07/07/2017 15:45 GMT+7

​Stress - yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh

Trong cuộc sống hàng ngày, bất cứ ai cũng có những cảm xúc buồn, thương, giận, ghét..., tuy nhiên khi một hoặc nhiều cảm xúc này lặp đi, lặp lại nhiều lần và kéo dài, chúng sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh và dẫn đến bệnh tật.

Những trường hợp này khoa học gọi là strees.

Cơ thể chúng ta đáp ứng với stress như thế nào?

Gần đây stress được đề cập đến rất nhiều trong lĩnh vực sức khỏe, nhưng người ta nói nhiều đến tác hại chung và đưa những lời khuyên cũng rất chung chung như: phải lạc quan trước điều buồn đau, phải ăn uống đầy đủ và tập luyện thể thao... Đây là những điều cần thiết cho sức khỏe, song không dễ dàng thực hiện với người bị stress. Nguyên nhân gây ra hiện tượng stress rất khác nhau, song phản ứng của cơ thể đối với chúng lại giống nhau. Vì thế cần có được những hiểu biết cần thiết về mỗi giai đoạn để có cách đối phó với stress tích cực và thành công.

Stress và bệnh lý tim mạch

- Căng thẳng tâm lý thúc đẩy quá trình vữa xơ động mạch

Căng thẳng tâm lý được cho là một yếu tố gây bệnh vữa xơ động mạch. Những người hiểu biết về stress, có sức khỏe và tâm lý vững vàng sẽ dễ dàng vượt qua được những tác động của stress và vui tươi trong cuộc sống. Ngược lại, những người có cơ thể ốm yếu, tâm lý không vững vàng, không vượt qua và thích ứng nổi, thì dễ bị ảnh hưởng bởi stress và phát sinh bệnh, có thể dẫn đến đột tử khi gặp những cú sốc quá lớn trong cuộc đời.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 1998, sức khỏe của những người có công ăn việc làm thì tốt hơn những người thất nghiệp. Nhưng sự tổ chức công việc của xã hội, kiểu quản lý và những mối quan hệ xã hội tại nơi làm việc đều ảnh hưởng đến sức khỏe. Kiểm soát công việc kém có liên quan trực tiếp, rõ ràng với đau thắt lưng, nghỉ ốm và bệnh tim mạch. Kiểm soát tốt công việc làm giảm 2,3 lần nguy cơ bị các bệnh tim mạch.

Bên cạnh 3 yếu tố nguy cơ chủ yếu gây vữa xơ động mạch là tăng cholesterol máu, tăng huyết áp và hút thuốc lá, căng thẳng tâm lý cũng được xác định là một yếu tố nguy cơ quan trọng. Căng thẳng về tâm lý gây tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm và do vậy gây ảnh hưởng xấu đến thành mạch, làm rối loạn tuần hoàn và tăng nguy cơ gây tổn thương các tế bào nội mạc, làm tăng tính thấm của tế bào nội mạc và do vậy làm tăng nguy cơ lắng đọng LDL-C gây hình thành và phát triển vữa xơ động mạch.

- Có thể đột tử vì stress

Đột tử là nguyên nhân gây tử vong phổ biến của các bệnh nhân bị vữa xơ động mạch, đặc biệt là vữa xơ động mạch vành. Do vậy tác động tích cực lên quá trình vữa xơ động mạch sẽ làm giảm nguy cơ đột tử.

Có giả thuyết cho rằng khi bị căng thẳng về tâm lý cấp tính có thể gây rung thất và đột tử, do kích hoạt hệ thống bảo vệ dẫn đến làm giảm đột ngột trương lực phó giao cảm. Thông qua cơ chế thần kinh phó giao cảm trung ương làm mất sự ổn định về điện học của tim. Trong khi đồng thời làm tăng trương lực thần kinh giao cảm ở tim dẫn đến làm tăng tần số tim, tăng co bóp cơ tim, tăng huyết áp tâm thu và gây thiếu máu cơ tim ở các bệnh nhân có vữa xơ động mạch vành, làm tăng nguy cơ bị rung thất và đột tử.

Một số cách giảm thiểu stress

- Thức ăn có lợi cho sức khoẻ

Ăn nhiều thức ăn thô, đặc biệt là gạo và ngũ cốc. Ăn nhiều hoa quả và rau xanh. Một lượng nhỏ vừa phải chất béo, dầu và protein như thịt lợn, thịt gà, cá... Uống nhiều nước (ít nhất 8 cốc nước một ngày)

- Vận động

Thể dục thường xuyên, điều độ, 30 -45 phút mỗi ngày sẽ làm giảm căng thẳng và giúp bạn ngủ ngon hơn. Bất cứ bài tập thể dục nào cũng đều tốt cho cơ thể, miễn là phải tập đều đặn.

Học cách thở đều và sâu để giúp lồng ngực mở rộng hoàn toàn. Đây là một trong những cách giảm stress tốt nhất. Thở sâu sẽ giúp tránh được khả năng bị stress. Cách này rất tốt cho những người phiền muộn, hay lo lắng.

- Nghỉ ngơi hợp lý

Ngủ đẫy giấc là việc đầu tiên cần phải làm. Tạm dừng công việc, thả lỏng cả tâm hồn và cơ thể trong không gian yên tĩnh. Để thực hiện điều này không phải là đơn giản nhưng hãy nhớ nó thực sự là một liều thuốc bổ lý thú và rất có lợi cho sức khoẻ, đặc biệt nếu có thể ngủ được. Tuyệt vời hơn là tham gia những cuộc đi chơi xa hay có một kỳ nghỉ dài để thư giãn.

- Tránh dùng chất cồn quá nhiều

Nhiều người coi chất cồn là một công cụ giảm stress. Chất cồn là một chất giảm đau tác động tới hệ thần kinh nhưng nếu dùng kéo dài sẽ gây ra suy nhược, trầm cảm. Vì thế, khi bị stress, tốt nhất là tránh xa chất cồn vì thường nó sẽ dẫn dụ uống nhiều hơn 1 ly như dự kiến. Tiêu chuẩn cho phép chỉ là một cốc bia hoặc rượu vừa phải hoặc một cốc nhỏ rượu mạnh.

- Giảm lượng muối trong thức ăn

Ăn quá nhiều muối và trong một thời gian dài sẽ làm tăng huyết áp và gây nguy hiểm cho tim. Nếu huyết áp quá cao, có thể dẫn tới cảm giác mệt mỏi. Và nếu thường xuyên như vậy thì cơ thể sẽ không đủ sức chống chọi với stress.

- Bỏ thuốc lá

Chất nicotin trong thuốc lá sẽ khiến nồng độ serotonin trong não tăng nhẹ. Khi tình trạng này kéo dài sẽ gây ra stress. Hơn thế, nó còn có thể dẫn tới ung thư, mất ngủ, rối loạn cương dương, mụn, bệnh tim, nếp nhăn, ung thư phổi… Khói thuốc gây hại cho từng tế bào trong cơ thể bởi nó cướp mất dưỡng khí từ đó làm phản ứng với stress trở nên chậm chạp.

Tóm lại: “Những người thành công là những người có nhiều phương án để giải tỏa stress”.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên