02/07/2017 08:00 GMT+7

Sinh viên ĐH Duy Tân chứng minh bản lĩnh tại Canada

Trần Hân
Trần Hân

Sau khi đoạt thành tích trong đội vô địch CDIO Academy 2016 tại Phần Lan, sinh viên ĐH Duy Tân một lần nữa tái hiện “vinh quang” trong đội vô địch CDIO Academy 2017 tại Canada.

Đoàn ĐH Duy Tân tại Hội nghị CDIO 2017, Canada
Đoàn ĐH Duy Tân tại hội nghị CDIO 2017, Canada

Từ ngày 18 đến 22-6-2017, tại Trường ĐH Calgary, Canada, hội nghị CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate) - (tạm dịch là hội nghị về sáng tạo - thiết kế - triển khai - vận hành) quốc tế thường niên lần thứ 13 được tổ chức với sự tham gia của 249 nhà quản lý, chuyên gia, kỹ sư, giảng viên và sinh viên (SV) từ các trường đào tạo khoa học kỹ thuật hàng đầu của 36 quốc gia. 

Là thành viên thứ hai của Việt Nam chính thức tham gia Hiệp hội CDIO (2012, sau Đại học Quốc gia TP.HCM), đoàn ĐH Duy Tân do TS Lê Nguyên Bảo, phó hiệu trưởng làm trưởng đoàn, năm nay tiếp tục có đóng góp về bài báo của giảng viên và thi thố của sinh viên.

"Giáo dục kỹ thuật trong kỷ nguyên số” là chủ đề chính bao quát toàn bộ hoạt động thảo luận diễn ra tại hội nghị CDIO 2017. Đã có 102 bài báo của 173 tác giả tham gia, trong đó, 5/7 bài báo đến từ các ĐH Việt Nam là của giảng viên ĐH Duy Tân với các nội dung xoay quanh các thách thức về giảng dạy kỹ thuật trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay.

Song song với hội nghị CDIO là cuộc thi CDIO Academy được các thành viên của Hiệp hội CDIO đặc biệt quan tâm bởi đây là hoạt động thiết thực thể hiện chất lượng đào tạo ngành nghề kỹ thuật của các trường trong hiệp hội. Cuộc thi nhằm đánh giá khả năng thích nghi, tính sáng tạo và nhạy bén khi xử lý công việc trong môi trường quốc tế cũng như kỹ năng làm việc nhóm của những người kỹ sư tương lai.

Sinh viên của hơn 15 quốc gia đã cùng tham dự cuộc thi CDIO Academy 2017, trong đó, ĐH Duy Tân tham gia với 4 SV gồm: Lê Đình Nhật Khánh, Trần Hoàng Phước Nguyên (K20CMUTPM), Nguyễn Hồng Tiểu Minh (K22UIUQTH), Lê Nhật Hưng (K21UIUTPM); ngoài ra ĐH Duy Tân còn tài trợ cho SV Nguyễn Thị Ngọc Ánh (K16SPA02), Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng tham gia cuộc thi lần này. Đây là SV đã nhận được gói tài trợ giải thưởng của cuộc thi "Dự án Kinh tế cộng đồng" mà ĐH Duy Tân tổ chức hằng năm dành cho SV tất cả các trường ĐH, CĐ trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên.

SV Lê Đình Nhật Khánh - ĐH Duy Tân (thứ 2 từ phải qua) nhận HCV cùng các thành viên đến từ các trường đại học của Đài Loan, Trung Quốc, Nga và Canada trong đội Jet-Lagged
SV Lê Đình Nhật Khánh - ĐH Duy Tân (thứ 2 từ phải qua) nhận HCV - cùng các thành viên đến từ các trường ĐH của Đài Loan, Trung Quốc, Nga và Canada trong đội Jet-Lagged

Chủ đề của cuộc thi năm nay là “Thách thức và giải pháp cho xe tự hành trong tương lai”. Trong vòng hai tháng trước khi đến thi đấu trực tiếp tại Canada, các SV phải thực hiện online tổng cộng sáu nhiệm vụ nhằm thể hiện sự hiểu biết của mình về chủ đề của cuộc thi. Sáu vấn đề mà ban tổ chức đưa ra liên quan đến các thách thức mà lĩnh vực xe tự hành đang phải đối mặt như về kỹ thuật, đạo đức, hành lang pháp lý, và tác động xã hội. 

Sau khi đến Canada, theo yêu cầu của cuộc thi, các SV trong mỗi đoàn sẽ phải tách ra để lập thành đội mới với các thành viên đến từ các nước khác nhau. Trong vòng 4 ngày, các đội cùng làm việc nhóm, lên ý tưởng và thể hiện ý tưởng của mình với cách tiếp cận C-D-I-O thông qua lập trình và điều khiển với bộ công cụ giả lập Lego Mindstorm để đề ra giải pháp theo chủ đề của cuộc thi. Những vấn đề mà các đội lựa chọn liên quan đến các hạn chế về kỹ thuật vận hành hay vấn nạn pháp lý và đạo đức khi xảy ra tai nạn đối với xe tự hành. Để triển khai thành công các ý tưởng, các thành viên trong từng đội vừa phải phát hiện điểm mạnh của nhau để xây dựng đội hình, hình thành ý tưởng, vừa phải xây dựng giải pháp, chuẩn bị bài thuyết trình cùng sản phẩm mẫu hay thử nghiệm theo thiết kế của mình với hội đồng giám khảo qua 3 vòng thi. 

Sau quá trình nghiên cứu và lên ý tưởng, nhóm Jet-Lagged của Lê Đình Nhật Khánh đã tranh tài với giải pháp "Unified sensor system" (hay “Hệ thống cảm biến hợp nhất”). Khánh cho biết: “Hầu hết các hệ thống cảm biến hiện tại trên xe tự lái đều còn nhiều hạn chế nên nhóm đã đề xuất ý tưởng dùng một hệ thống cảm biến hợp nhất giữa các xe để có thể điều tiết giao thông thông suốt và giúp cho các phương tiện có thể liên lạc được với nhau một cách thuận tiện nhất. Từ đó giảm thiểu tai nạn, tiết kiệm chi phí và hỗ trợ cho người tham gia giao thông cùng với các phương tiện tự lái một cách an toàn và có độ tin cậy cao”.

Là SV chuyên ngành công nghệ phần mềm chuẩn CMU, khoa đào tạo quốc tế, ĐH Duy Tân, Khánh đã hòa nhập rất nhanh với đội của mình bằng sự hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực đang theo học, cùng với các kỹ năng làm việc nhóm, khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng thuyết trình, phong thái chuyên nghiệp và kỹ năng tiếng Anh lưu loát. Qua phần trình bày bảo vệ đầy thuyết phục của Lê Đình Nhật Khánh và các thành viên trong đội, đội Jet-Lagged đã được hội đồng giám khảo CDIO Academy đánh giá cao về ý tưởng sáng tạo, các tính năng vượt trội như tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế tai nạn, hỗ trợ lưu thông trong hệ thống giao thông, khả năng đồng bộ thông tin giữa các xe tự lái, giảm thiểu chi phí phát triển xe tự hành.

Kết quả chung cuộc, đội Jet Lagged với thành viên Lê Đình Nhật Khánh đến từ ĐH Duy Tân đã xuất sắc giành huy chương vàng cuộc thi CDIO Academy 2017. Ngoài ra, SV Nguyễn Thị Ngọc Ánh, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng thành viên của đoàn, tham gia cùng đội The Bears cũng thuyết phục được hội đồng giám khảo và được nhận huy chương bạc tại CDIO Academy 2017.

Trực tiếp đưa đoàn SV ĐH Duy Tân tham dự cuộc thi CDIO Academy 2017 tại Canada, TS Trần Nhật Tân - giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng & khảo thí, ĐH Duy Tân - chia sẻ: “Trong những năm gần đây, việc SV ĐH Duy Tân liên tiếp giành các giải cao tại các cuộc thi quốc tế như IDEERS, Go Green, Microsoft Imagine Cup,… đã khẳng định tài năng, bản lĩnh và sự trưởng thành trong công cuộc hội nhập quốc tế của nhà trường. 

Từ chiến thắng tại cuộc thi lần này, SV ĐH Duy Tân sẽ có thêm sự tự tin trên các đấu trường quốc gia cũng như quốc tế. Giải thưởng tại Canada 2017 cũng như kết quả của các năm qua (bao gồm 2013: giành Cúp vô địch CDIO Academy 2013 cùng 1 giải nhất và 1 giải nhì tại ĐH Harvard và Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT); 2016: vô địch CDIO Academy 2016 ở Phần Lan - PV) sẽ là động lực khuyến khích hơn nữa hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong cộng đồng SV ĐH Duy Tân. Các kết quả này cũng là minh chứng cho thấy sự hiệu quả từ các mô hình đào tạo tiên tiến mà nhà trường đang áp dụng”.

Niềm vui của Lê Đình Nhật Khánh (ĐH Duy Tân)- HCV trong Đội vô địch và Nguyễn Thị Ngọc Ánh (ĐH Đà Nẵng) trong Đội giành HCB tại CDIO Academy 2017
Niềm vui của Lê Đình Nhật Khánh (ĐH Duy Tân) - HCV trong đội vô địch và Nguyễn Thị Ngọc Ánh (ĐH Đà Nẵng) trong đội giành HCB tại CDIO Academy 2017

Trở về từ cuộc thi, SV Lê Đình Nhật Khánh chia sẻ: “Cuộc thi đã giúp em và các bạn được trải nghiệm trong môi trường làm việc quốc tế, vận dụng được các nguyên tắc về làm việc nhóm trong môi trường đa văn hóa, kỹ năng giải quyết các vấn đề kỹ thuật, cách thức áp dụng phương pháp CDIO và SUIT (chia sẻ - thấu hiểu - hoà nhập - đồng lòng) vào công việc,…

Em rất vui và tự hào là SV ĐH Duy Tân, em cũng rất biết ơn nhà trường đã tạo cơ hội cũng như điều kiện cho em và các bạn được tham gia và đạt được thành công hôm nay. Với em, trường công lập hay tư thục chỉ là một danh xưng, điều quan trọng là sự quyết tâm cao và đầu tư bài bản cho học tập sẽ giúp mỗi người đạt được thành quả mong muốn. Hãy bắt đầu từ hôm nay tại một trường ĐH có tiềm lực, có nhiệt huyết và luôn “duy tân” bản thân để tăng thêm nghị lực và bản lĩnh vươn tới những đỉnh cao mới trong tương lai”.

Trần Hân
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên