04/07/2012 09:48 GMT+7

Sự học vô bờ...

 LƯU TRANG
 LƯU TRANG

TT - Giữa những bộn bề, xôn xao của kỳ thi lớn nhất trong năm, giữa những lo toan của cha mẹ, những hồi hộp của sĩ tử, sự nhiệt thành của người tình nguyện còn có những hình ảnh chân thật và xúc động đến nao lòng...

Cô học trò Trần Ái Vân (lớp 12 chuyên hóa Trường THPT Gia Định, TP.HCM) bị liệt tứ chi, em phải làm bài thi bằng cách ngậm bút vào miệng và dùng những ngón tay đã teo tóp để đẩy bút đi. Trở thành trung tâm chú ý mỗi lần xuất hiện trước đám đông, nhưng không chút mặc cảm, em tự tin nói cười và sẵn sàng nhìn thẳng nếu có ánh mắt nào dò hỏi. Cô bé tuổi teen này không khác gì các bạn đồng lứa: mê Bi Rain, thích xem phim và chụp ảnh... Em cũng có một ước mơ, đó là “được học, thành thạc sĩ, rồi tiến sĩ, rồi học hoài, học mãi”. Không phải chỉ là vì lời mẹ nói: “Con còn biết làm gì ngoài học”, mà tự em bắt mình phải học, học để không thua kém bạn bè, học để thành người có ích cho xã hội, học vì mình thích học, mê học. Suốt 12 năm học, điểm số của Vân chưa bao giờ thua kém các bạn cùng trang lứa, dù em thua thiệt hơn nhiều về sức khỏe và hoàn cảnh gia đình.

Đằng sau sự ham học ấy của Vân là hình ảnh một người mẹ hi sinh cả cuộc đời để con được đến trường. Bận bịu kiếm tiền nuôi con nhưng bà rất nghiêm khắc khi dạy con học: mỗi ngày chỉ được coi tivi dưới hai giờ, mỗi tuần chỉ được online bốn giờ, còn lại tập trung cho việc học. Bà từng đi phục vụ trong khách sạn, chạy bàn, phiên dịch, bán cà phê, trà sữa..., làm đủ nghề để lo cho con ăn học. Sắp tới, bà lại tính chuyển sang... nghề lái taxi vì mức lương ổn định có thể trang trải tiền thuê nhà, tiền ăn học của con. 18 năm ở trọ, địa chỉ nhà của hai mẹ con thay đổi theo mỗi lần chuyển trường.

Hình ảnh hai mẹ con bà Trần Thị Thanh Hương và Trần Ái Vân - những con người vượt khó vì sự học - gợi nhắc đến cha con cậu học trò Nguyễn Minh Phú - thí sinh viết bằng chân trong mùa thi năm 2011. Người cha ấy đã cõng con đi học từ nhỏ cho đến lúc lưng ông còng và yếu. Ông dạy con tập viết bằng chân, bằng phấn, gạch, cho đến khi ngón chân con có thể điều khiển được cây bút trên tập vở. Ông lam lũ hi sinh, cả gia đình rau cháo nuôi nhau vẫn tìm mọi cách lo toan để Phú được đi học đầy đủ cho đến ngày cất bước đi thi đại học.

Phú nay đã là sinh viên năm nhất Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM). Người cha trở về từ chiến trường với bao vết thương bom đạn hành hạ cơ thể vẫn tiếp tục theo con đến giảng đường đại học. Ông xin được một chân tạp vụ trong ký túc xá nơi con ở, hằng ngày giúp Phú vệ sinh, thay áo quần, lo toan mọi việc để con yên tâm đến lớp. Không chỉ nuôi Phú, ông còn chăm sóc thêm hai sinh viên khiếm thị khác trong khu ký túc xá. Người cha ấy không một lời than van mà chỉ gắng sức để con được ăn học nên người, với niềm tin “đức năng thắng số, có phúc có phần”.

Những hình ảnh bình dị của mùa thi mà có sức lay động lòng người sâu xa. Sự học là vô bờ. Thước đo của nó chính là lòng tin và sự kiên trì vươn lên của con người. Càng gian khó dường như sự vươn lên, đeo bám và quyết tâm chinh phục con đường học vấn càng mạnh mẽ. Và những ước mơ sẽ trở thành hiện thực từ sự nhẫn nại, kiên trì ấy...

 LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên