19/12/2005 05:01 GMT+7

Số phận những em bé về từ Trung Quốc

QUANG THIỆN
QUANG THIỆN

TT - Chưa ra đời em đã sẵn mang một số phận đầy chia ly, cách trở. Khi sinh ra em phải trốn chạy quê cha, vượt hàng trăm cây số để về quê mẹ.

4QqKMmBA.jpgPhóng to
Xuân Nhi đang đọc tờ giấy khai sinh, một lá bùa hộ mệnh của em

Em mang hai dòng máu, hai tiếng nói nhưng lại không lý lịch, không quốc tịch; rồi có khi còn phải chối bỏ nguồn gốc mình. Đó là câu chuyện của những phụ nữ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc (TQ), khi về VN mang theo đứa con lai bất đắc dĩ...

Ngày trở về

Một hôm, bỗng bà Chuốt (thôn Đường Trường, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) nghe có tiếng đập cửa dồn dập. Và, lạy Chúa! Con bà về... Trên tay nó, một đứa bé u ơ khóc. Ôi, cháu bà đấy!

Suốt đêm ấy, tiếng nói cười và nước mắt tràn ngập căn nhà. Đứa bé đỏ hoe trong đống tã lót cựa mình khóc. Nó là con của con gái bà. Nó mang trong mình dòng máu nhà họ Vũ này. Huệ (con gái bà) bảo nó là con gái, tên ở bên kia là Rều, nay mới tám tháng tuổi.

Ông Chuốt cất tiếng: “Từ nay tên cháu là Xuân Nhi lấy họ Vũ của mẹ. Không ai được gọi nó là Rều nữa”. Xuân Nhi đã đi 4-5 ngày đêm không nghỉ, vượt gần ngàn cây số qua núi non hiểm trở, qua phố xá, sông suối, ghềnh thác và cửa khẩu biên cương bằng ôtô, xe máy và chạy bộ để về tới đây.

Bà Chuốt kể: Cô con gái lớn của bà với một chiếc máy khâu và chút nghề may vá đang chờ người dạm hỏi thì bất ngờ bỏ đi biệt tích. Chạy khắp nơi dò tìm, bà được tin có người chuyên đưa phụ nữ đi lấy chồng TQ gần đây thậm thụt gặp Huệ.

Vậy là con bà đã bị bán cho người ta rồi... Một, hai, ba rồi bốn năm Huệ không tin tức. Nghe tin có người bên Phả (xã Phả Lễ bên cạnh) mới trốn từ TQ về, bà lập tức tìm gặp. May thay, người đó nói Huệ còn sống, đang làm vợ người đàn ông ở miền núi heo hút của tỉnh Quảng Đông. Sống cơ cực lắm.

Bàn bạc với gia đình rồi bà cho cậu con trai là Khanh, 25 tuổi, khăn gói đi tìm chị. Bắt được liên lạc nhưng phải sau hai tháng chị em họ mới hoàn thành kế hoạch đào tẩu. Huệ lúc này đã có hai con. Bé lớn là con trai nên ông bà nội không rời nửa bước, Huệ không thể đưa đi.

Cuối cùng trong một đêm dông gió mịt mùng, hai chị em bí mật rời vùng đất xa lạ và khắc nghiệt đó với một cái địu vải sau lưng được gói nilông kín mít. Trong đó là một đứa trẻ tám tháng tuổi. Họ cứ băng rừng đi xuyên đêm qua ngày. Gặp gì ăn nấy. Và sau bốn đêm thì về tới quê nhà...

Những ngày đầu Xuân Nhi chưa quen ăn bột, uống sữa VN nên em quặt quẹo ốm và khóc mãi. Nhưng rồi em cũng đã lớn lên trong tình thương yêu của quê ngoại và bắt đầu bập bẹ... Xuân Nhi nay đã lên sáu, em đã sống ở quê mẹ được năm năm... Năm năm cho một cuộc đời mới với những vui buồn không đoán định.

Sự trở về của bé Thảo Vân thì êm đềm hơn bởi mẹ Thảo Vân là chị Bảy, người xã Tôn Dưỡng, Thủy Nguyên, đã đẻ cho nhà chồng hai đứa con trai kháu khỉnh bụ bẫm. Khi sinh Thảo Vân, họ hàng bên nội không mừng rỡ gì bởi con gái ở xã vùng cao Lả Xố, huyện Phòng Thành (Quảng Tây) ấy... thừa nhiều lắm.

Biết Bảy muốn về VN, gia đình không giữ nếu chị đem theo cô con gái út. Thế là sau 10 năm bị lừa bán làm vợ người đàn ông thiểu số nghèo khổ, già nua thì Bảy được thả cho về với một đứa con gái 6 tuổi và hai bàn tay trắng. Sự đón tiếp đầu tiên của quê ngoại với Vân là trận ngã nước đến nửa tháng trời.

Da xanh, tóc rụng, mắt vàng... Nhưng khổ nhất là Vân không thể nói chuyện với ông bà, cậu mợ, bè bạn vì không biết tiếng Việt. Đi ra ngoài, trẻ con trong làng cứ quây quanh Vân để hỏi. Mỗi lần Vân xì xố tiếng Hoa là chúng lại cười ngặt nghẽo.

Theo thống kê chưa đầy đủ của huyện Thủy Nguyên, từ năm 1999 đến nay huyện có tới 1.365 phụ nữ xuất cảnh trái phép sang TQ. Có 53 người đã trở về và đem theo 44 đứa con lai. Trên 90% số này là con gái.

Ông Nguyễn Văn Thái, giám đốc Sở Tư pháp Hải Phòng, cho biết: rà soát từ năm 2001 đến nay, toàn TP có 1.587 trẻ em chưa được khai sinh vì không đủ điều kiện. Một phần trong số đó là những đứa trẻ có mẹ xuất cảnh trái phép sang TQ, sau đó sinh con đưa về quê. Những trường hợp này vừa không có giấy chứng sinh vừa không có người làm chứng mà chỉ hoàn toàn dựa vào lời khai của mẹ.

Quan điểm của ông Thái là nhất định phải đảm bảo quyền được khai sinh, đi học, khám chữa bệnh... của các em. Và vì vậy, với thẩm quyền của mình, ông đã trực tiếp ký 1.587 văn bản gửi xuống các xã, đề nghị và hướng dẫn làm khai sinh cho những em này.

Khai cụ thể: nơi sinh là TQ và bỏ trống phần lý lịch về cha. Ngoài ra các bà mẹ phải viết cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai của mình.

Không thừa nhận

Bà ngoại Xuân Nhi mở tủ lục lọi hồi lâu và đưa ra một kẹp nilông 3-4 lần giấy bọc như cất giấu báu vật bên trong. Với gia đình này thì đúng là báu vật thật. Đó là bản khai sinh đóng dấu đỏ tươi còn thơm mùi giấy mới. Bà nói: “Gần sáu năm cháu sống ở đây nhưng bây giờ gia đình mới làm được giấy khai sinh cho cháu”.

Chị Nguyễn Thị Xoài, chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Thủy Nguyên, nói: “Trong hoàn cảnh này thì Xuân Nhi là em bé may mắn bởi tất cả những đứa trẻ sinh tại TQ thì khi về VN đều không có giấy chứng sinh”.

Về nguyên tắc, các em không đủ điều kiện làm giấy khai sinh. Những em có gia đình, họ hàng có điều kiện quan tâm thì buộc phải chạy chọt lách luật. Những em khác có mẹ lại bỏ đi làm ăn xa, họ hàng không có điều kiện nên ngay cuộc sống cũng đã thiếu thốn thì càng không có điều kiện chạy khai sinh.

Câu chuyện của em Hồng ở xóm “bụi” bến Bính, xã Tôn Dưỡng (Thủy Nguyên) là một điển hình. Hai mẹ con từ TQ về VN năm 1990 khi Hồng 2 tuổi. Không nhập khẩu, không khai sinh được cho con. Cuộc sống tạm bợ, vất vưởng vì không nghề nghiệp, không vốn liếng nên mẹ Hồng gửi con cho một gia đình hiếm muộn rồi đi làm ăn xa. Nhà mẹ nuôi làm nghề chài lưới và buôn rau, muối trên sông nên cũng khó khăn. Hồng sống dưới thuyền và cũng không đi học.

Đến khi có người dạm hỏi làm vợ và đưa Hồng đi đăng ký kết hôn thì họ tá hỏa vì chính quyền xã nói: không biết cô này là ai. Và thậm chí người ta cũng chẳng biết Hồng là người nước nào, bao nhiêu tuổi, vì em không hộ khẩu, hộ tịch, chẳng giấy khai sinh hay chứng minh nhân dân. Suýt nữa nhân duyên của Hồng tan vỡ vì lý do chưa ai gặp phải, mặc dù 16 năm qua em sống ở đây, giữa quê hương, họ hàng, làng xóm của mình.

Nhiều bà mẹ có hoàn cảnh éo le này đã khóc và tâm sự với chúng tôi: vì không có giấy khai sinh, không chỉ không được đến trường mà các em còn mất rất nhiều quyền lợi vật chất, tinh thần khác.

Chính quyền nhiều xã ở Thủy Nguyên thừa nhận rằng không nắm được đầy đủ tình hình sinh sống, đi lại và học hành của những đứa trẻ này vì họ chưa có phương pháp quản lý nào khi không có hộ khẩu, hộ tịch. Vì vậy nhiều em bé về rồi lại đi, nhận làm con nuôi hay thay tên đổi họ thì cũng không ai biết...

QUANG THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên