26/05/2022 08:09 GMT+7

Sinh viên vay vốn với 'mức vay thấp, thủ tục phức tạp, lãi suất cao'

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Đời sống khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 và chi phí học tập ngày càng tăng nhưng sinh viên vẫn ngần ngại đăng ký vay vốn.

Sinh viên vay vốn với mức vay thấp, thủ tục phức tạp, lãi suất cao - Ảnh 1.

Trần Thị Ngọc Anh, hiện là sinh viên Trường ĐH Tài chính - marketing, có hoàn cảnh khó khăn và từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ngoài ra, chi phí học tập tại các TP lớn liên tục tăng thời gian qua, tạo áp lực không nhỏ lên các gia đình. Bên cạnh đó, ĐH công lập sẽ bước vào giai đoạn tự chủ tài chính đồng nghĩa với học phí tăng làm sinh viên gặp nhiều khó khăn.

Thủ tục phức tạp

Theo Bộ GD-ĐT, chi phí học tập bình quân hiện nay của một học sinh, sinh viên khoảng 6,5 - 9,5 triệu đồng/tháng. Nên mức cho vay 2,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên trước đây chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập. 

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại chỉ đáp ứng khoảng 37%, cùng với việc chi phí đang gia tăng, mức cho vay 2,5 triệu đồng/tháng khó có thể hỗ trợ tốt cho các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Trước thực tế đó, ngày 23-3 Thủ tướng đã ban hành quyết định điều chỉnh mức vay từ 2,5 triệu đồng lên 4 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên. 

Quyết định này cũng sửa đổi đối tượng được vay vốn gồm: học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; học sinh sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.

Sinh viên Hoàng Ngọc Tân (Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết gần hai năm qua gia đình bạn vô cùng khó khăn, kinh tế kiệt quệ do mẹ bị bệnh ung thư. "Tôi biết đến chính sách tín dụng sinh viên và rất muốn được vay tiền ăn học nhưng tôi không thuộc đối tượng vay vốn. 

Chính sách mới bổ sung thêm đối tượng được vay vốn là hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật nhưng tôi cũng không đủ điều kiện vì gia đình tôi không thuộc diện này. Tôi có hỏi thủ tục xin vay nhưng thấy phức tạp quá, số tiền được vay cũng không nhiều nên thôi" - Tân nói.

Gia đình sinh viên Kiều Trang (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng không thuộc diện hộ nghèo nhưng có em trai út bị bệnh tim bẩm sinh và câm điếc. 

Sau lần mổ tim, bệnh của em trai đã thuyên giảm cũng là lúc gia đình thêm nghèo túng. Trang chia sẻ: "Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo, theo quy định trước đây không thuộc đối tượng được vay vốn từ chương trình tín dụng sinh viên. 

Thời gian qua tôi gặp rất khó khăn nhưng nhờ kiếm được việc làm thêm, tự lo được sinh hoạt phí. Còn học phí thì bố mẹ vay tiền người thân quen gửi cho tôi. Không chỉ tôi mà rất nhiều bạn sinh viên khác gần đây cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. 

Sinh viên đều mong Nhà nước mở rộng đối tượng sinh viên được vay vốn học tập với các thủ tục đơn giản hơn hiện nay".

Cần mở rộng đối tượng cho vay

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Tứ - giám đốc Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM, quỹ tín dụng sinh viên hiện có những hạn chế. Từ năm 1998 đến nay, quy định về tín dụng sinh viên dù đã được sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn có nhiều hạn chế về đối tượng được vay, mức vay khá thấp, thời hạn vay ngắn, thủ tục và phương thức vay còn phức tạp. 

"Với mức 6,6%/năm (0,55%/tháng), lãi suất cho vay tín dụng sinh viên đang cao hơn khoảng 1% so với mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại nhà nước. Theo tôi, lãi suất như vậy hoàn toàn không phù hợp với đối tượng là sinh viên vay để phục vụ việc học tập", ông Tứ nhận định.

ThS Nguyễn Văn Toàn - trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) - đề nghị: "Nhà nước cần mở rộng thêm đối tượng sinh viên được vay vốn học tập như cách làm của nhiều nước, tín dụng sinh viên đã phổ biến cho toàn thể sinh viên và không phân biệt sinh viên khó khăn hay không. 

Bên cạnh đó, thay vì quy định sinh viên vay vốn thông qua hộ qua đình thì nên để sinh viên được trực tiếp vay. Nhà nước cần mạnh dạn cho sinh viên vay đủ tiền để đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Nhà nước cũng không lo việc sinh viên không trả nợ vay, vì hiện có rất nhiều cách để ngăn chặn hiệu quả việc này được rất nhiều nước đang áp dụng".

ThS Đặng Kiên Cường - trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cũng cho rằng nếu nguồn quỹ chương trình tín dụng sinh viên đủ lớn thì nên mở rộng đối tượng được vay...

Nhu cầu vay vốn của sinh viên rất lớn

TS Lâm Thanh Minh - quyền trưởng phòng công tác chính trị và học sinh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho biết hiện nay số sinh viên xác nhận thủ tục vay vốn học tập tại trường từ đầu năm học 2021 - 2022 (tháng 9-2021 đến tháng 5-2022) chiếm gần 15% số sinh viên của trường, tăng khoảng 5% so với năm học trước.

Trong mùa dịch, nhà trường hỗ trợ sinh viên bằng cách scan giấy xác nhận sinh viên và gửi về Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện thủ tục vay.

"Thời gian gần đây số sinh viên có nhu cầu vay vốn tăng cho thấy nhu cầu vay vốn học tập của sinh viên rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập trong chính sách này. Cần tiếp tục thực hiện chính sách này và liên thông với các quy định của Chính phủ về học phí, cũng như nghị định về hỗ trợ tiền đóng học phí và sinh hoạt phí đối với các ngành đào tạo giáo viên" - ông Minh kiến nghị.

Tăng mức cho vay học sinh, sinh viên lên 4 triệu đồng/tháng Tăng mức cho vay học sinh, sinh viên lên 4 triệu đồng/tháng

TTO - Từ ngày 19-5-2022, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên sẽ tăng từ 2,5 triệu đồng/tháng lên 4 triệu đồng/tháng.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên