Ngay trước giờ họp, ông Nguyễn Văn Minh - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, cùng ông Trương Kim Quân - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM, và các cán bộ Q.6 thực hiện chuyến khảo sát thực tế khu vực chợ Bình Tây, ghi nhận hiện trạng xuống cấp, hư hỏng của các hạng mục và ý kiến của một số tiểu thương tại đây.

Theo đó, mặc dù dự án “Nâng cấp sửa chữa toàn diện chợ Bình Tây” chưa được UBND TP.HCM ra quyết định phê duyệt, nhưng dự án này được lập trên cơ sở UBND TP.HCM đồng ý từ năm 2014 với chủ trương “đầu tư nâng cấp” chợ Bình Tây, và đến năm 2015 điều chỉnh lại là “sửa chữa toàn diện”.

Tuy nhiên, dự án này không phải tháo dỡ hoàn toàn các cấu kiện công trình hiện hữu của chợ Bình Tây, mà “toàn diện” ở đây có thể hiểu là sửa chữa tất cả những hạng mục hư hỏng, khối lượng hạng mục sửa chữa nhiều hơn hẳn hai lần trùng tu trước đây vào năm 1991 và 2006.

Theo chủ đầu tư, vì chợ Bình Tây hiện là di tích kiến trúc nghệ thuật của thành phố nên quá trình sửa chữa lần này đặt mục đích bảo toàn di tích văn hóa, gìn giữ bản sắc vốn có của chợ Bình Tây.

Công trình sửa chữa chợ lần này vẫn giữ nguyên hiện trạng 12 cửa vào. Các họa tiết, chi tiết kiến trúc sẽ được đo đạc, chụp hình và vẽ ghi lại để khi sửa chữa sẽ phục hồi nguyên trạng.

Đặc biệt, tất cả mái ngói đều phải dỡ ra nên chủ đầu tư cho biết tính đến việc đặt mới loại ngói mái, diềm mái đúng với mẫu cũ. Ước tính có đến 2ha ngói cần phải thay cho công trình này.

Bên cạnh đó, các hạng mục tiếp theo của dự án này gồm: thay mới toàn bộ hệ thống rui để lợp lại ngói; sửa chữa các vị trí vật liệu hư hỏng, sơn lại toàn bộ tường cột, trần; phục chế các chi tiết trang trí hư hỏng theo nguyên mẫu; cải tạo lại các cầu thang, lan can cho phù hợp với kiến trúc cũ của công trình; lát lại toàn bộ nền tầng trệt - lầu bằng vật liệu đá mài; nâng nền chống ngập cho công trình; cải tạo, trang trí lại sân vườn trong chợ; xây dựng mới tầng hầm ở vị trí sân trống giữa khuôn viên chợ...

Đề xuất dựng lại tượng ông Quách Đàm

Phía chủ đầu tư cho biết hiện các hộ kinh doanh tại chợ Bình Tây bắt đầu nhận sạp mới tại khu chợ tạm và tiến hành di dời ra khỏi chợ cũ.

Có tất cả 1.077 hộ kinh doanh sẽ di dời ra chợ tạm, 369 hộ kinh doanh tìm được vị trí kinh doanh phù hợp, còn các hộ kinh doanh ở khu vực các đường Trần Bình, Lê Tấn Kế và Phan Văn Khỏe vẫn tiếp tục kinh doanh tại vị trí hiện hữu.

Phía chủ đầu tư cho biết qua 12 cuộc họp, các tiểu thương đồng ý di dời với phương án trên, và sau khi sửa chữa chợ, các hộ kinh doanh sẽ nhận lại sạp hàng đúng vị trí cũ của mình trước đây.

Tại cuộc họp chiều 26-10, ông Ngô Thành Luông - chủ tịch UBND Q.6 - bày tỏ lo ngại hiện tại thời điểm di dời và hoạt động tại chợ tạm đã ấn định, nhưng thời điểm dự án được UBND TP duyệt vẫn chưa biết khi nào, “nếu bà con tiểu thương di dời ra chợ tạm rồi mà chủ đầu tư chưa khởi động dự án sửa chữa e rằng dư luận sẽ có ý kiến”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Minh cho biết sắp tới sở sẽ đề xuất UBND TP.HCM ra văn bản chấp thuận dự án. Cũng theo ông Minh, dự án này sử dụng nguồn của Q.6 và nguồn vốn xã hội hóa nên việc chấp thuận của UBND TP.HCM “chắc sẽ nhanh chóng thôi”.

Ông Minh cũng đề xuất nhân dịp sửa chữa toàn diện chợ Bình Tây lần này, nên dựng lại tại khu vực sân vườn chợ bức tượng ông Quách Đàm - người xây dựng chợ Bình Tây từ năm 1928 - hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Chợ Bình Tây còn được gọi là Chợ Lớn Mới, là ngôi chợ được ông Quách Đàm (tức Thông Hiệp) - một người Hoa gốc Triều Châu - bỏ vốn xây cất vào năm 1928. Ông Quách đã thuê kỹ sư người Pháp thiết kế nên chợ được xây cất theo kỹ thuật phương Tây, song mang đậm nét kiến trúc Trung Quốc.

Tháp giữa vươn cao có bốn mặt đồng hồ, toàn bộ mái chợ lợp bằng ngói âm dương theo kiểu chồng lớp để tạo sự thông thoáng. Riêng mái ở các góc có nét uốn lượn theo kiểu chùa chiền phương Đông. Chính giữa chợ có khoảng sân trời rộng rãi, thoáng mát.

Theo kết quả kiểm định công trình ngày 20-7-2012, Công ty cổ phần Kiểm định Sài Gòn kiến nghị: việc sửa chữa công trình cần phải mang tính triệt để và bền vững.

* Những hình ảnh về chợ miền Tây:

Sửa toàn diện chợ Bình Tây xây từ năm 1928
Du khách nước ngoài được hướng dẫn viên người Việt giới thiệu về kiến trúc và nét văn hóa của chợ Bình Tây, Q.6, TP.HCM - Ảnh: Hữu Thuận
Sửa toàn diện chợ Bình Tây xây từ năm 1928
Du khách nước ngoài được hướng dẫn viên người Việt giới thiệu về kiến trúc và nét văn hóa của chợ Bình Tây, Q.6, TP.HCM - Ảnh: Hữu Thuận
Sửa toàn diện chợ Bình Tây xây từ năm 1928
Các tiệm tạp hóa bên hông chợ Bình Tây, TP.HCM - Ảnh: Hữu Thuận
Sửa toàn diện chợ Bình Tây xây từ năm 1928
Chợ Bình Tây có kiến trúc cổ mang đậm phong cách Á Đông - Ảnh: Hữu Thuận
Sửa toàn diện chợ Bình Tây xây từ năm 1928
Những người bốc vác ở chợ Bình Tây - Ảnh: Hữu Thuận
Sửa toàn diện chợ Bình Tây xây từ năm 1928
Những người bốc vác ở chợ Bình Tây - Ảnh: Hữu Thuận
Sửa toàn diện chợ Bình Tây xây từ năm 1928
Nhịp sống trong chợ luôn luôn tấp nập - Ảnh: Vĩnh Đạt
Sửa toàn diện chợ Bình Tây xây từ năm 1928
Tuy công việc nặng nhọc nhưng đối với nhiều phụ nữ ở đây đều không thành vấn đề - Ảnh: Vĩnh Đạt
Sửa toàn diện chợ Bình Tây xây từ năm 1928
Do đã được xây dựng từ lâu đời, nên kiến trúc của chợ đã có phần cũ kĩ - Ảnh: Vĩnh Đạt
Sửa toàn diện chợ Bình Tây xây từ năm 1928
Các loại mặt hàng trong chợ rất phong phú về chủng loại và giá cả - Ảnh: Vĩnh Đạt
Sửa toàn diện chợ Bình Tây xây từ năm 1928

Những người bốc vác ở chợ Bình Tây - Ảnh: Vĩnh Đạt

LAM ĐIỀN - D.NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên