02/12/2013 10:37 GMT+7

Sống dưới phễu bay

M.LĂNG - H.LỘC - Y.TRINH
M.LĂNG - H.LỘC - Y.TRINH

TT - Mỗi ngày sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đón khoảng 400 chuyến bay cất/hạ cánh. Người dân sống xung quanh khu vực này (phễu bay) cũng gặp không ít chuyện vui buồn từ tiếng ồn của các chuyến bay này.

Nhà tốc mái, dân: do máy bay, chuyên gia: không có chuyện đóKhông có máy bay bay thấp hơn độ cao quy định

RVyO8waQ.jpgPhóng to
Máy bay hạ cánh qua khu vực P.10 (Q.Gò Vấp, TP.HCM) sáng 30-11 - Ảnh: H.Lộc
h9R8LTg9.jpg
Phễu bay của sân bay Tân Sơn Nhất - Đồ họa: Như Khanh

Gia đình bà Đặng Thị Du (ngụ P.5, Q.Gò Vấp) chuyển về sinh sống tại khu vực P.5 từ năm 1992. “Lúc mới chuyển về mua đất, xây nhà sinh sống vẫn có máy bay qua lại nhưng rất ít, ngày chỉ dăm chuyến là cùng. Gần đây, mật độ máy bay ngày càng dày đặc, cứ 3-5 phút lại có một chuyến, bất kể ngày đêm. Đặc biệt, khoảng cách từ máy bay đến nhà có chuyến rất có cảm tưởng như sắp đụng nóc nhà vậy” - bà Du kể.

Đinh tai, nhức óc

Chị Phan Thị Mai Hương (con gái bà Du) bảo tiếng máy bay gầm rú nhiều lúc gây hốt hoảng nhưng sống lâu rồi cũng quen. “Lúc máy bay hạ cánh, âm thanh gầm rít làm khá đau đầu” - chị Hương cho biết. Tối 29-11, ngồi trò chuyện với bà Du và chị Hương khoảng 20 phút, chúng tôi ghi nhận có khoảng 10 lượt máy bay hạ cánh ngang qua nhà. Tiếng động cơ phát ra âm thanh gầm rú đinh tai, nhức óc.

qTFanZYw.jpg
Máy bay hạ cánh qua khu vực P.10, Q.Gò Vấp, TP.HCM sáng 30-11 - Ảnh: H.Lộc

Theo quan sát của chúng tôi, tại Q.Gò Vấp, máy bay thường bay cố định qua khu vực các phường 5, 6, 10. Tuy nhiên, vùng phải chịu ảnh hưởng về tiếng ồn lớn nhất là khu vực P.10, bởi nơi đây tiếp giáp gần nhất với sân bay Tân Sơn Nhất. Sáng 30-11, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và ông T.C.K. (56 tuổi, ngụ P.10) liên tục bị ngắt quãng bởi máy bay hạ cánh phát ra âm thanh như tiếng sấm. Ông K. cho biết nhà ông nằm giữa đường lên xuống của máy bay và sát với sân bay Tân Sơn Nhất nên khi máy bay ngang qua có lúc tạo thành xoáy gió thổi ngược nhưng nhà xây kiên cố nên không ảnh hưởng gì. “Người thân tôi từ Hà Nội vào chơi nhưng vì tiếng máy bay gầm rú suốt ngày không ngủ nổi nên ở ít hôm rồi một hai đòi về bằng được” - ông K. nói.

Cũng vì sống dưới phễu bay mà 15 năm qua gia đình chị Lê Thị Nhường (ngụ P.10, Q.Gò Vấp) phải hứng chịu tiếng máy bay gầm rít suốt ngày đêm. So với nhiều gia đình xây nhà 2, 3 lầu, nhà chị Nhường chỉ là một căn nhà cấp 4, cao 6m, nằm lọt thỏm trong khu dân cư. Tuy vậy, mỗi lúc máy bay ngang qua tiếng ồn vẫn phát ra rất khó chịu. Chị Nhường than thở ngoài việc hứng chịu tiếng ồn, đêm nằm ngủ nhiều loại máy bay cỡ lớn hạ cánh cũng khiến nhà rung giống như sắp bị máy bay đè bẹp.

Còn tại dãy nhà cấp 4 tạm bợ của đại gia đình bà Trần Thị Quỳnh (72 tuổi) ở P.5, Q.Gò Vấp, máy bay bay rất thấp. Trong khoảng từ 8g-10g, cứ tầm 5-10 phút lại có một chuyến giảm độ cao chuẩn bị hạ cánh. Cứ mỗi chiếc máy bay ngang qua, chúng tôi còn nghe rõ tiếng ồ ồ chừng 5-6 giây. Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi với chủ nhà thường bị gián đoạn vì tiếng ồn từ động cơ máy bay. Bà Quỳnh nói: “Ở đây cứ chừng 6g30 trở đi máy bay về một hơi 6-7 chuyến, kêu muốn bít lỗ tai. Chiều tối, máy bay lại xuống nhiều, có khi về một loạt”.

Bà Quỳnh kể: “Có cái Boeing bự chà bá, nhìn nó đưa cái càng to uỳnh, đưa gió ù ù vô nhà. Cây cối ở đây đảo qua đảo lại hết ráo, nghe ồ ồ, ào ào như bão về. Còn cái ăngten này nhảy tưng tưng. Vừa nghe tiếng máy bay là tui phải tắt tivi liền, không thì nó bay qua, rung màn hình thấy ghê lắm, nó làm rẹt rẹt. Mỗi tối coi thời sự hay bị mất hình, bực lắm. Cái tivi này nhà tui mới mua được hai tháng đó. Cái tivi trước loại thường, xài được có ba năm, bị hư màn hình sửa hoài vì máy bay cứ bay qua là nhiễu sóng, có bữa tắt cái bụp”.

hjAiUcJL.jpg
Nhà chị Vân có tới hai lớp cửa, kể cả cửa sổ, đều bằng kính để hạn chế tiếng ồn - Ảnh: My Lăng

Nhà... hai lớp cửa

Con gái bà Quỳnh là chị Ngô Thị Hồng Vân (40 tuổi), đang bị hạ canxi, tụt huyết áp đã nằm viện hai tuần nay. Ngày thứ bảy và chủ nhật chị tranh thủ về nhà chăm con. Chiều thứ sáu chị về được một chập thì chịu không nổi. “Mỗi lần máy bay bay qua nó rít dữ quá, ép tim, tui lên cơn mệt hoài, khó thở, chóng mặt. Tui sợ quá phải lên bệnh viện đo lại huyết áp, lấy thuốc tới tối mới về. Bác sĩ nói tui tránh tiếng ồn nhưng nhà cửa ở đây biết bao đời, đi đâu bây giờ” - chị Vân nói.

Nhà chị Vân có tới hai lớp cửa kính để tránh ồn. Toàn bộ cửa sổ bên ngoài và cả cửa sổ trong các phòng đều làm bằng kính để hạn chế tiếng ồn. “Ở nhà tui đóng cửa suốt, ở ngoài đánh nhau tui không nghe chớ máy bay bay qua là nghe liền. Cửa nhà tui thay kiếng mấy lần rồi đó. Máy bay bự bay qua, gió ù ù lùa vô nhà, cửa quên không gài chốt là bể kính liền” - chị Vân nói.

Chị Vân kể: “Mấy đứa nhỏ nhà tôi (một bé đang học lớp 3 và một bé học lớp 6) cứ nghe máy bay bay qua là ngưng, chừng nào hết ồn mới học tiếp. Có bữa nó bảo: Mẹ, máy bay ồn quá, bực mình quá học hổng được gì hết. Thiệt, ồn quá người lớn còn ù lỗ tai, bực bội huống chi tụi con nít”.

Ở gần đó, bà Nguyễn Thị Út, 51 tuổi, nói từ mười mấy năm nay, ban đêm bà không thể ngủ ngon giấc vì tiếng máy bay. Bà mua nhà ở hẻm này được 20 năm, làm nghề giữ trẻ. Ban ngày bận bịu chăm sóc ba đứa trẻ, chiều tối lại lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Tối, bà Út ngủ trên gác, sát mái nhà nên mỗi khi có máy bay nhà lại rung, rất nhức đầu và mệt mỏi. Bà cho biết: “Tui đang muốn bán nhà này để kiếm chỗ khác yên tĩnh hơn mà sống, chắc mua chung cư hoặc về khu Hóc Môn, vừa rẻ vừa thoải mái nhưng con tui đang học đại học trong TP, đi lại như vậy quá xa. Thôi thì để con tui học xong, lớn tuổi chút nữa chắc phải bán nhà, né... máy bay”.

Nguy cơ từ tiếng ồn máy bay

Theo các chuyên gia hàng không, khi máy bay cất và hạ cánh sẽ tạo ra tiếng ồn ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư nằm gần sân bay và dưới phi đạo.

Theo Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), chỉ tính riêng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất mỗi năm lượng máy bay cất/hạ cánh tăng hơn 10%. Tân Sơn Nhất cũng là sân bay đón nhiều chuyến bay cất/hạ cánh nhất tại VN với tần suất mỗi ngày có khoảng 400 chuyến bay cất và hạ cánh. Thời điểm Tết Nguyên đán, lượng khách đi lại tăng cao sẽ có trung bình 430-440 chuyến bay/ngày. Thậm chí trong những ngày cận tết các hãng hàng không còn tổ chức các chuyến bay nội địa cả đêm. Trung tâm kiểm soát khai thác sân bay Tân Sơn Nhất của Vietnam Airlines (VNA) cho biết có thời điểm chỉ trong một ngày cận tết, VNA có đến 284 chuyến bay đến/đi từ sân bay Tân Sơn Nhất nên việc gây ra tiếng ồn cho khu dân cư xung quanh sân bay và dưới phi đạo là điều không thể tránh khỏi. Các chuyên gia kỹ thuật hàng không cho biết hầu hết tiếng ồn sinh ra khi dòng khí lướt qua các bộ phận của máy bay - cánh vỗ, phần đuôi ngang và thẳng đứng, bánh xe hạ cánh và rìa hoặc đầu mút của các bề mặt khác nhau bên ngoài máy bay.

Theo các chuyên gia hàng không, khi máy bay cất/hạ cánh sẽ tạo ra tiếng ồn trong khoảng 120-140dB (decibel, đơn vị đo lường tiếng ồn) trong khi tiếng nói chuyện bình thường chỉ khoảng 40dB. Trong khi các nhà khoa học khuyến cáo với tiếng ồn ở mức trên 105dB, mỗi ngày con người chỉ có thể chịu đựng tối đa năm phút. Vì vậy, ở nhiều nước sân bay được xây dựng ở khu vực xung quanh không có nhà dân hoặc có nhà dân cũng phải nằm trong giới hạn ồn trên 55dB. Ở Bỉ, tiêu chuẩn này phải là dưới 45dB (chỉ to hơn tiếng nói chuyện bình thường chút ít).

Những tiếng ồn này tác động trực tiếp đến tai, hệ thần kinh trung ương, rồi đến hệ tim mạch, dạ dày và các cơ quan khác, sau đó mới đến cơ quan thính giác. Ô nhiễm tiếng ồn kéo dài còn ảnh hưởng tới sức khỏe và hành vi của con người làm họ mất ngủ, khó chịu, khó tiêu, ợ nóng, huyết áp cao, bệnh tim và bệnh điếc.

Một số nghiên cứu còn cho thấy tiếng ồn máy bay làm người nghe dễ bị huyết áp cao và có thể dẫn tới chứng đột tử, suy tim, đau tim và suy thận. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh những người sống gần sân bay ồn ào và dưới đường bay ít nhất năm năm sẽ có nguy cơ tăng bệnh cao huyết áp mãn tính hơn những người sống ở nơi yên tĩnh. Còn theo các nhà khoa học thuộc Quỹ Hệ thống y tế quốc gia Anh, mức độ tiếng ồn cao của máy bay có thể ảnh hưởng đến kỹ năng đọc hiểu của trẻ em. Kết quả nghiên cứu trên hơn 2.800 trẻ sống gần khu vực sân bay Heathrow (Anh) và các sân bay khác ở Tây Ban Nha, Hà Lan cho thấy khả năng biết đọc của trẻ em ở Anh bị chậm lại hai tháng, trong khi ở Hà Lan là một tháng khi mức độ tiếng ồn tăng lên 5dB.

LÊ NAM

M.LĂNG - H.LỘC - Y.TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên